20 11 X CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN
Ca vịnh tuần IV.
Chúa Nhật III trong tháng. Ngày truyền giáo của giáo phận.
Xứ Từ Châu, Đồng Bào, Đồng Gội và họ Kim Tân chầu Mình Thánh.
Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
G 38,1.8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41.
Sóng gió cuộc đời
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Đối với Chúa Giêsu, Ngài muốn dạy cho chúng ta phải có niềm trông cậy và phó thác nơi Chúa: “Sao các con sợ hãi? Các con không có đức tin ư?” Trong mọi hoàn cảnh, mọi hiểm nguy, chúng ta đều nằm trong bàn tay của Cha trên trời. Trong một hoàn cảnh tương tự, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngã tay chèo, được nghe một câu nói bất hủ: Anh không biết là anh đang chở vua César? Thì huống hồ ở đây, không phải là một vị vua trần thế mà là Vua Cả trên trời, “Ngài làm cho bão táp dừng yên phăng phắc, sóng biển yên lặng như tờ” (Tv. 107, 29).
Con thuyền của các môn đệ trong Tin Mừng sáng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.
Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Có người cho rằng chính Thiên Chúa thử thách để rèn luyện và củng cố niềm tin nơi chúng ta. Có người lại cho rằng do trình độ hạn chế của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống.
Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người khác.
Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.
Sự dữ tuy tràn lan, nhưng ơn sủng của Ngài vẫn dư đầy, bởi vì Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi con người. Bằng chứng là Đức Kitô đã đến, Ngài tìm mọi phương cách, thậm chí cả đến cái chết của mình để cho chúng ta thêm xác tín vào tình thương của Ngài. Một vị Thiên Chúa nhân lành như vậy, nhất định sẽ không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ, nhất định Ngài sẽ cứu chúng ta.
Đời tự nó đã là khó. Đi trong cuộc đời với niềm tin theo cách Chúa dạy lại càng khó hơn. Chúng ta đã vâng lệnh Chúa mà nhổ neo ra khơi, đã tin tưởng vì có Chúa ở đàng lái, ở vị trí hoa tiêu, nhưng có thể đã có lần chúng ta đau đớn vì Chúa lại ngủ giữa phong ba. Điều đó có thật, là kinh nghiệm muôn đời của những ai tin Chúa. Niềm tin không phải là giải đáp dễ dãi, không miễn trừ những khó khăn. Cần phải dày công học tập mới chấp nhận được thực tế đó. Người có niềm tin trưởng thành là người “giữa phong ba khốn cùng ngàn nỗi vẫn luôn thành tín ngợi khen Chúa là thuẫn đỡ, là khiên che, là đồn luỹ”. Phải dám ra đi dù trời đã về chiều, dù có thể gặp phong ba. Nếu không thì chẳng bao giờ sang được “bờ bên kia” của cuộc sống. Chúa có thể ngủ, nhưng Chúa luôn thức vào lúc quyết định để trợ giúp những ai bằng lòng để cho “Chúa ở đằng lái”.
Bão lớn, nước sắp đầy thuyền thì ai mà không sợ? Vậy mà Chúa còn trách: “Sao các con sợ thế, các con không có đức tin ư?”. Các môn đệ lâm nguy thật sự. Trong hoàn cảnh đó, chẳng những nên kêu cứu Chúa, mà đúng là phải kêu cứu Chúa. Nhưng đừng kêu cứu với tâm trạng sợ hãi đến tuyệt vọng như vậy. Phải kêu cứu nhưng hãy kêu cứu trong niềm cậy trông tín thác tuyệt đối. Lời trách cứ của Chúa Giêsu khai mở cho chúng ta một kinh nghiệm đức tin quý báu: niềm tin vững vàng làm chúng ta thêm can đảm lắm mới có thể tin. Vì tin Chúa, thực tế chính là ” trao thân gởi phận” cho Chúa. Người tin Chúa thực sự thì không sợ, còn người sợ thực sự thì không tin. Trong rất nhiều trường hợp, “yếu tin” đồng nghĩa với “hèn tin”!
Vẫn biết Thiên Chúa là quyền năng và quyền năng này vượt trên tất cả mọi sự, ‘Thức dậy, Người ngăn đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ’. Thiên Chúa đương nhiên có quyền trên cả sự dữ! Trong trường hợp cụ thể này, theo lối suy nghĩ của các môn đệ, biển cả dậy sóng là hình ảnh quen thuộc của sức mạnh sự dữ, của tà thần (xem Mc 1:25). Có điều là ít tôn giáo nào dám nghĩ rằng quyền năng lớn lao nhất của Thiên Chúa (Thượng Đế…) lại chính là quyền năng buộc Ngài phải câm nín. Ngoài Ki-tô giáo, có tôn giáo nào dám nghĩ rằng có một Thiên Chúa mà quyền năng và bản chất tuyệt hảo nhất của Người lại chính là lòng nhân từ và thứ tha? Đặc tính ‘nhân từ và hay thương xót’ của Thiên Chúa, nếu có tìm thấy trong Do Thái giáo, Hồi giáo…, thì cũng chỉ mang tính tạm bợ và hạn hẹp, và chỉ dành cho một số đối tượng nhất định mà thôi (các tín hữu trung thành, những người công chính chẳng hạn).
Chỉ riêng Tin Mừng của Đức Giê-su mới cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu, và bản chất của Tình Yêu đó trước hết và trên hết là thứ tha và hay thương xót. Phải chăng từ muôn thuở yếu tính của Thiên Chúa chính là điều này… và sẽ còn tiếp tục mãi mãi cho tới muôn đời? Mạc khải lớn nhất của Đức Giê-su Ki-tô chính là đây: Thiên Chúa không lên án, Ngài không luận phạt, Ngài chỉ làm một điều duy nhất là cứu độ và xót thương. Luận phạt hay lên án là do chính con người tự quàng vào cổ mình “vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:16-21). Kể từ mạc khải vĩ đại này, thinh lặng trước sự dữ, thay vì là yếu đuối sợ hãi, lại biểu lộ sức mạnh vô địch nhất của Thiên Chúa. “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?… Nhưng đức Giê-su vẫn làm thinh” (Mt 26:62-63).
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta có nhiều lúc cũng gặp “bão tố nổi lên” và chúng ta có cảm tưởng Chúa cứ ‘ngủ yên’ mà không thương cứu giúp chúng ta. Y như trong trường hợp khổ đau của ông Gióp trong Bài Đọc I (Gióp 38, 1.8-11). Nhưng ông Gióp đã luôn vững tin nơi Chúa, không phàn nàn, kêu trách; rồi Chúa đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, và ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong Bài Đọc II (2Cr 5,14-17), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: Vì thương yêu chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã sống lại!..”, đem lại cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào tình thương của Chúa.
Có lòng tin là ý thức Chúa hiện diện trong mọi nẻo hành trình; Có lòng tin là trả lời xác tín với mọi người về chính Chúa, bằng sự cảm nghiệm của chính cá nhân mình; Có lòng tin là để Chúa điều khiển và kiểm soát cuộc sống của mình; Có lòng tin là khiêm tốn kêu xin khi gặp gian nan khốn khó.'
Huệ Minh