21.4 Thứ Tư Tuần III Phục Sinh
– Thánh An-sen-mô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh.
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 8,1b-8; Ga 6,35-40.
BÁNH BỞI TRỜI
Anselmô, vị giám mục tiến sĩ Hội thánh, thường được gọi là “Giáo phụ kinh viện”. Ngài sống vào thế kỷ XI, xuất thân từ hàng quí tộc phong kiến: Thân phụ là vị lãnh chúa vùng Aoste và thân mẫu liên minh với dòng họ Savoie. Ngài sinh năm 1033; được hấp thụ nền giáo dục của các tu sĩ Biển Đức tại Đan viện Aoste vào năm 1056: chính nơi đây, ngài đã tìm kiếm Chúa và dâng mình cho Người trong đời sống đan tu. Nhưng các áp lực của thân phụ buộc ngài phải từ bỏ lối sống này. Sau một thời gian đầy xao xuyến, chàng trai trẻ trốn sang Bourgogne, rồi qua Normandie.
Tại đó, vào năm 1060, ngài vào Đan viện xứ Bec, dưới sự hướng dẫn của viện phụ đồng hương Lanfranc de Pavie. Sau khi vị này được bầu làm viện phụ ở Caen, Anselmô được đề cử vào chức vụ bề trên, rồi viện phụ tại Bec năm 1079. Tại đây, ngài nổi tiếng do biệt tài thuyết giảng và các cải cách của ngài về đời sống đan tu. Theo yêu cầu của các đan-sĩ, ngài viết một loạt các tác phẩm về những vấn đề tri thức và thần bí tương đối mới mẻ như: Monologion, Proslogion,.v.v.
Tuy nhiên, nhân chuyến sang nước Anh, ở đó Lanfranc đang làm Tổng giám mục giáo phận Cantorbéry, Anselmô được mời gọi thay thế ngay sau khi ngài qua đời năm 1089.
Do cuộc xung đột về thẩm quyền cắt cữ phẩm hàm giám mục giữa giáo triều và hoàng triều, Anselmô trở thành kẻ thù nghịch của vua Guillaume II le Roux: vua này thật sự không công nhận Đức Giáo Hoàng Urbain II nên thánh nhân đã chống lại nhà vua. Trường hợp đối với vua Hen-ri I cũng thế. Ông này ngăn cản các cuộc cải cách của ngài. Vì thế, ngài đã bị lưu đày ít nhất là hai lần vào những năm 1098 và 1103. Sau cùng, ngài được trở về giáo phận Cantorbéry và qua đời tại đó ngày 21 tháng 4 năm 1109 hưởng thọ bảy mươi lăm tuổi. Chúng ta nhận được các tác phẩm của ngài nhờ Eadmer, nhà viết tiểu sử về ngài. Các tác phẩm ấy ảnh hưởng mạnh mẽ trên người đương thời. Chúng ta nhận ra ngài là kẻ tiên phong về lòng sùng đạo sâu sắc ở thời trung cổ.
Nghệ thuật ảnh tượng biểu hiện Tổng giám mục Anselmô thành Cantorbéry đang khuyến cáo một người bất lương, hay đang thị kiến Đức Mẹ Maria hoặc đỡ nâng con tàu.
Trong Tin mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã ví Người là ‘Bánh’ – Bánh trường sinh – Bánh ban sự sống đời đời – cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Cũng như sự sống thể lý con người cần cơm bánh, thì trong lãnh vực đời sống tâm linh chỉ Chúa Giêsu mới thỏa mãn được cơn đói khát của con người; và chính đời sống tâm linh là yếu tố chi phối toàn bộ đời sống con người - nếu đời sống tâm linh sung mãn thì cuộc sống con người mới thực sung mãn.
"Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Trải qua hơn hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã là lương thực nuôi dưỡng nhân loại qua Lời hằng sống của Người. Lời của người ảnh hưởng trực tiếp trên những kẻ tin yêu và lắng nghe, đồng thời dán tiếp ảnh hưởng đến tất cả mọi môi trường có chứng nhân của Lời hiện diện. Lời của người là Lời tình yêu Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại; là Lời có khả năng thỏa mãn cơn đói khát tình yêu của con người; một cơn đói khát quyết định sự sống còn của nhân loại.
Ngày hôm nay, ta thấy nhiều người đã chối bỏ Lời,và chạy theo nền văn hóa chết chóc, có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ ích kỷ, chạy theo vật chất, bành trướng cái tôi… là một lối sống làm sói mòn tâm linh và ý nghĩa thiêng liêng cao cả của cuộc sống con người. Chỉ khi nghe và thực hành Lời người – như ‘ăn’ và ‘tiêu hóa’ – thì cuộc sống thế giới mới trở nên phong phú, cuộc đời con người mới có hạnh phúc thật.
“Chính tôi là bánh trường sinh.” Yêu ai thì khát khao muốn nên một với người mình yêu. Tình yêu làm phát sinh sáng kiến – Chúa Giêsu vì quá yêu thương con người nên đã tự nguyện trở nên bánh để ở với con người, nên máu thịt của con người, dưỡng nuôi tâm linh và ban cho họ sự sống bất diệt: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54 – 55). Bởi chính thế mà Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại với con người, dưỡng nuôi và đồng hành với con người trên đường tiến về quê hương đích thật trên trời.
Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiến mình cho nhân loại qua thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày khắp nơi trên thế giới. Cảm nhận hồng ân cao cả Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, Giáo hội trung thành, hân hoan thiết đãi và mời gọi con cái mình đến dự bàn tiệc Lời Hằng sống và Thánh Thể Chúa Giêsu qua thánh lễ hằng ngày. Vì thế Ki-tô hữu chúng ta cần ý thức và siêng năng tham dự thánh lễ với lòng vui mừng và biết ơn Chúa, biết ơn Giáo hội. Chúng ta cần tham dự hy lễ tạ ơn này cách sinh động với lòng thành, không câu nệ, không máy móc. Đừng làm người khờ dại chỉ đi dự tiệc cho có mặt mà không ăn tiệc (không chú tâm nghe Lời Chúa, không lãnh nhận Thánh Thể Chúa), chúng ta cần biết lắng nghe Lời hằng sống của Đức Ki-tô và đón rước mình Thánh của người làm của ăn nuôi dưỡng tâm hồn; để đời sống của Chúa Giêsu, tinh thần của Người thấm nhập vào trong con người và cuộc đời của mỗi người chúng ta, hầu chúng ta trở nên cánh tay nối dài của Người trong công cuộc dựng xây vương quốc nước trời nơi trần gian và được sống hạnh phúc muôn đời bên Chúa.
Chúa Giêsu không ngừng mời gọi con người mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài như Ngài nói với cậu bé Marcellino. Bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói lên với Chúa Giêsu, cậu bé cũng muốn săn sóc Chúa. Bánh và Rượu Ngài ban trong Thánh Thể cũng là cách Ngài tỏ tình yêu, Ngài muốn nói với chúng ta "Ta yêu thương các con, Ta săn sóc các con". Ngài chính là Bánh và Rượu nuôi sống chúng ta, Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài. Khi chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể thì lúc đó con người mới mở rộng trái tim và bàn tay để đón nhận tha nhân.
Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời được ban xuống để lôi kéo con người lên với Chúa Cha. Người tín hữu Kitô tiếp nhận Thánh Thể để được lãnh nhận tình yêu Chúa và từ đó mới trào sang cho tha nhân, đưa mọi người về với Thiên Chúa. Chia sẻ bàn tiệc với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu cũng chia sẻ cơm bánh cho tha nhân hằng ngày. Thật kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ tình yêu cho tha nhân, họ lãnh nhận được sự sống trường sinh của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn.
Huệ Minh