Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Mỗi người chúng ta luôn sống theo một giá trị hay niềm tin nào đó, được xác tín qua những kinh nghiệm sống. Không có nhiều người có đủ can đảm để xét duyệt lại niềm tin của mình, và có thể nói rằng thánh Phê-rô là một người can đảm như vậy.
Vị Tông Đồ Phê-rô được sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do Thái giáo, với niềm tin rằng dân ngoại là dân ô uế và vì vậy mà họ không xứng đáng với Giáo Hội sơ khai. Nhưng hoàn cảnh mới (và mặc khải của Thiên Chúa) đã buộc Phê-rô phải xem xét lại niềm xác tín này của mình.
Trong bài đọc hôm nay, Phê-rô đã xác tín rằng: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10:34) Đây là một xác tín quan trọng đối với Phê-rô đến nỗi nó được nhắc lại hai lần trong tường thuật Công vụ tông đồ. Và chính vì sự thay đổi niềm xác tín này mà tất cả chúng ta được trở thành Ki-tô Hữu như ngày nay.
Vậy, điều gì đã khiến Thánh Phê-rô nhận ra mặc khải của Thiên Chúa? Thưa, đó là vì ngài đã để cho Thần Khí hoạt động nơi ngài. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn nói và đang tiếp tục nói với chúng ta qua Lời Chúa, qua nhu cầu của tha nhân, qua những ân sủng và tài năng được ban tặng cách nhưng không, và qua những hy vọng và ước mơ nơi tận đáy tâm hồn của mỗi người. Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn tỏ bày cho chúng ta qua thiên nhiên, những công trình nghệ thuật và những điều giản dị mà tuyệt vời xung quanh chúng ta. Ngài còn nói qua những thất bại cũng như những thành công của chúng ta, qua đời sống cộng đoàn hay đời sống gia đình, qua việc chia sẻ kinh nghiệm, và trong tĩnh lặng và lắng nghe của tâm hồn, chúng ta phân định những gì Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta.
Điểm thứ hai trong bài chia sẻ hôm nay là gương mẫu tình yêu hy sinh Chúa Giê-su. Qua Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình”. (Ga 15:13). Từ chính trải nghiệm được yêu thương trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần mà Đức Giê-su đã can đảm cho đi tất cả vì yêu.
Freud nói, "Người ta mạnh dạn biết bao khi chắc chắn được yêu." Quả vậy, Đức Giê-su đã táo bạo đối mặt với thử thách và không bao giờ trốn chạy. Ngài đứng lên để thách thức satan trong sa mạc, Ngài thách thức thói đạo đức giả của Kinh sư và người Pha-ri-sêu, Ngài đuổi những tên trộm ra khỏi đền thờ, Ngài đương đầu với sự bất công, và Ngài rao giảng một số chân lý thật khó để chấp nhận. Cuối cùng, Ngài đã vác thập giá và chịu chết khổ hình. Ngài đã luôn mạnh dạn vì Ngài biết mình được yêu.
Một người cam kết như thế nào khi chắc chắn được yêu? Chúa Giê-su đã cam kết làm theo ý muốn của Cha Ngài và không điều gì có thể ngăn cản Ngài. Khi Chúa Giê-su được tìm thấy trong Đền Thờ vào năm mười hai tuổi, Ngài nói với cha mẹ mình “Cha mẹ không biết là con phải lo việc của Cha Con sao?” (Lc 2:49). Trong chương bốn của phúc âm Gioan, Chúa Giê-su nói, “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”(Ga 4:34). Trong lúc đau đớn trong vườn Dầu, quyết định cuối cùng của Ngài là: “Thưa Cha… không phải ý Con mà là ý Cha” (Lc 22:42). Chúa Giêsu đã cam kết với Chúa Cha, vì Ngài biết mình được yêu thương.
