05 24 Tr Thứ Tư Tuần V Phục Sinh.
Thứ Tư đầu tháng. Kính Thánh Cả Giuse.
Cv 15,1-6; Ga 15,1-8.
GẮN LIỀN VỚI CHÚA
Tin Mừng hôm nay a thấy Chúa Giêsu chọn cây nho và cành nho để trò chuyện với các môn đệ của Ngài.
Chúa Giêsu long trọng khẳng định một cách tuyệt đối và siêu việt, có âm vang Messia: “Thầy là cây nho thật”, và Thiên Chúa Cha là người trồng nho. Như vậy Chúa Giêsu có phẩm tính thần linh, và sự sống mà Ngài chuyển thông cho những cành nho của Ngài là sự sống thần linh. Chính Giáo Hội và tất cả những người Kitô hữu là cành nho, nhất thiết phải gắn liền với thân cây nho là Chúa Giêsu Kitô, để đón nhận nhựa sống thần linh của Ngài. Nước rửa tội, rượu Thánh Thể sẽ là những chính lộ của sự chuyển thông ấy từ cây nho đích thực, là cây nho ban sự sống, để thân cây nho và cành nho hình thành nên chỉ một cây nho duy nhất. Đây là một hình ảnh rất thân thương mật thiết của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Ngài.
Chúa Giêsu là cây nho thật, cây nho hoàn hảo, cây nho sinh hoa trái như Chúa Cha mong muốn nơi Đức Kitô, là qui tụ các kitô hữu làm nên một dân riêng mới của Thiên Chúa, dân mà Ngài đã chuyển thông sự sống cho. Người kitô hữu sống kết hợp với Chúa Kitô nhờ đức tin thì mới có sự sống thần linh, và mới có thể sinh hoa trái cho sự sống đời đời. Cây nào sinh hoa trái thì Thiên Chúa cắt cành tỉa lá để chúng nảy sinh nhiều hoa trái hơn.
Đó là công việc của Thiên Chúa đang thực hiện trong Hội Thánh và trong mỗi kitô hữu. Ngài cắt tỉa nhiệm nhặt như không chút xót thương qua những thử thách, bằng cách chịu bách hại, đau khổ và hi sinh vì Chúa, để tôi luyện đức tin, lòng cậy trông và tình mến Chúa, vì như lửa thử vàng thì gian nan lại thử đức. Chúa gởi thử thách để thanh luyện những kẻ yêu mến Ngài, để họ trở nên những con người đem lại nhiều kết quả cho Nước Trời. Luật cắt tỉa cứng rắn như vậy, người kitô hữu mới không trở thành những cành khô héo. Nhưng Chúa Giêsu cũng an ủi các môn đệ của Ngài: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em”.
Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Chúa Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho. Chúa Giêsu ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Thực vậy, Chúa Giêsu sẽ nói tới tình yêu trong phần tiếp theo: “Chúa Cha yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Lời mời gọi ở lại, được Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, qua hình ảnh thân nho, cành nho và trái nho, và theo những cách thức khác nhau.
Khi thì xác định: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.
Khi thì phủ định: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo”.
Với bí tích Thánh Thể, được hoàn tất trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, mà chúng ta cử hành mỗi ngày và là trung tâm của đời sống dâng hiến của chúng ta, Chúa Giêsu sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta, để cho chúng ta có thể mãi mãi ở lại trong Ngài. Nhưng Chúa Giêsu còn ở lại với chúng ta ngang qua Lời của Người nữa, bởi vì Người là Ngôi-Lời, nghĩa là Lời và Ngôi Vị của Người là một. Vì thế, ngay sau đó, Đức Giê-su nói về lời của mình: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (c. 3) ; « Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý » (c. 7).
Như thế, Chúa Giêsu còn ở lại trong chúng ta qua Lời của Ngài, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Chúa Giêsu, bằng cách “ăn” Lời của Người như là lương thực, nghĩa là để cho Lời của Ngài ở lại và thấm vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
Chính vì thế, các việc thiêng liêng của chúng ta đều khởi đi từ Lời Chúa: cầu nguyện, Thánh Lễ, chia sẻ, các Giờ Kinh Phụng Vụ, tĩnh tâm… Lời của Đức Giê-su không chỉ là nhựa sống, nuôi sống chúng ta, kết nối chúng ta với Đức Giê-su và làm cho chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn có chức năng cắt tỉa, làm chúng được nên thanh sạch.
Vì lời Chúa ở trong các ông đã trở nên một sức mạnh biến đổi nội tâm các ngài, sức mạnh của lời Chúa giải phóng các ông khỏi gian dối và tội lỗi. Chúa Giêsu còn mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” vì “ không có Thầy anh em không làm gì được”. Lời này chỉ về cuộc sống siêu nhiên, không ai có thể nhờ phương thế riêng mình mà có thể đạt được hay tăng trưởng được. Chúa Giêsu còn nói lên tính hiệu lực của lời cầu nguyện khi chúng ta biết kết hiệp mật thiết với Đức Kitô: “nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”.
Phần cuối của Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu diễn tả mối bận tâm của Ngài là làm vinh danh Chúa Cha, thực hiện thánh ý Chúa Cha. Điều đem lại vinh quang của người trồng nho chính là chất lượng của trái nho, cũng như sự sai trái của chùm nho. Như vậy, các môn đệ góp phần vào vinh quang của Chúa Cha bằng đời sống thánh thiện của các ngài, và bằng những kết quả sáng chói của sứ vụ các ngài thực hiện, lúc đó các ngài mới là môn đệ thực sự của Đức Giêsu Kitô.
Qua hình ảnh về sự sinh trưởng của cây nho, sự tương quan gắn bó chặt chẽ giữa cây nho và cành nho, chúng ta suy niệm để khám phá ra mối tương quan cần thiết giữa chúng ta với Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày, để chúng ta biết tin vào Chúa Kitô và biết kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô, làm mọi việc với Chúa, vì Chúa để có kết quả thiêng liêng đời đời trong ngày cánh chung. Chúng ta siêng năng chịu các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể để chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu hơn, mới có thể sống đời sống thiêng liêng dồi dào và sản sinh hoa trái.
Thế nhưng rồi muốn cho đời sống chúng ta có kết quả phong phú, chúng ta còn cần sống lời Chúa và để lời Chúa thanh luyện chúng ta, tẩy sạch chúng ta khỏi các tính mê tật xấu. Mỗi lần lời Chúa tiêu diệt một tính xấu, là một lần chúng ta sinh thêm hoa trái thiêng liêng. Càng tin vào Thiên Chúa càng sống bác ái với tha nhân và càng trở nên hoàn thiện cho bản thân, càng làm cho Thiên Chúa được vinh quang. Chúng ta luôn kết hợp với Chúa Kitô và để cho lời Chúa cắt tỉa chúng ta, dù phải hi sinh chịu đau khổ cách nào, thì đời sống đạo chúng ta mới thăng tiến được.
Huệ Minh