Chúa nhật tuần trước, Giáo Hội đã mừng kính lễ Chúa Chiên Lành, với hình ảnh một người chăn chiên dẫn dắt, bảo vệ, hướng dẫn và yêu thương đàn chiên. Đó là ngày nhắc nhở mỗi Ki-tô hữu về sứ vụ mục tử của mình đối với tha nhân, nhất là đối với những người mà Chúa đã tín trao cho chúng ta. Và hôm nay, Đức Giê-su lại đưa ra cho chúng ta một hình ảnh so sánh thật đẹp, để nói lên mối tương quan thân thiết của chúng ta với Ngài, đó là cây nho và cành nho.
Theo truyền thống của Giáo Hội, trong Lễ Vọng Phục Sinh, nhiều tân tòng đã được rửa tội và được tháp nhập vào Thân Nho là Đức Kitô. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta là các thành viên trong một giáo xứ, chúng ta là những nhánh nho đã được gắn kết với Thân Nho là Đức Kitô. Vậy chúng ta tự hỏi: Nhựa sống nào đang chảy trong những cành nho này? Điều gì nuôi sống chúng ta?...
Khi nghe tin có hỏa hoạn, lở đất và sóng thần… khiến biết bao nhiêu người bị thương và thiệt mạng, liệu chúng ta có đồng cảm với họ không? Khi chứng kiến những người vô gia cư chết đói, liệu trái tim chúng ta có rung động và chạnh lòng thương họ không? Khi biết tin tức về chiến tranh và bạo lực, liệu tâm hồn chúng ta có cháy lên khát khao trở thành những khí cụ của hòa bình không?
Nếu chúng ta ao ước được nhìn thấy anh chị em chúng ta hạnh phúc, khỏe mạnh và sống trong hòa bình và an toàn, thì chính thời điểm ấy, tình yêu thương của Đức Ki-tô đang chảy trong tâm hồn chúng ta. Yêu là “luôn mong muốn điều tốt lành” cho người mình yêu. Đức Ki-tô là Tình yêu, chính Tình Yêu này là nhựa sống nuôi dưỡng mỗi người chúng ta. Khi chúng ta cảm thương, khi chúng ta tha thứ, khi chúng ta chia sẻ những gì của mình, đó là lúc tình yêu thương của Đức Ki-tô truyền dẫn vào cành nho là chính chúng ta.
Thánh Auguttinô nói rằng, “khi được tràn đầy tình yêu là được tràn đầy Thiên Chúa”. Chúa Giê-su nói với chúng ta, “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7:16). Hoa trái mà chúng ta sinh ra khi kết hợp với Cây Nho Giê-Su này là gì? Đâu đó trên thế giới này, đâu đó xung quanh đây, chúng ta vẫn nhìn thấy những hoa trái tình yêu này: đó là những hy sinh mà các bậc cha mẹ dành cho con cái; đó là tình yêu chung thủy và sự tận tụy của vợ chồng dành cho nhau; đó là sự quan tâm của người trẻ đối với những người già yếu; đó là sự giúp đỡ và cộng tác của giáo dân dành cho các Linh Mục, Tu sĩ… Vâng, chúng ta có thể thấy nhiều ông bà anh chị em nhiệt thành thi hành sứ vụ của một Ki-tô hữu trong đời sống của mình…
Chính Đức Giê-su đã nhắc nhở chúng ta, “không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Vậy nên, chúng ta hãy ở lại trong Người, để nhựa sống tình yêu của Người được chảy trong tâm hồn chúng ta, và để Người thực hiện các phép lạ tình thương giữa đời.
Kính thưa cộng đoàn, mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta đang củng cố sự gắn bó với Chúa Kitô, đang được nuôi dưỡng bằng Lời và chính Mình Máu thánh Người, và được nuôi dưỡng bằng tình thân ái nơi cộng đoàn Ki-tô Hữu. Chính nơi Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi một cách rõ ràng nhất sự trao ban tình yêu và sự hiệp nhất trong Đức Giê-su.
