Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 20 Tháng 3 2021 06:03

Như hạt lúa mì

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Như hạt lúa mì


21CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

– Ca vịnh tuần I.

– Chúa Nhật hôm nay cử hành nghi thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ ba cho những người lớn sắp lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm Ki-tô Giáo vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 174-180).

– Trong Thánh lễ có khảo hạch dự tòng phải dùng bài đọc năm A và Kinh Tiền Tụng về La-da-rô sống lại.

– Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.

– Các bài đọc Lời Chúa: Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33.

NHƯ HẠT LÚA MÌ

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta. “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài. Nếu ta cùng đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài” (x. Tin Mừng 2,8-12). Ai ham sống, sợ chết, sẽ đánh mất tất cả. Người dám theo Chúa Giêsu mà đánh đổi cuộc sống hiện tại, sẽ được cuộc sống muôn đời.

Thập giá không phải là một biến cố anh hùng mà Chúa Kitô ao ước đương đầu bằng tất cả bầu nhiệt huyết cách mạng. Đây là một biến cố khá nhỏ nhen, bần tiện, với một hậu cảnh tôn giáo chính trị khó hiểu, mà Chúa Giêsu đã tìm cách tránh trong một thời gian dài, nhưng vẫn không trốn thoát nó. Khi Ngài thấy biến cố này đang đến và Ngài không thể hoãn lại lâu hơn nữa, Ngài đã đón nhận nó bằng tác động vâng phục hoàn toàn tự do của một người con, sẵn sàng tự hiến như Chúa Cha đã yêu cầu Ngài.

Vì trong cơ bản thập giá là cuộc tự hiến hoàn toàn mà Chúa Con dâng lên Cha Ngài bằng hành vi vâng phục được thể hiện trong một vụ án bất công, kèm theo sự ruồng bỏ của những kẻ thuộc về Ngài, trong một cái chết gây ra bởi nỗi đau đớn tột cùng do việc bị đóng đinh thập giá. Qua hành vi vâng phục này Chúa Giêsu hiến mình trong một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha Đấng có thể cứu Người khỏi chết và khỏi quyền lực tối tăm đang tấn công Ngài.

Chúa Giêsu không chấp nhận thập giá vì Ngài, Ngài chấp nhận nó vì chúng ta. Chính thập giá của thế giới mà Ngài đã mang, thập giá mà sự bất tuân của chúng ta và việc chúng ta từ chối Chúa Cha đã áp đặt cho chúng ta, nó là công trình tay chúng ta làm ra, hoa quả trổ sinh từ những bất chính của chúng ta. Khi chấp nhận thập giá chung của loài người, khi mang nó như thể nó thuộc về bản thân Ngài, Chúa Giêsu đã sống nó trong một tiếng kêu hy vọng và tin tưởng mà Chúa Cha sẽ đón nhận. Sự hiến dâng và lời khẩn cầu của Ngài đã cứu Ngài và cứu chúng ta nữa cùng với Ngài.

Mỗi người Kitô hữu đều được kêu gọi trở thành hạt giống gieo xuống đất. Điều này làm nên phần riêng của tình trạng việc cứu rỗi thế giới. Dầu bên ngoài có được kêu gọi hay không, mỗi người Kitô hữu do sự kết hiệp với Đức Kitô cũng có được mời gọi tham gia vào việc cứu rỗi hết mọi người anh em mình. Nếu họ không thể hành động được, người đó hãy nuôi dưỡng ý chí tán dương mà của lễ thầm kín của sự cầu nguyện, đau khổ và cái chết của người đó kết hiệp cùng Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa, để cứu rỗi nhiều anh em mình. Nếu họ có sứ mệnh hoạt động thì họ phải nhớ rằng sự hiệu nghiệm của các hoạt động mình tùy thuộc trước hết và trên hết sự hiệp thông của mình với lời cầu nguyện và cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu.

Hạt lúa rơi xuống đất, có mục nát, thì mới sinh nhiều hoa trái. Anh chàng thư ký đã chôn vùi những tiện nghi của mình, bằng cách nhường lại căn phòng ấm cúng cho hai vợ chồng người khách lạ. Và sự hy sinh ấy đã đem lại phần thưởng cho anh. Anh được quản lý một khách sạn sang trọng và nổi tiếng trên thế giới.

Hạt giống phải chết đi, phải mục nát trước khi nẩy mầm, đâm bông và kết trái. Điều đó cũng đúng cho bình diện thiêng liêng. Bởi vì, chúng ta, những người tin theo Chúa đều biết rằng mọi cố gắng, mọi hy sinh, mọi gian khổ của chúng ta rồi sẽ sinh hoa kết trái, nhất là khi những cố gắng, những hy sinh và gian khổ ấy được thi hành vì lòng mến đối với Thiên Chúa và tình thương đối với anh em đồng loại. Chính Chúa Giêsu cũng đã chấp nhận những hy sinh gian khổ vì chúng ta, bằng cách chịu chết trên thập giá, để rồi từ đó Ngài đã có được hoa trái của sự phục sinh vinh quang.

Thánh Gioan hôm nay đã dùng hình ảnh quen thuộc để diễn tả ý nghĩa đích thực của cái chết của Chúa Giêsu: hình ảnh của một hạt giống bị mục thối đi trong lòng đất để dẫn đến một mùa gặt phong phú. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác”. Cũng vậy, những đau thương Chúa Giêsu sắp trải qua sẽ không kết thúc ở một cái chết cằn cỗi mà sẽ dẫn đến sự phì nhiêu sung mãn của sự sống lại, một sự sống có khả năng tập họp mọi dân nước trong Nước Trời.

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.
Huệ Minh

Read 465 times Last modified on Chủ nhật, 21 Tháng 3 2021 11:50