Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 27 Tháng 11 2021 06:43

Và ở cùng chúng ta

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
VÀ Ở CÙNG CHÚNG TA!

 

Mùa Vọng đã về.  Mùa Vọng là mùa Phụng vụ đầu tiên của năm Phụng vụ mới.  Mùa Vọng nhắc chúng ta nhớ lại một lịch sử dài trải qua nhiều thế hệ.  Đó là lịch sử của niềm mong đợi Đấng Cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa.  Niềm mong đợi Đấng Cứu thế đã nuôi dưỡng đức tin của dân tộc Do Thái trong mọi biến cố thăng trầm, nhất là trong những năm tháng bi đát của lịch sử, như thời lưu đày.  Mùa Vọng cũng nhắc cho chúng ta sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa: đó là sự kiện Ngôi Lời giáng sinh làm người và ở cùng chúng ta.  Thiên Chúa ở cùng con người.  Ngài không còn chỉ là Đấng ngự trên chín tầng mây xanh cao thẳm.  Ngài cũng không còn ngỏ lời với con người qua những trung gian như thời Cựu ước.  Thiên Chúa đã trực tiếp nói với chúng ta bằng chính Con của Ngài.  Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa.  Người đến trần gian để ở với chúng ta, để chung chia vui buồn với mỗi con người đang lang thang phận người trên cõi dương gian.

 

Nội dung Bài đọc I và Bài Tin Mừng hướng chúng ta tới một tương lai, khi Thiên Chúa thực hiện lời Ngài đã hứa.  Lúc đó, Đấng Công chính sẽ xuất hiện, mạnh mẽ như Đavít.  Người sẽ đem lại cảnh an hòa cho vũ trụ, và dân tộc Israen sẽ được cứu thoát.  Xin lưu ý, Giêrêmia là một vị ngôn sứ sống trong giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn của Israen, tức là thời khủng hoảng chia rẽ trước cuộc lưu đày ở Babylon.  Vị ngôn sứ đã loan báo niềm hy vọng, để mời gọi dân mình cậy trông vào lời hứa Thiên sai, vì Chúa là Đấng trung thành.  Ngài sẽ thực hiện những gì Ngài đã phán.

 

Lời hứa ban Đấng Thiên sai đã được thực hiện, khi Chúa Cha sai Con Một của Ngài làm Đấng Cứu độ trần gian.  Đức Giêsu đã đến trong lịch sử.  Người là trung gian của lịch sử.  Vì vậy, những gì xảy ra trước khi Người sinh hạ được gọi là “trước Công nguyên” và ngược lại.  Mùa Vọng vừa kỷ niệm ngày Chúa Giêsu đến trần gian, vừa nhắc nhớ cho chúng ta, Người sẽ lại đến trong vinh quang, vào lúc tận cùng của thời gian.  Tuy vậy, nếu chúng ta xác tín vào việc Người sẽ đến vào ngày tận thế, thì chúng ta cũng tin chắc rằng Chúa sẽ đến gặp mỗi người chúng ta, khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay kết thúc cuộc đời.  Vì vậy, trong khi chờ đợi Chúa Giêsu đến vào lúc chúng ta kết thúc cuộc đời, Lời Chúa nhắc bảo chúng ta: hãy tỉnh thức.  Không ai sinh ra rồi sống mãi trên đời.  Cuộc sống con người có ngày khởi đầu thì cũng sẽ có ngày kết thúc.  Vì vậy, người tin Chúa cần tỉnh thức cầu nguyện, để luôn trong tình trạng sẵn sàng khi Chúa đến.  Tỉnh thức là tình trạng thánh thiện, đạo đức.  Đó cũng là một cuộc sống an bình thanh thản, không hờn giận bon chen, không mưu mô tính toán, với niềm tín thác nơi vị Thẩm phán công minh là chính Đức Giêsu, Đấng Cứu độ con người.  Tỉnh thức còn là sự trân trọng đối với những người sống xung quanh chúng ta.  Đức tin khẳng định, họ cùng là anh chị em với chúng ta, và cùng là con của Cha trên trời.  “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (Bài đọc II).  Tình yêu thương là nền tảng của mọi cộng đoàn Đức tin, là điều kiện cốt lõi để công cuộc truyền giáo có hiệu quả.

 

Hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ấn định: Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay, cũng là ngày khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI ở cấp Giáo phận.  Đức Thánh Cha đã quyết định triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới và ngài chọn chủ đề cho Thượng Hội đồng là “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham dự và sứ vụ.”  Chủ đề này nhấn mạnh tới sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội.  Quả vậy, nhờ Bí tích Thanh tẩy, mỗi Kitô hữu đều được gọi tham gia phần mình, tùy khả năng Chúa ban, vào việc xây dựng Giáo Hội, cụ thể là nơi cộng đoàn đức tin mình đang sống.  Mỗi Kitô hữu đều là chi thể của Giáo Hội, với ba chức năng Chúa ban: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế.  Trước khi cử hành chính thức Thượng Hội đồng vào tháng 10/2023, Đức Thánh Cha muốn lắng nghe ý kiến từ các Giáo Hội địa phương, sau đó ngài sẽ đưa ra một định hướng mục vụ phù hợp với bối cảnh thế giới và nguyện vọng của Dân Chúa. Để cụ thể tinh thần của Thượng Hội đồng, đây là dịp để mỗi người tín hữu chúng ta ý thức vinh dự và sứ mạng của mình, đồng thời góp phần làm cho sức sống nơi cộng đoàn đức tin mình đang sống được phát triển.

 

Nếu Thiên Chúa nhập thể làm người để đồng hành với phận người nơi trần thế, thì Giáo Hội cũng phải đồng hành với con người trong bối cảnh cụ thể của mọi quốc gia và mọi nền văn hoá.  Một hạn từ nổi bật trong chủ đề của Thượng Hội đồng là “hiệp hành.”  Hiệp hành có nghĩa là “đi cùng nhau”, là “liên kết”, là gắn bó với nhau để làm việc chung.  Khi liên kết với nhau trong tinh thần đức tin và đức mến, chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh phi thường.  Sự hiệp thông liên kết cũng làm nên vẻ đẹp kỳ diệu của Giáo Hội, qua đó chúng ta diễn tả một Giáo Hội của Chúa với bốn đặc tính: Duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

 

“Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta.”  “Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta.”  Đây là những danh xưng diễn tả nguồn gốc thiên linh và sứ mạng của Đấng Thiên Sai.  Những danh xưng này cũng nói lên sự gần gũi thân thương giữa Thiên Chúa và con người.  Vâng, Chúa Giêsu là sự Công chính của chúng ta, và Người vẫn đang ở với chúng ta cho đến ngày tận thế.  Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để đón Người.

 

TGM Giuse Vũ Văn Thiên


Read 495 times Last modified on Chủ nhật, 28 Tháng 11 2021 08:48