Giống như Chúa Giêsu, chúng ta là những người con yêu dấu của Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta được mời gọi yêu thương tha nhân vô điều kiện, theo gương Giê-su. Điều đó có nghĩa là chúng ta thể hiện lòng hiếu khách, bày tỏ lòng trắc ẩn và tiếp cận với những người nghèo và cô đơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta tha thứ và thông cảm cho nhau. Chúng ta có thể làm tất cả những điều này bởi vì chúng ta biết rằng chúng ta là người yêu quý của Thiên Chúa.
Trong thế giới hôm nay, chúng ta có thể dễ dàng dừng lại để chiêm ngắm tình yêu vô điều kiện ấy của Chúa nơi tình yêu của con người, nhất là tình yêu vô biên của người mẹ dành cho con cái của mình, những người mà cả thế giới tôn vinh trong ngày Chủ Nhật hôm nay (Mother’s Day).
Tháng 4/2014, cả thế giới rung động trước tin chiến phà Sewol chở 450 người, chủ yếu là học sinh của Hàn Quốc bị lật. Và câu chuyện về người mẹ gốc Việt chết sau khi nhường phao cứu sinh để cứu con gái đã khiến nhiều người rơi nước mắt xúc động. Chị Pha Ngọc Thanh (29 tuổi) cùng chồng là Kwon Jae Geun (51 tuổi), làm nhân viên quét dọn, lau chùi cầu thang trong các khu chung cư được 5 năm. Họ có với nhau 2 người con, con trai lớn 6 tuổi và bé gái được 5 tuổi. Ước mơ đổi đời đã đưa họ lên chuyến phà Sewol để tới Jeju. Nhưng số phận lại không mỉm cười với vợ chồng chị Thanh và các con. Chiếc phà Sewol gặp nạn và gia đình 4 người nhà chị Thanh chỉ có duy nhất một chiếc áo phao cứu sinh. Trong khoảnh khắc đối mặt giữa sự sống và cái chết, người mẹ ấy đã quyết định mặc cho cô con gái nhỏ chiếc áo phao duy nhất của gia đình và đẩy cô bé ra khỏi phà.
Ấy thế mà chúng ta thường so sánh tình mẹ bao la như biển Thái Bình. Khi con chán nản, mẹ trò chuyện an ủi con; khi con vắng nhà, mẹ gọi điện hỏi thăm; khi con bối rối và lo lắng cho tương lai, mẹ lắng nghe và đồng hành; khi con cần bờ vai, mẹ luôn cận kề; khi con cô đơn, mẹ đã ôm con vào lòng… Dường như những người mẹ là những bậc thầy của Tình yêu. Mẹ chỉ cho chúng ta cách để chăm sóc bản thân, cách để chăm sóc người khác và cách để đến với Thiên Chúa.
Tình yêu của người mẹ cao vời như thế, thì tình thương mẫu tử của Thiên Chúa con tuyệt với biết dường nào và có gì để sánh ví. Trong ngày lễ đặc biệt dành cho các mẹ, xin chúc các bà mẹ trên khắp thế giới, nhất là những ai đang hiện diện nơi đây, một ngày lễ ý nghĩa, và là những bậc con cái xin bày tỏ lòng biết ơn đến mẹ, người đã tần tảo nuôi dưỡng chúng con thành người và chưa bao giờ ngừng yêu thương các con. Tình yêu vô biên của mẹ giúp con thấu hiểu được tình yêu Chúa dành cho nhân loại. Vậy nên, con nguyện ước cho tình mẫu tử ấy luôn tỏa sáng và làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.
Trong Thánh Lễ, chúng ta cùng nhau quy tụ hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ để tạ ơn tình yêu mà chúng ta được nghe, ngửi, cảm nhận, nếm, nhìn - trải nghiệm - yêu thương. Và nhờ đó, chúng ta được sai đi trao gửi tình yêu ấy đến tất cả những ai chúng ta gặp gỡ trong một tuần sống sắp tới. Amen.
Lm GB Nguyễn Thái Sơn,scj