Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 04 Tháng 9 2021 06:35

Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU THẾ | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII, Thường Niên, Năm B

TMĐP- Người Kitô hữu được diễm phúc có Đức Giêsu, biết Đức Giêsu, yêu mến Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu, và “ở lại” với Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, là Lẽ Sống, Hy Vọng, và Cùng Đích, Ơn Cứu Độ của toàn thể nhân loại.

Mọi người đều gọi Ngài như thế, vì ngay tên GIÊSU của Ngài cũng đã mang ý nghĩa này, nhưng không phải ai cũng hiểu về sứ vụ của Đấng Cứu Thế.

Người Do Thái là dân tộc thứ nhất mong đợi Đấng Cứu Thế mà ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em”. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu ” (Is 35, 4-6).

Quả thực, khi nghe lời sấm về Đấng Cứu Thế sẽ đến giải phóng dân, báo oán, phục thù cho dân Ngài, thì không người Do Thái nào mà lịch sử dân tộc là chuỗi dài những năm tháng liên tục bị thống trị, áp bức, lưu đầy đã không nức lòng, phấn khởi, vui mừng. Chưa kể Đấng Cứu Thế ấy còn là Lương Y Toàn Năng sẽ chữa lành mọi tật bệnh, và còn làm chủ thiên nhiên, khi biến “miền nóng bỏng thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra” (Is 35,7).

Vì thế, khi nghe Đức Giêsu làm nhiều phép lạ chữa mọi thứ bệnh, trừ tà trừ quỷ, hoá bánh ra nhiều nuôi hàng ngàn người, biến nước lã thành rượu ngon, ra lệnh cho sóng gió phải im hơi lặng tiếng, dân chúng đã đổ xô “lũ lượt đến với Ngài, vì nghe biết những gì Người đã làm” (Mc 3,8), đến nỗi Ngài và các môn đệ phải xuống thuyền lánh về phía Biển Hồ để được nghỉ ngơi (x. Mc 3,7). Và đám đông đã nhiều lần tung hô Ngài là “Vua Ítraen”, “Con Thiên Chúa” (Mc 3,11), ấn tượng nhất là khi Ngài vào thành Giêrusalem, “nhiều người lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11, 8-10).

Thực vậy, dân Do Thái đã dành cho Đức Giêsu tất cả vinh quang, vinh dự của Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi suốt bao đời, được báo trước bởi các ngôn sứ trong Cưu Ước. Họ đã nô nức đi theo Ngài để nghe Ngài giảng, để được Ngài chữa lành, và được nhìn thấy quyền năng khôn lường của Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai họ hằng ngóng đợi.

Nhưng họ đã vỡ mộng, và vì vỡ mộng, họ đã đồng thanh đả đảo, buộc tội, lên án tử hình và đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá sau những ngày đón rước, cung nghinh, chúc tụng Ngài như “Đấng phải đến trong thế gian”.

Họ vỡ mộng với Đấng Cứu Thế, vì Đức Giêsu không dừng lại ở những phép lạ chữa bệnh, trừ tà, nhưng kêu gọi họ đón nhận Thiên Chúa là chính Ngài để toàn bộ đời sống của họ được thay đổi; họ vỡ mộng với Đấng Thiên Sai, vì Đức Giêsu không dừng lại ở những lời tán tụng, tung hô, phong vương của họ khi Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho họ ăn thoả thuê, nhưng muốn họ đi theo Ngài vào chương trình cứu chuộc “đẫm mồ hôi và máu” như thánh ý của Chúa Cha; họ vỡ mộng với “Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”, vì Đức Giêsu không dừng lại ở vai trò và vị trí lương y chữa bệnh thân xác, nhưng muốn họ mở rộng trái tim để Lời Thiên Chúa đến cư ngụ và đổi mới tâm hồn họ; họ vỡ mộng với Đấng Minh Quân đến để giải phóng, vì Đức Giêsu đã không dừng lại ở ý muốn tôn Ngài làm anh hùng dân tộc để đánh đuổi quân xâm lược Rôma của họ, nhưng kêu gọi họ cùng Ngài lên đường loan báo Tin Mừng, làm chứng “Nước Thiên Chúa đang ở giữa anh em”.

Khi “đặt ngón tay vào lỗ tai, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi” của người vừa câm vừa điếc, Đức Giêsu đã chữa lành anh và truyền cho anh “Ép-pha-tha, nghiã là: hãy mở ra!”( Mc 7,34).

