Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 07 Tháng 7 2021 12:19

Nước Trời đã đến gần

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Nước Trời đã đến gần


08 29 X Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên.

St 44,18-21.23b-29;45,1-5; Mt 10,7-15.

NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN

Nhiều bậc tôn sư như Đức Khổng, Đức Phật có thói quen dẫn môn sinh rảo khắp thôn làng thành thị giảng dạy giáo thuyết của mình. Chúa Giêsu cũng sai các môn đệ đi lưu động trong “các thành hay làng mạc.” Nhưng việc rao giảng thì không phải đợi đến một nơi nào, mà đã phải thực hiện ngay khi còn đi đường. Chính nội dung của lời rao giảng “Nước Trời đã đến gần” cho thấy tính cấp bách khẩn thiết của sứ mạng: không được có thái độ tự mãn hoặc thụ động ngồi chờ người ta đến nhưng trái lại phải nhanh nhẹn tích cực lên đường đến với tha nhân, trở thành sứ giả đem Tin Mừng bình an đến mọi nhà mọi người, ngay cả khi bị xua đuổi, từ chối.

Trong trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một số chỉ thị cụ thể liên quan đến việc thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận. Trước hết, về chính việc rao giảng Tin Mừng: Hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong cùi được khỏi bệnh và khử trừ ma quỉ. Vì là người được Chúa ủy thác, nên phải thi hành đúng chỉ thị của Ngài: rao giảng Nước Trời, cứu vớt những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Liên hệ đến tâm thức và cách sống của nhà truyền giáo, Chúa Giêsu nói đến tính cách nhưng không của việc hiến thân, tinh thần vị tha, giao tiếp hiền hòa với những ai đón nghe lời rao giảng cũng như với những ai từ chối. Ðã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Ðừng mang vàng bạc, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giầy hay cầm gậy. Vì thợ thì có quyền được nuôi ăn. Khi vào nhà nào thì hãy chào thăm và chúc lành cho nhà đó.

“Nước Trời đã đến gần” (c.7) là sứ điệp quan trọng Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại. Nước Trời còn được biểu hiện nơi chính con người Đức Giêsu, vì Ngài là hiện thân của Chúa Cha, đến trần gian để minh chứng tình yêu Cha dành cho nhân loại. Vâng, sứ điệp ấy đã được Chúa Giêsu thông truyền lại cho các môn đệ, để các ngài tiếp nối công trình cứu độ của Ngài nơi trần gian qua Giáo hội. Khi được chuyển trao sứ điệp quan trọng này, các môn đệ cũng được Chúa Giêsu ban cho những năng quyền để khắc phục sự dữ (x.c.8), đồng thời Ngài cũng đòi hỏi người môn đệ phải thật nghèo khó, thanh thoát (x.c. 9-11), để hết mình phục vụ Nước Trời (x.c.12-13). “Nước Trời đã đến gần” còn là sứ điệp quan trọng cho con người thời đại hôm nay không?

Khi mà trong thực tế, nhiều người như cảm thấy Thiên Chúa rất xa lạ, mơ hồ đối với họ, vì những cảm thức duy thực dụng đã lún sâu trong tâm khảm của họ. Đứng trước thảm trạng đau buồn ấy, người môn đệ Chúa Giêsu phải làm gì để “Nước Trời” thực sự được hiện diện giữa trần gian hôm nay! Phải chăng đây là sứ mệnh quan trọng và cấp bách, đang hối thúc mỗi chúng ta hãy can đảm mạnh dạn lên đường, để tung gieo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người. Dẫu có những khó khăn và thử thách đang chờ đón phía trước, nhưng chúng ta hãy vững tin vào quyền năng Chúa Giêsu, Ngài luôn đồng hành bên chúng ta để thi thố những việc kỳ diệu cho vinh danh Ngài.

