Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 21 Tháng 4 2021 15:56

Trường sinh bất lão là hiệp nhất trong Đức Kitô

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TRƯỜNG SINH BẤT LÃO LÀ HIỆP NHẤT TRONG ĐỨC KI-TÔ

(Acts 8:26-40; Ga. 6:44-51)

 

Tần Thuỷ Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài 2000 dặm. Đó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.

Theo tạp chí National Geographic, Tần Thuỷ Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên ông tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng.

Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Tần Thuỷ Hoàng liền phái nhiều tàu thuyền chất đầy châu báu ngọc ngà quí hiếm để đi tìm, với hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ. Thế rồi ông lo xây mồ như cung điện nguy nga, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thuỷ tinh làm sông ngân hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên 50 tuổi thì chết. Vậy làm sao để có thể trường sinh bất lão?.

Lời Chúa hôm nay đưa ra cho chúng ta một bí quyết để có được sự sống này. Đó là hãy để Thiên Chúa “lôi kéo” ta đến và tin vào Ngài. Nhưng Thiên Chúa “lôi kéo” đến với Chúa Giê-su bằng cách nào đây? Thưa, Ngài không lôi kéo như người ta xỏ mũi để kéo một con bò, hay như bộ máy kéo theo các toa xe lửa, nhưng Ngài:

Thứ nhất, cung cấp cơ hội để con người có thể nghe Lời Chúa và được dạy dỗ, như Chúa Giêsu nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” Lời ngôn sứ mà Chúa đề cập đến ở đây là Isa 54:13 và Jer 31:33.

Thứ hai, ban Thánh Thần để Ngài hoạt động bên trong con người, giúp con người nhận ra sự thật, và thúc đẩy con người để mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô. Trong bài đọc I cũng cho ta thấy điều này: nếu Thiên Chúa không gởi Thánh Thần, thiên sứ, và Philip đến thì viên quan Thái Giám Ethiopia không có Phó-tế Philip để cắt nghĩa cho ông những gì trong Sách của ngôn-sứ Isaiah, và ông sẽ không có cơ hội để tin vào Đức Kitô và được chịu Bí-tích Rửa Tội.

Tuy nhiên, niềm tin vào Đức Kitô không phải chỉ một lúc chúng ta tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa; nhưng nó được trải dài trong suốt cuộc đời người Ki-tô hữu. Để giữ đức tin sống động và trung thành đến cùng, con người cần được nuôi dưỡng như Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." Bí-tích Thánh Thể không phải là việc làm cũng được, không làm cũng không sao; nhưng là việc rất quan trọng: Ai không ăn Mình Máu Thánh Chúa, sẽ không có nghị lực để chống trả chước cám dỗ của thế gian và ma quỉ, và sẽ khó lòng trung thành với Đức Kitô trọn đời.

Vậy chúng ta phải năng tham dự thánh lễ để rước Mình Máu thánh của Chúa, vì chính Thánh thể là nguồn sức mạnh giúp ta lướt thằng sự cảm dỗ của thế gian và ma quý. Thánh thể cũng chính là nguồn mạch tình yêu và nguồn mạch sự sống. Khi ta rước Mình Thánh Chúa thì ta được tháp nhập vào tình yêu và sự sống trường tồn của Ngài, nhờ rước Mình thánh Chúa giúp ta trở nên thần linh hóa trong Chúa Ki-tô.

Với Don Bosco, ngài cũng giáo dục thanh thiếu niên để họ nhân biết sự sống trường tôn không phải là cuộc sống thế gian này nhưng là cuộc sống ở trên nước thiên đàng và trước lúc ngài lìa bỏ thế gian này ngài nói với các thanh thiếu niên: “cha chờ các con ở trên thiên đàng”. Đây là một lời hứa có thể “lôi kéo” thanh thiếu niên đến với Chúa, tin vào Chúa, đặc biệt là thực thi giáo lý của Chúa để các em có được sống trường cửu.

Là tín hữu, chúng ta được tình yêu Chúa “lôi kéo” đến tham dự thánh lễ, làm việc và sinh hoạt dưới mái nhà của Giáo hội, của Tu hội. Vậy chúng ta hãy mở lòng mình ra để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, giúp ta nhận ra dấu chỉ tình yêu của Chúa thể hiện qua từng công việc và sứ mệnh mà ta đang phục vụ. Có thể nói đây là cơ hội để ta thực hiện công việc và sứ mệnh của mình, qua đó Thiên Chúa không chỉ ban cho ta cuộc sống hạnh phúc ở trần gian này mà còn ban cho ta cuộc sống trường cửu.

Chúng ta hãy tin rằng Chúa Giê-su chính là bánh hằng sống, xin cho mỗi chúng ta năng ăn bánh này để trong Chúa Giê-su chúng ta cũng trở nên tấm bánh biết xây dựng tình thương và biết sẻ chia hầu giúp mọi người đạt tới sự sống đời đời, amen.

Lm Giuse Hồ Quang Hân,SDB

Read 461 times Last modified on Thứ năm, 22 Tháng 4 2021 11:25