(Acts 7:51-8:1; Ga 6:30-35).
Năm 1923, bảy nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và làm giàu, họ muốn khẳng định câu châm ngôn: “Có tiền mua tiên cũng được” là đúng và làm chân lý sống. Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho bảy nhà kinh doanh giàu có này?
Thứ nhất, ông Charles Schwah, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.
Thứ hai, ông Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi.
Thứ ba, ông Howard Hopson, giám đốc của một hãng ga lớn trở nên điên loạn.
Thứ tư, ông Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảnh lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi.
Thứ năm, ông Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên.
Thứ sáu, ông Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong chính phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng.
Người cuối cùng trong danh sách bảy nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình... (Theo đài Veritas).
Các bạn thân mến
Sống trong thế giới này ai cũng phải làm việc để tìm kiếm tiền bạc, của cải vật chất, và của ăn để nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình. Đó là bổn phận và trách nhiệm chính yếu của một con người khi có mặt trong trần gian này. Tuy nhiên, chúng ta phải biết cái gì là giá trị đích thực mang lại sự bên vựng cho cuộc sống để khi ta phấn đấu làm việc ta không bị kéo vào con đường đây sương mù, dẫn ta tới mất phương hướng và đi vào ngõ cụt của cuộc đời.
Bài Tin mừng hôm này là một bằng chứng đưa đến cho ta bài học đó khi Chúa Giê-su nói với những người Do thái “các người hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 26). Dân Do thái xưa sống lưu đày trong sa mạc, là nơi khô cằn, họ không làm ra đủ của ăn để nuối sống, họ đói khổ. Thiên Chúa đã yêu thương và đã ban cho họ Manna làm của ăn nuôi sống hằng ngày. Đến thời Chúa Giê-su, Ngài cũng chạnh lòng thương khi họ đến nghe Ngài giảng dạy họ cũng đói khổ, túng thiếu, Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ được ăn no nê và dân chúng tuôn đến với Người ngày càng đông. Đó là điều cũng dễ hiểu vì con người chúng ta có sự sống thể lý, là một sự sống lệ thuộc, nên cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, cho nên khi sự sống này không còn thâu nạp được lương thực nữa thì nó eo uột và chết. Chúa Giê-su thấy trước sự giới hạn của sự sống con người, vì thế, Ngài đã chuẩn bị cho họ một thứ lương thực khác để không chỉ nuôi sống sự sống thể lý mà còn nuôi sống sự sống thần linh nơi con người. Lương thực đó chính là Mình và Máu, là Thánh thể của Người.
Sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Đức Kitô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỷ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình. “Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta không hề phải đói. Ai tin vào Ta chẳng khát bao giờ’”.
Với chúng ta là người Ki-tô hữu, nhu cầu lương thực để nuôi dưỡng sự sống thân xác là một điều cần, tuy nhiên lương thực để nuôi dưỡng sự sống thần linh còn cần hơn để giúp ta sống với Chúa, sống trong Chúa và sống nhờ Chúa. Khi chúng ta hiểu được và đặt Thiên Chúa lên trên tất cả mọi nhu cầu khác thì chắc chắn chúng ta sẽ không bị lạc hướng như bảy nhà kinh doanh thất bại trên, vì ta có Chúa là đường, Ngài sẽ đưa ta tới cùng đích. Chúng ta sẽ không bị sai lầm về chân lý như bảy nhà kinh doanh trên, vì ta có Chúa là sự thật dẫn ta bước đi trong trong chân lý. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn bảy nhà kinh doanh thất bại trên về giá trị cùng đích của sự sống, vì ta có Chúa, Ngài là Alpha và Omega, là khởi đầu và cùng đích của sự sống.
Xin Chúa cho ta biết khao khát “Bánh hằng sống, tức là Đức Giê-su, là của ăn tồn tại đến cuộc sống muôn đời”.
Lm Giuse Hồ Quang Hân,SDB