Điều quan trọng là mỗi chúng ta hãy ý thức “chúng ta đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c.8b). Con người hôm nay đang dần giàu lên về nhiều mặt: vật chất, sự hiểu biết, sự hưởng thụ, danh vọng . . . nhưng lại vô cùng nghèo về tình yêu, sự thật và công lý. Thế nên, từ sâu thẳm nội tâm, con người vẫn thật sự khao khát một chiều kích tâm linh đích thực, có thể lấp đầy sự trống vắng của cõi lòng họ. Thế nhưng, người môn đệ Đức Kitô không chỉ giới thiệu về Nước Trời bằng những chân lý mặc khải, nhưng chính một nếp sống đơn sơ, nghèo khó, thanh thoát của người môn đệ sẽ có sức thuyết phục rất mạnh mẽ, vì con người hôm nay “cần chứng nhân hơn thầy dạy”.

Chúa Giêsu chính là hiện thân của tình yêu thương, lòng bao dung tha thứ, lòng xót thương trên những nỗi khổ đau của con người về thể lý và tinh thần. Chính Ngài đã thi thố quyền năng trên bệnh tật, sự chết, ma quỷ khi Ngài chữa lành cho con người khỏi áp lực của sự dữ. Khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Đức Giêsu cũng ban cho các ông năng quyền trên sự dữ, nhờ đó các tông đồ có thể chữa lành bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại và khu trừ ma quỷ (x.c.8a). Lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu phải luôn là hành trang cho người môn đệ: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (c.8b).

Chúa Giêsu còn đi xa hơn khi đòi hỏi người môn đệ phải có một tâm hồn thanh thoát với của cải, danh vọng và tình cảm con người: “Đừng sắm vàng bạc hay tiền, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo... hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi...” (c. 9-11). Sự thanh thoát với nếp sống giản dị của người môn đệ là dấu chứng thuyết phục nhất cho lời rao giảng cùng với những năng quyền Chúa đã ân ban. Sứ điệp đầu tiên mà người môn đệ mang đến cho mọi người chính là sự bình an: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (c.12). Đây chính là khát vọng sâu xa nhất mà con người hằng mong đợi: sự an bình và hạnh phúc.

Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Trời, là nội dung sứ điệp truyền giáo. Vì thế, khi thi hành sứ vụ, người môn đệ luôn phải đặt Chúa làm trọng tâm mọi hoạt động của mình. Tất cả những gì người tông đồ có được đều là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban tặng. Vì thế, người tông đồ cần luôn ý thức sâu xa hồng ân mình được nhận lãnh cách nhưng không, để không tự hào, hay khoe mình về những thành công đạt được trong khi thi hành sứ vụ.

Chúa Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định tự do hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là Nước Trời. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền. Ngài mời gọi họ dấn thân sống đầy đủ mỗi ngày lý tưởng truyền giáo và lý tưởng của người môn đệ. Ðiều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo khi theo Chúa Giêsu là lời của Ngài và đời sống nghèo khó của Ngài. Tất cả những sự khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn là ngăn trở cho việc truyền giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng những ai dấn thân sống nghèo khó và hy sinh cho người khác, sẽ được Chúa cho lại gấp trăm.

Ngày hôm nay, con người cần chứng nhân hơn thầy dạy. Thế nên, người môn đệ của Chúa phải truyền giảng Tin Mừng trước tiên bằng một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương, với một nếp sống đơn sơ giản dị, thanh thoát với mọi sự vật trần thế, để chỉ lo tìm vinh danh Chúa và mưu ích cho các tâm hồn. Giữa một xã hội đang đầy dẫy những phức tạp muôn mặt, con người khó tìm kiếm được sự bình an đích thực. Đây chính là nhiệm vụ của người môn đệ, đem bình an của Chúa đến cho mọi nhà và từng tâm hồn, để tất cả đều cảm nghiệm niềm hạnh phúc sâu xa với sự bình an tràn trào, vì Chúa đang ở cùng con người.

Huệ Minh

Read 404 times