23 12 Đ CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, lễ trọng và buộc.
Ngày đại lễ. Các giáo hữu không bận công việc cần, phải nghỉ việc xác cả ngày.
Xứ Phú Lương, An Thái, và họ Đồng Lạc Chầu Mình Thánh.
Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23.
Hoặc Cv 2,1-11; Gl 5,16-25; Ga 15,26-27;16,12-15.
MỞ LÒNG ĐÓN THÁNH THẦN
Lễ Hiện Xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai. Lễ Hiện Xuống, Thánh Thần được ban cho các môn đệ để hướng dẫn, để đồng hành với các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên Trời.
Trong Cựu Ước chúng ta chỉ ghi nhận được một vài hình ảnh thật mù mờ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải chờ đến Đức Kitô, người Con duy nhất của Thiên Chúa đến và mạc khải, chúng ta mới thấy được cái đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa, đó là tình yêu.
Còn về Chúa Thánh Thần, trong kinh Tin Kính chúng ta đã tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa ngôi thứ ba, là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Qua Chúa Con, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta như lời thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin nơi Con Một Ngài thì sẽ có sự sống vĩnh cửu. Ngay từ thuở đời đời, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con và sợi dây liên kệ thắm thiết và đầy yêu thương ấy chính là Chúa Thánh Thần.
Thực vậy, Chúa Thánh Thần chính là sợi dây yêu thương nối kết Chúa Cha và Chúa Con, chi phối nhịp điệu của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như toả lan cho tất cả chúng ta. Như thế, qua Chúa Thánh Thần chúng ta hiểu được bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng đã trực tiếp cộng tác vào công trình cứu độ, một công trình của tình thương yêu mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn thuở trước.
Thánh Thần đến với chúng ta dưới hình thức ngọn lửa. Ngài là ngọn lửa thiêng đốt nóng tâm hồn những kẻ tin, giúp họ thắng vượt mọi khó khăn để trung thành với tình yêu Chúa, giúp họ hăng say bước theo Chúa Giêsu. Ngọn lửa tình yêu đó đã nung đốt tâm hồn các kitô hữu trong những cơn bách hại. Nhờ đó họ vui mừng liều mạng cho Chúa mà không sợ sệt, chân thành phục vụ mọi người. Ngọn lửa của Ngài mang lại ánh sáng cho mọi tâm hồn thiện chí, giúp chúng ta nhìn thấy được những thực tại vô hình, nhìn thấy Chúa trong cuộc sống, và trên hết, giúp chúng ta yêu mến Chúa sâu đậm hơn.
Thánh Thần Chúa, theo thánh Phaolô, dạy cho chúng ta biết Chúa Cha, dạy chúng ta gọi Chúa Cha như Chúa Giêsu đã gọi, với tất cả tỉnh yêu con thảo: Abba, lạy Cha. Ngài cầu nguyện trong chúng ta, cầu cho chúng ta. Chúng ta là đền thờ của Ngài. Ngài ngự trong chúng ta và ban cho chúng ta sự sống mới, sự bình an của Ngài. Chúa Giêsu, sau khi sống lại, đã hiện ra cho các tông đồ và ban bình an cho các ngài và thổi hơi Thánh Thần vào họ, sai họ đi rao giảng Tin Mừng, mang ơn tha thứ cho mọi người: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha…”
Thánh Thần Chúa cũng là Thánh Thần của sự hiệp nhất. Ngài quy tụ mọi người trong một Giáo Hội duy nhất, không phân biệt chủng tộc màu da, tất cả đều là một trong Ngài. Ngài biến Giáo Hội thành một thân thể duy nhất, tuy có rất nhiều chi thể khác nhau, nhưng tất cả chỉ là một. Ngài là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài giúp mọi người hiệp nhất: “ Chỉ có một Thân Thể và một Thánh Thần…một Thiên Chúa”.
Đức Kitô vâng theo thánh ý của Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần đã chết đi để đem lại sự sống cho trần gian. Kể từ khi được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa, chúng ta đã được Ngài yêu thương như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa được toả lan trong tâm hồn chúng ta. Để rồi từ đó, tất cả những tình yêu trong lành nhất của chúng ta đều là một tia sáng, một phản ánh trung thực cho tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách đúng nghĩa khi liên kết với Ngài.
Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc sống con người dưới nhiều danh hiệu khác nhau: Đấng soi sáng, Đấng uỷ lạo, Đấng an ủi. Ngài là cha mọi kẻ cơ bần. Tuy nhiên, có một điều quan trọng đó là không phải với ngày lễ hiện xuống, cũng như không phải với ngày lễ Thêm sức, hay chỉ lúc hình lưỡi lửa đậu trên các tông đồ, thì lúc đó mới có Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mọi người, và mọi người mới nhận lấy Chúa Thánh Thần, nhưng ngay từ lúc khởi nguyên vũ trụ Ngài đã hiện diện. Con người được hà hơi để lãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa. Nói chung trong suốt dọc lịch sử cứu độ, Thần khí Thiên Chúa vẫn luôn có mặt, cùng đi trên mọi nẻo đường và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống của dân Do Thái và đặc biệt là của Đức Kitô.
Thực vậy, vào ngày truyền tin, ngày manh nha cho việc khai sinh triều đại giao ước mới, Chúa Thánh Thần đã có mặt để rồi tất cả mọi giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu kể từ lúc khởi đầu sự nghệp rao giảng Tin Mừng về Chúa Cha, cho đến khi sinh thì trên thập giá, hoàn trả hơi thở cuối cùng về lại trong Chúa Cha, suốt cả cuộc đời Chúa Giêsu tại trần gian, không có giây phút nào mà lại không có sự can thiệp tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng cùng đi với Chúa Giêsu trong việc thực hiện sự hòa giải và ban ơn giáng phúc xuống cho nhân loại.
Ngày xưa, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã đến, Ngài mở ra cho các môn đệ một chân trời mới của cuộc sống mới. Các môn đệ đã mạnh dạn đi vào thế giới, mang tin vui đến cho mọi người, dù hoàn cảnh có thuận buồm xuôi gió hay gặp những trắc trở gian nan. Ngày nay, người Kitô hữu cũng lãnh nhận Thánh Thần, để có thể đi ra khỏi cánh cửa khép kín vì sợ hãi, mà mở rộng cõi lòng đón nhận và đến với tha nhân với vòng tay nối kết mang nguồn vui ơn cứu độ của Chúa đến cho con người. Do đó, lễ Hiện xuống không chỉ là ngày khai sinh Giáo hội, mà lễ Hiện xuống vẫn đang tiếp diễn, nghĩa là, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo hội, để canh tân thế giới ngày nay.
Mỗi người chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu Phép rửa tội. Đặc biệt, chúng ta được lãnh nhận một cách sung mãn với bảy ơn cả Chúa Thánh Thần trong ngày chịu Phép Thêm Sức. Chắc chắn Chúa Thánh Thần đã, đang và sẽ giúp chúng ta như xưa Ngài đã giúp các Tông đồ. Vì vậy, chúng ta hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần, nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm để Ngài cũng biến đổi chúng ta trở thành những người của Tin mừng giống như khi xưa Ngài đã biến đổi các Tông đồ.
Huệ Minh