TMĐP- Tưởng nhớ các linh hồn chính là nuôi lớn niềm hy vọng trong Thiên Chúa, và cầu nguyện cho các vị chính là nài xin Chúa đừng để chúng ta quên suy gẫm và sống Lời ban niềm Hy Vọng của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24).
Người quan trọng nhất, vì rất thân thiết với gia đình người qúa cố tên Ladarô ở làng Bêtania hôm ấy chính là Đức Giêsu. Bằng chứng là khi ông đau nặng, hai chị Mácta và Maria của ông đã cho người đi tìm và khẩn báo với Đức Giêsu: “Thưa Thầy người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11,3).
Biết tin người mình thương mến đau nặng sắp chết, Đức Giêsu đã không tỏ ra bối rối và vội vã đi gặp, nhưng lại bình tĩnh bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11, 4).
Các môn đệ nghe những lời Ngài vừa nói đã chẳng hiểu gì. Họ càng không hiểu khi Ngài về Bêtania sau đám tang và Ladarô đã “chôn trong mồ được bốn ngày” (Ga 11,17), mà Ngài vẫn bảo các ông: “Ladarô, bạn của chúng ta đang yên giấc; Thầy đi đánh thức anh ấy đây” (Ga 11, 11).
Các môn đệ có mặt hôm ấy còn được chứng kiến cảnh “bắt đền” Đức Giêsu của hai cô chị Mácta và Maria: “Nếu có Thầy ở đây, thì em con đã không chết” (Ga 11,21. 33); được thấy Đức Giêsu thổn thức khóc thương người bạn quá cố (x. Ga 11,36.38) và sau cùng được tận mắt chứng kiến Ngài gọi người chết bước ra khỏi mồ “chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn” (Ga 11, 44).
Đám tang Ladarô, tuy không có mặt Đức Giêsu lúc an táng, nhưng bên ngoài xem ra còn may mắn gấp ngàn lần những đám tang ở Việt Nam thời giãn cách, phong tỏa nghiệm ngặt, khi người thân không được gặp mặt người qúa cố, không được lo liệu hậu sự cho người thân qua đời, và người ra đi thời Covid, tất cả đều một mình chết cô đơn, một mình đơn độc đến nơi hoả táng, không người thân tiễn đưa, không nhang đèn, hoa nến, không phúng điếu, trống kèn, không thánh lễ, cầu siêu …
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa những đám tang đã không thay đổi cốt lõi Hy Vọng của mầu nhiệm sống lại được chính Đức Giêsu mặc khải cho những ai tin vào Ngài:
1/ Hy vọng vì chết chỉ là một giấc ngủ sâu:
Nếu chết là hết, chết là chấm dứt và không còn gì, thì Đức Giêsu đã không nói với các môn đệ cùng đi với Ngài: “Ladarô, bạn của chúng ta đang yên giấc; Thầy đi đánh thức anh ấy đây”, và các ông đã nghĩ Ladarô đang ngủ thật, nên đã thưa lại : “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại” (Ga 1, 12), bởi ai cũng biết: người ốm mà ngủ được thì mau lấy lại sức.
Trái lại, chết chỉ là một bước đi từ đời sống này “vào một đời sống mới” (Rm 6,4), rởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, “để không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6,6)
2/ Hy vọng vì sự sống chết của con người được quan phòng trong tình yêu của Thiên Chúa:
Thái độ của Đức Giêsu khi nhận tin Ladarô đau nặng sắp chết đã mặc khải tình yêu quan phòng của Thiên Chúa trên sự sống, sự chết của mỗi người.
Nhận tin dữ về người thân Ladarô đang hấp hối, Ngài nói ngay: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu … ”, và nếu bệnh có làm chết, thì “sẽ là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11, 4).
Vì thế, sống hay chết, bệnh hay khỏe, tắt một lời, vận mạng của con người được đặt để trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, vì vận mạng ấy hướng đến mục đích vô cùng thánh thiện, cao cả, đó là làm vinh danh Thiên Chúa.
Nói cách khác, sống không là vô vọng lê lết một bản án chung thân, và chết không là kết thúc thê lương, tuyệt vọng của hành trình làm người, nhưng sống và chết, sống hay chết đều mang chung một giá trị và ý nghiã cứu rỗi, vì thực hiện sứ mạng “bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa”, bởi “con người được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,23), và “linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa”, để “những ai trung thành sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người” (Kn 3,1.9).
3/ Hy vọng vì có Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đang ở giữa mọi người:
Hơn ai hết, chị em Mácta, Maria, vì thân thiết với Đức Giêsu và biết Ngài có quyền trên bệnh tật, nên biết rất rõ nếu có Đức Giêsu, thì em của hai cô đã không chết.
Qủa quyết điều này, hai cô tin Ngài là “Đấng phải đến thế gian”, Đấng có quyền làm cho em hai cô khỏi chết, vì Ngài ở đâu, đến đâu thì những con người ở đó sẽ được Ngài cứu chữa, không để phải chết.
Điều hai cô xác tín không những đã được Đức Giêsu xác nhận, mà hai cô còn được Ngài dẫn đến một mầu nhiệm mới khác, đó là mầu nhiệm sống lại qua lời Ngài phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống ” (Ga 11,25), và việc Ngài gọi Ladarô ra khỏi mồ (x. Ga 11,43).
Quả thực, không ai dám nghĩ mình bất tử, và ai cũng đã ít nhất một lần trong đời xao xuyến, thổn thức tiễn đưa người thân quen đến nơi an nghỉ cuối cùng, nên tất cả đều biết chết là nỗi buồn “đáng sợ”, và đám tang là đám sầu thương, đong đầy nước mắt, ám ảnh, khó nguôi ngoai.
Người môn đệ của Đức Giêsu cũng không ngọai lệ trước sự chết, nhưng đứng ngoài lề thất vọng, tuyệt vọng trước ý nghĩ về cái chết của mình, cũng như khi thấy cái chết của người khác, vì họ đặt Hy Vọng vào Đức Giêsu, Đấng là “sự sống lại và là sự sống”, Đấng yêu thương họ và họ được nên một với Ngài, nhờ “được dìm vào trong cái chết của Người”, “được chết như Người đã chết” ( Rm 6,3.5).
Tưởng nhớ các linh hồn chính là nuôi lớn niềm hy vọng trong Thiên Chúa, như lời thánh vịnh: “Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi và cậy trông ở lời Người” Tv 129,5), và cầu nguyện cho các vị chính là nài xin Chúa đừng để chúng ta quên suy gẫm và sống Lời ban niềm Hy Vọng của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/dam-tang-ong-ladaro-le-cau-cho-cac-linh-hon-mua-thuong-nien-b/