Ngài đã không chỉ mở tai, mở lưỡi anh, mà còn mở tất cả con người anh, mở trái tim, mở tâm hồn, mở cõi lòng để Thiên Chúa đến, ở lại và hoạt động trong anh, để anh được tình yêu Ngài biến đổi; Ngài đã không chỉ mở tai, mở lưỡi để anh nghe và nói bình thường như mọi người, mà còn để anh nghe Lời Thiên Chúa và rao giảng Lời Thiên Chúa cho mọi người; Ngài đã không chỉ cho anh nghe và nói được với mọi người, mà còn để anh nói với Thiên Chúa và lắng nghe Thiên Chúa nói với anh; Ngài đã không chỉ mở tai, mở miệng anh để anh không còn là người câm điếc, nhưng cho anh trở thành phát ngôn viên, người làm chứng “những việc tốt đẹp” của Đấng Cứu Thế (x. Mc 7,37).

Thực vậy, Đức Giêsu đã đến trong thế gian để giải phóng, cứu độ, nhưng không giải phóng, cứu độ theo “đơn đặt hàng” của con người; không là Đấng Cứu Thế theo mô hình được con người lập trình, vẽ sẵn ; không là “Đấng đến nhân danh Thiên Chúa” để làm theo ý loài người, theo kiểu mẫu thế gian, nhưng chỉ để làm theo Thánh Ý Thiên Chúa, thực hiện những gì Chúa Cha chỉ dạy, trao phó.

Và ý của Chúa Cha, Đấng đã sai Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế đến trong thế gian là “ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x. Ga 13,34) nên điều kiện để khỏi phải chết là tin vào Đức Giêsu, Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, và “có lòng thương xót như Thiên Chúa để được Thiên Chúa xót thương (x. Mt 5,7 ; 18,23-35).

Thánh Giacôbê làm sáng tỏ đòi hỏi của đức tin là đức ái, cũng như việc làm của đức tin là đức ái, nếu không, đức tin sẽ chỉ là đức tin chết, một xác chết “như một thân xác không hơi thở” (x. Gc 2, 14-26), mà nền tảng của đức ái này là lòng kính trọng mọi người, nghĩa là không đối xử thiên tư, không phân biệt kỳ thị, nhất là với người nghèo khó, cơ bần, vì “Thiên Chúa đã chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài” (Gc 2, 5).

Vâng, Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng không cứu thế theo ý muốn và chương trình của con người áp đặt; trái lại, theo ý muốn yêu thương và chương trình thương xót cứu chuộc từ đời đời của Chúa Cha, khi mở ra mọi cánh cửa đóng kín trái tim, mọi hàng rào ngăn chặn tự do trở thành con cái Thiên Chúa, và mọi tường thành cấm cản gặp gỡ Đức Giêsu là Tin Mừng và Hạnh Phúc thật của mọi người, bất luận chủng tộc, tuổi tác, thành phần, trình độ, đẳng cấp, hoàn cảnh …

Như những người câm điếc, mù loà, què quặt, bất toại, bị quỷ ám đã lớn tiếng kêu xin: “Lạy Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, xin thương xót con!”, chúng ta xin Chúa mở toàn thể con người và cuộc đời chúng ta, để chúng ta nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu, giàu lòng thương xót, Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ bằng Thánh Giá của Lòng Xót Thương, và xin Lòng Thương Xót Chúa biến đổi trái tim vô cảm không biết chạnh lòng; đổi mới trái tim cứng cỏi, đanh thép chỉ lên án, trừng phạt, mà không thông cảm, nhân từ; canh tân tâm hồn cằn cỗi lúc nào cũng ngại ngùng “bao dung”, dè dặt “độ lượng ”, do dự “tháo cởi” đối với những người đang khốn khổ, cơ cùng đang tha thiết khẩn khoản, nài xin lòng thương xót của mình.

Cũng vì không chân nhận lòng thương xót vô bờ bến của Đấng Cứu Thế là “Đức Giêsu chịu đóng đinh” để xoá tội và ban sự sống đời đời cho mọi người trong Vương Quốc Nước Trời, mà cho đến hôm nay, người Do Thái vẫn tiếp tục trông đợi một Đấng Cứu Thế “bách chiến bách thắng với chiến mã kỵ binh, oai hùng lẫm liệt” sẽ làm cho dân tộc Do Thái trở thành một dân tộc vĩ đại, được các dân tộc khác nể vì…

Khác với những người Do Thái còn trông đợi, người Kitô hữu được diễm phúc có Đức Giêsu, biết Đức Giêsu, yêu mến Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu, và “ở lại” với Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, là Lẽ Sống, Hy Vọng, và Cùng Đích, Ơn Cứu Độ của toàn thể nhân loại.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/duc-giesu-dang-cuu-the-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xxiii-thuong-nien-nam-b/

Read 382 times Last modified on Thứ bảy, 04 Tháng 9 2021 18:08