Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 16 Tháng 10 2021 06:46

Niềm trông đợi của người môn đệ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NIỀM TRÔNG ĐỢI CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX, Thường Niên, Năm B

TMĐP- Theo Đức Giêsu, người môn đệ tuy biết chắc sẽ nhận được phần thưởng lớn lao trên trời, biết chắc “sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (M 19,29), nhưng không khỏi băn khoăn trước đòi hỏi: “Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo” (Lc 9,23)…

Đi theo Chúa, ắt phải trông đợi ở Chúa điều gì. Tin Mừng Máccô kể lại điều mong đợi của hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Cả hai đều là con của ông bà Dêbêđê: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,35-36).

Thực ra, đây không chỉ là câu hỏi của riêng hai anh em nhà Dêbêđê, nhưng là câu hỏi bấy lâu hằng nung nấu tâm can nhiều môn đệ khác, nhưng hầu hết đã không dám nói ra, vì sợ bị anh em ganh ghét, và ngại bị Thầy nghĩ mình là kẻ háo danh, ham quyền.

Tuy thế, khi đã mạnh dạn bộc lộ ước mơ làm quan trong vương quốc của Đức Giêsu, Thầy mình rồi, thì hai ông đã không chút ngượng ngùng, do dự, nhưng dũng cảm bảo vệ đến cùng mơ ước của mình, khi trả lời Đức Giêsu : “Thưa được”, khi Ngài hỏi lại các ông: “Các anh không biết các anh xin gì. Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mc 10, 38-39).

Thực ra, tất cả mọi người, trong đó có cả chúng ta, ở bước đầu đi theo Đức Giêsu đều nghĩ mình sẽ được nhiều, rất nhiều, trong đó có vinh quang, nên sau một thời gian làm môn đệ, câu hỏi quen thuộc được đặt ra chính là câu hỏi của Phêrô đã đại diện anh em Nhóm Mười Hai thưa với Đức Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27).

Trả lời các môn đệ, cũng là trả lời chúng ta. Trước hết, Đức Giêsu đã không phủ nhận việc “ngồi bên trái, bên phải trong vương quốc của Ngài”, nhưng khẳng định : Việc đó thuộc quyền Chúa Cha, và Chúa Cha “đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (Mc 10,40).

Nói như thế Đức Giêsu gián tiếp cho các môn đệ biết: để được Chúa Cha cất nhắc, các ông phải có đủ điều kiện, và điều kiện đó là:

1/ Trở nên tôi tớ phục vụ:

Không như “quan lộ” của thế gian, con đường tiến thân trong Nước Trời đi theo một nguyên tắc hoàn toàn khác: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10,43-45).

Phục vụ như người tôi tớ trung tín, dù chịu muôn vàn thử thách của Giavê mà ngôn sứ Isaia đã mô tả: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ”, và “vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của ta sẽ làm cho muôn người nên công chính” (Is 53,10.11).

2/ Trở nên Của Lễ chuộc tội:

Không chỉ trở nên tôi tớ phục vụ, người môn đệ còn phải trở nên “Của Lễ”, khi “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45), như Đức Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là Của Lễ đền tội cho nhân loại trên Thánh Giá, mà thánh Phaolô đã vẽ lên chân dung của Ngài: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4, 15-16).

Quả thực, khi đi theo Đức Giêsu, người môn đệ tuy biết chắc sẽ nhận được phần thưởng lớn lao trên trời (x. Mt 5,12), biết chắc tên mình đã được ghi trên trời (x. Lc 10,20), biết chắc “sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (M 19,29), nhưng không khỏi băn khoăn trước đòi hỏi: “Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo” (Lc 9,23); không khỏi lo âu khi bị đặt trước sự dữ, đau khổ, và sự chết, bởi ngay cả Đức Giêsu cũng đã không nói gì nhiều về đau khổ và cái chết là giới hạn bi thương của con người, ngoài mở ra cánh cửa đi vào Mầu Nhiệm Phục Sinh bằng chính con đường khổ nạn, và cái chết tức tưởi, câm lặng của Ngài trên Thánh Giá.

Vâng, hơn lúc nào hết, giữa đại dịch Covid, giữa những thử thách của đời sống và gọng kìm của sự dữ đang bao vây, xiết chặt, đẩy con người vào cô đơn, bế tắc. Những nỗi đau thiếu thốn vật chất, nỗi khổ cô đơn, cô độc, nỗi lo chết vì lây nhiễm dịch bệnh đang thử thách đức tin của chúng ta, và đức tin ấy sẽ chỉ được tôi luyện, củng cố, nếu chúng ta dám tin rằng: chúng ta đang chung phần đau khổ với Đức Giêsu, và Đức Giêsu đang chia sẻ đau khổ với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa ở với con người, và có mặt giữa con người cho đến tận thế, không một giây phút rời bỏ con người.

Xác tín như thế, chúng ta sẽ được cùng Ngài đi vào Mầu Nhiệm Phục Sinh với Ngài, qua cánh cửa của đau khổ và sự chết là “giá chuộc muôn người ”, giá xóa bỏ tội lỗi và cứu độ chúng ta.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/niem-trong-doi-cua-nguoi-mon-de-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xxix-thuong-nien-nam-b/

Read 431 times Last modified on Chủ nhật, 17 Tháng 10 2021 08:17