Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 08 Tháng 10 2021 16:27

Nghe và làm

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Nghe và làm


09 04 X Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên.

(Tr) Lễ Đức Mẹ ngày thứ Bảy.

(Đ) Thánh Đi-ô-ni-xi-ô [Dionysius] Giám mục và các bạn Tử đạo.

(Tr) Thánh Gio-an Lê-ô-nac-đi, Linh mục.

Ge 4,12-21; Lc 11,27-28.

NGHE VÀ LÀM

Ðiều đầu tiên chúng ta được biết về ba vị này là họ được tử đạo khoảng năm 258, theo như văn bản của Thánh Grêgôriô ở Tours thuộc thế kỷ thứ sáu.

Thánh Denis (hay còn được gọi là Dionysius) là người nổi tiếng nhất trong ba vị. Người sinh trưởng ở Ý, và vào khoảng năm 250 người được sai đi truyền giáo ở Gaul (bây giờ là nước Pháp) bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê cùng với năm vị giám mục khác.

Thánh Denis đặt địa bàn truyền giáo ở một hòn đảo trong vùng Seine gần thành phố Lutetia Parisorium — sau này trở thành thủ đô Balê. Vì lý do đó người được coi là vị giám mục đầu tiên của Balê và là Tông Ðồ nước Pháp. Ở đây người bị bắt cùng với Rusticus và Eleutherius. Các học giả sau này đề cập đến Rusticus và Eleutherius như linh mục và phó tế của Ðức Giám Mục Denis, ngoài ra chúng ta không còn biết gì thêm.

Sau thời gian bị tù đầy và tra tấn, ba vị bị chém đầu và thân thể của họ bị ném xuống sông. Xác của Thánh Denis được những người tân tòng vớt lên và chôn cất. Một nhà nguyện được xây trên phần mộ của người mà sau này trở thành tu viện Thánh Denis.

Ðến thế kỷ thứ chín, tiểu sử của Thánh Denis bị lẫn lộn với Thánh Dionysius người Areopagite, nhưng sau này các học giả xác định người là một vị thánh riêng biệt.

Thánh Denis thường được vẽ khi người tử đạo — không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay người cầm chính đầu của người với nón giám mục.

Ðược coi là vị thánh đặc biệt của Balê, Thánh Denis là quan thầy của nước Pháp.

Ngày hôm nay, ta thấy giữa đám đông đang nghe Đức Giêsu giảng, có một phụ nữ, vì cảm phục trước việc Chúa làm phép lạ trừ quỷ câm, ngây thơ không biết khen ngợi Chúa thế nào, đã thốt ra câu khen ngợi Mẹ Ngài: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Nhưng Chúa nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Chúa”. Chúa nói thế không phải là Ngài coi rẻ Đức Maria, trái lại còn gián tiếp ca tụng Người: Người vừa là Mẹ ruột đã sinh ra Ngài, vừa là một người luôn lắng nghe và thực hiện lời Thiên Chúa.

Dân gian có câu: “Một người làm nên cả họ thơm lây...” Khi thấy sự thành công của Chúa Giêsu đầy quyền năng trên quỷ thần, giảng dạy hay, chữa nhiều bệnh tật, dân dân lũ lượt theo Người... thì một người phụ nữ trong đám đông kêu lên: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”. Xét theo phương diện này, thì Mẹ Maria là Đấng đầy ơn phúc đã cưu mang Chúa Giêsu và cho Người bú mớm.

Tuy nhiên, hiểu rộng ra, đây cũng là cái phúc chung cho mọi người chúng ta. Bởi vì Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, và cũng được hiểu Lời Chúa là chính Chúa. Cho nên, khi chúng ta yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, chính chúng ta đang làm mẹ cưu mang Chúa trong tâm hồn, và đang làm cho Chúa được lớn lên trong ta.

Diễm phúc thứ nhất là Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Cứu Thế, và hạnh phúc thứ hai là Mẹ đã thực hành Lời Chúa. Trong Tin mừng hôm nay chính Chúa Giêsu đã dành cho mẹ Ngài một lời ca tụng đẹp đẽ nhất: đã nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Phúc cho mẹ không phải chỉ vì mẹ đã cho Chúa bú mớm, nhưng còn vì Mẹ đã ân cần đón nhận lời Chúa, mẹ đã suy niệm và để lời Chúa thành chính sự sống của mẹ. Quả thực, không có ai đã nghe lời Chúa và thực hành lời Chúa bằng Đức Mẹ. Tóm lại, Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, vừa sống đời sống của Chúa, vừa sống đúng lời Chúa, nên mẹ đã được hai diễm phúc: một là đã sinh ra Chúa, dưỡng dục Chúa, hai là đã thực hành Lời Chúa, nên mẹ là người hoàn hảo nhất. (Lm. Phạm Văn Phượng).

Trong cuộc sống, có nhiều điều làm cho chúng ta được vui vẻ, hạnh phúc: một lời khen chân thành, một bản nhạc du dương, một bức tranh tuyệt đẹp, một trận bóng hấp dẫn, một gia đình ấm êm... Khi nghe Chúa Giêsu giảng, một người phụ nữ đã cất tiếng khen ngợi Mẹ Maria là người hạnh phúc, vì Mẹ đã cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi Chúa Giêsu. Đáp lại, Đức Giêsu đã mạc khải một chân lý quan trọng: Đức Maria là người diễm phúc nhưng không phải chỉ vì tương quan huyết nhục với Đức Giêsu, mà trên hết, vì Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa làm cho chúng ta được hạnh phúc, vì được trở nên người thân thuộc trong gia đình của Người. Gắn bó mật thiết với Lời Chúa giúp chúng ta xây căn nhà cuộc đời trên nền đá vững chắc, không một sức mạnh nào có thể tàn phá được.

Chúa Giêsu đáp rằng: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”. Nói như thế, Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng, nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa; cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.

Chúa Giêsu giảng dạy khôn ngoan, làm phép lạ và những việc phi thường. Nghe dạy và thấy những việc Ngài làm, đám đông dân chúng ngưỡng mộ và chúc tụng Mẹ Ngài vì đã cưu mang và nuôi dưỡng một người con vĩ đại: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Tuy nhiên trước lời ca tụng đó, Chúa Giêsu khẳng định: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”. Ngài muốn mạc khải về hạnh phúc siêu nhiên hơn tự nhiên, hạnh phúc đó được xây dựng trên nền tảng lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Qua khẳng định này, Chúa Giêsu không phải là không muốn làm vinh danh Đức Maria, người Mẹ yêu dấu của mình, Chúa muốn nhấn mạnh nền tảng của mối phúc là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, mà chính Mẹ Maria đang vui hưởng.

Thật thế, Mẹ Maria là người đầu tiên đã lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành khi được sứ thần loan báo thánh ý Thiên Chúa về chương trình cứu độ, Mẹ thưa: “Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền”.

Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Đó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa; cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở nên sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người chung quanh chúng ta.

Bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, Mẹ Maria cộng tác với Chúa Giêsu, Con Mẹ khai mở một thế giới mới của ơn cứu rỗi và sự sống mới. Với lời thưa “xin vâng”, Mẹ đã trở nên gương mẫu cho chúng ta: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy, đem lại hạnh phúc...

Huệ Minh

Read 339 times Last modified on Thứ bảy, 09 Tháng 10 2021 12:09