05 01/10 X Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên.
Thứ Sáu đầu tháng. Ngày đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.
Thánh Đa-minh Đinh Đức Mậu, Linh mục (U1862), Tử đạo.
Rm 15,14-21; Lc 16,1-8.
Khôn Khéo
Chúa Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn “người quản gia bất lương”. Kết luận về dụ ngôn Chúa dạy cho chúng ta hai điều : Một là người quản gia đó đã có hành động “khôn khéo” nhưng vẫn bị coi là “bất lương”, “được khen” nhưng vẫn “bị sa thải” ; Hai là Chúa cho thấy sự khác biệt giữa “con cái đời này” và “con cái ánh sáng”, sự “khôn ngoan theo đời này” và sự “khôn ngoan của con cái Thiên Chúa”.
Trước tiên, chúng ta xem sự “bất lương” của người quản gia đây là gì. Anh bị người ta tố cáo với ông chủ là anh đã phung phí của cải nhà ông. Thái độ “phung phí của cải nhà ông chủ” của người quản gia cho thấy, anh đã “lạm quyền” của chủ, cách nào đó anh không còn phục tùng chủ, không trung tín và không còn nhớ vị thế của mình chỉ là quản gia. Lẽ ra anh phải biết vai trò của anh, làm quản gia anh được quyền quản lý mọi sự trong nhà, anh phải làm sao cho mọi sự diễn ra tốt đẹp và đem lại ích lợi cho gia chủ. Khi anh “phung phí của cải nhà chủ” có nghĩa là anh đã không còn chu toàn chức năng và bổn phận của anh. Sự “bất lương” của anh là như thế.
Tuy nhiên, anh được chủ khen là “khôn khéo”, vậy sự khôn khéo của anh đây là gì. Anh khôn khéo vì khi biết chủ sắp sa thải, anh đã lấy lòng các con nợ của chủ, bằng cách lấy biên lai ghi giảm số nợ cho họ, nhưng cũng bằng cách này anh đã đẩy con nợ vào chỗ thông đồng với hành vi của anh, nếu anh có bị xử phạt thì anh cũng không phải chịu một mình. Anh đã nghĩ đến nghề nghiệp, đến cuộc sống, đến tương quan của mọi người dành cho anh khi anh thất thế… Và anh đã hành động để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước anh về nhà họ, đó là một việc làm được coi là khôn khéo.
Một điều đáng nói ở đây là : sự khôn khéo của anh không che lấp được sự bất lương, hành vi toan tính của anh không thay đổi và giữ lại được vị thế của anh, anh rất khôn khéo nhưng anh không còn được tín nhiệm, anh đã thất trung. Anh đã biết dùng mưu xảo của mình để định đoạt cuộc đời mình thật khôn khéo, nhưng anh quên rằng ông chủ có thể tố cáo và đủ sức tru diệt anh. Anh nghĩ đến việc luồn lách để chạy tội, để sống, nhưng anh lại quên người có quyền ra hành động cuối cùng ảnh hưởng đến sinh mạng của anh vì các việc do anh đã làm đó là ông chủ. Tại sao anh không xin lỗi chủ về sự phung phí của mình, sao anh không “cải tà quy chính” để tiếp tục sống bình an hạnh phúc. Anh “khôn khéo” nhưng anh “bất lương” là ở điểm đó.
Hơn hết, đây là điều mà Chúa muốn dạy mỗi người chúng ta. Sự khôn khéo chỉ là phương tiện, còn lương tâm của con người mới là cùng đích. Chúa cần người có lương tâm trong sáng và trung tín. Nếu sự trong sáng và trung tín kèm với sự khôn khéo thì thật là điều đáng quý. Nhưng nếu phải chọn giữa thái độ sống vụng về mà có lương tâm ngay chính trước nhan Chúa, và thái độ sống khôn khéo nhưng bất lương, thì chúng ta hãy chọn sự trung tín và lương tâm ngay chính mà thôi.
Sự khôn ngoan của con cái thế gian và sự khôn ngoan của con cái ánh sáng khác nhau ở điểm này. Sự khôn khéo thế gian lấn át lương tâm, họ khéo léo làm mọi sự mà bán rẻ lương tâm của họ. Con cái ánh sáng thì tôn trọng tiếng nói lương tâm, tiếng nói của chính Thiên Chúa trong cõi lòng mình. Con cái Thiên Chúa thì sống trung tín với Chúa, chu toàn bổn phận trong chức năng của mình, quy phục quyền năng và ân ban của Chúa.
Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.
Thái độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc. Chúa Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may đưa đến một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại để rủa xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh khôn ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: "Ðối với những ai yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện".
Dưới cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về tài năng, may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của Chúa, tất cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố như lời mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán, tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý trong dụ ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo, chia sẻ tình yêu ấy với mọi người.
Ước gì mỗi chúng ta khi chu toàn bổn phận Chúa trao, cũng biết chọn tiếng nói của Chúa, tiếng lương tâm. Đừng làm điều gì bán rẻ lương tâm và chống lại ý Chúa. Ước gì chúng ta cũng đứng về phía con cái sự sáng, chịu thiệt thòi ở đời này, chấp nhận vụng về trước thế gian để trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.
Huệ Minh