Câu hỏi được đặt ra là làm cách nào để bày tỏ tình yêu thương cho người khác? Một học giả nổi tiếng đã gợi ý cho chúng ta bốn cách thể hiện tình yêu, đó là: Quà Tặng, Phục Vụ, Thời Gian và Lời Nói.
- Quà tặng… Mọi người thường thể hiện tình yêu bằng cách tặng quà. Chúng ta tặng sách, hoa, thiệp, đồ trang sức, v.v.
- Phục vụ… Mọi người thể hiện tình yêu bằng cách phục vụ, bằng cách làm việc để có thể nuôi sống và phát triển đời sống gia đình những việc như: đi làm, nấu ăn, dọn dẹp, lái xe, làm việc nhà như xới cỏ hay rửa bát…
- Thời gian… Mọi người thể hiện tình yêu bằng cách dành thời gian của cá nhân để ở bên cạnh người mình yêu thương, - thời gian để lắng nghe, thời gian để an ủi. Mọi người dành thời gian của mình để chia sẻ nỗi buồn với người khác và ghi nhớ những kỷ niệm, những sự kiện hạnh phúc. Các thành viên trong gia đình hãy dành thời gian để ở bên nhau, không điện thoại, không ipad, không say sưa quá chén, chỉ đơn giản là ngồi bên nhau trò chuyện với nhau.
- Lời nói… Mọi người cũng thường bày tỏ tình yêu bằng những lời nói tích cực như “Con yêu ba/mẹ”, “Ba tha thứ cho con”, “Anh đã giúp em rất nhiều việc nhà, em cảm ơn anh”, “Con đang làm rất tốt, hãy tiếp tục nha”.
Còn Thiên Chúa, ngôn ngữ tình yêu của Người được thể hiện như thế nào? Quà tặng của Người là gì? Người phục vụ ra sao? Người dùng ngôn lời thế nào?... Vâng, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống, đức tin, thế giới và mọi thụ tạo khác; nhưng quan trọng hơn cả, Người tặng ban cho chúng ta chính Người Con yêu dấu của Người là Đức Giê-su. Không chỉ vậy, nơi Đức Giê-su, chúng ta tìm thấy một gương mẫu phục vụ trọn hảo nhất. Người đã chạnh lòng thương mà phục vụ mọi tâm hồn khốn khổ: Người chữa lành, Người đặt tay, người cho kẻ chết sống lại, và phục vụ đến hiến dâng chính mạng sống mình cho nhân loại. Cuối cùng, Thiên Chúa đã dùng Lời để nói lên tình yêu vô biên của Người. Đó là lời hứa hiện diện và đồng hành, “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28: 20), “Ta sẽ không để các con phải mồ côi.” (Ga 14:18) Đó là lời chúc lành đầy tha thứ, “Hãy ra đi bình an. Tội của con đã được tha.” (Lu-ca 7: 48-50) … Vậy thì chúng ta hãy dành thời gian Chúa ban để lắng nghe Lời này mỗi ngày, lời sự sống và tình yêu.
Còn chúng ta, chúng ta bày tỏ tình yêu của mình với Chúa như thế nào? Tại Bàn Thánh, chúng ta dâng các món quà lên Thiên Chúa, đó là những hy sinh, những vui buồn của ngày sống, tuần sống của chúng ta. Chúng ta cũng thể hiện tình yêu Chúa bằng đời sống phục vụ và nâng đỡ tha nhân, vì chính Chúa đã nói “điều gì ngươi làm cho những ai bé nhỏ nhất của Ta, là ngươi làm cho chính Ta." (Mt 25:40) Chúng ta còn bày tỏ lòng mến Chúa bằng việc dành thời gian cầu nguyện, hiệp nhất với Chúa trong Thánh lễ, trong giờ chầu Thánh Thể, các giờ kinh nguyện sáng và tối, trong những lời cầu xin và cảm tạ hằng ngày. Cuối cùng, chúng ta bày tỏ tình yêu Chúa bằng nhũng lời ngợi khen, chúc tụng, thông qua các thánh vịnh, thánh thi và những lời tụng ca.
Tình yêu cần sự hy sinh. Và tình yêu sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc cân xứng với những gì ta cho đi, để cho thân nho và cành nho là một.
Lm GB Nguyễn Thái Sơn,scj