Người ta nói rằng: chim Yến là loài chim không thích cạnh tranh với muôn loài, nên đã chọn nơi thâm sơn cùng cốc, hải đảo xa xôi để xây tổ ấm. Chim yến luôn bay theo hướng mặt trời và không hề đậu lại để nghỉ ngơi. Chim Yến ăn những loài côn trùng sống và đang bay trong không gian. Chim Yến cũng không bao giờ uống nước sông suối ao hồ mà uống hơi sương của sáng sớm và chiều tà. Điều đặc biệt của chim Yến là chúng làm tổ bằng cách tiết nước bọt đặc biệt của mình- đôi khi trộn với cả máu, tạo thành sợi, kết làm tổ để chuẩn bị sẵn sàng cho những Yến con sắp ra đời. Với cách làm tổ bằng chất liệu từ ruột gan rút ra, phải có một tình yêu con mãnh liệt lắm, Yến mới không ngại hy sinh cho con sự sống.
Vâng, chim Yến đã rút ruột cho con. Chim Yến dùng mạng sống mình để bảo vệ, che chở và nuôi sống đàn con. Đây quả thực là một mẫu mực cho tình yêu. Một tình yêu không nói bằng lời nhưng diễn tả bằng hành động. Một tình yêu không so đo tính toán, không toan tính thiệt hơn nhưng chỉ biết yêu là yêu cho đến cùng. Đây quả thực là một tình yêu cao quý mà trong muôn loài mới có một loài dám chết cho người mình yêu, vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu dám thí mạng mình vì người mình yêu”. Đây quả thực là một tình yêu cao thượng cho đi mà không lấy lại, trao ban mà không bao giờ mong đền đáp.
Hôm nay, thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta lại được chiêm ngắm một tình yêu cao sâu như thế nhưng được thể hiện nơi con người là Đức Giê-su thành Nagiaret. Một tình yêu sáng tạo đến mức độ tận hiến chính thân mình làm của ăn của uống cho người mình yêu. Một tình yêu rút ruột để làm nên bí tích nhiệm màu là Thánh Thể yêu thương. Một tình yêu không nói bằng lời mà bằng chính hành vi trao ban máu thịt mình nên của ăn nuôi dưỡng đàn chiên.
Chúa Giê-su khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã làm cử chỉ thật cảm động khi quỳ gối rửa chân cho các môn đệ. Điều này như muốn nói Thánh Thể là đỉnh cao của tận hiến hy sinh, của phục vụ quên mình. Việc rửa chân là nhịp cầu không thể thiếu để dẫn tới việc cử hành Thánh Thể. Trước khi cử hành Thánh Thể cần phải thể hiện tinh thân phục vụ hy sinh qua hành vi khiêm tốn như một người tôi tớ phục vụ chủ mình. Vì Thánh Thể là tình yêu tự hiến quên mình cũng cần được thể hiện cụ thể rõ nét trong đời sống đời thường khi hết mình phục vụ tha nhân. Cũng vậy, việc sống đạo, giữ đạo không chỉ dừng lại ở nhà thờ quanh bàn tiệc thánh mà còn phải thể hiện qua việc dấn thân xây dựng xã hội công bằng, bác ái, hiệp nhất, yêu thương.
Khi ĐHY Jorge Mario Bergoglio được bầu chọn làm giáo hoàng, Ngài đã lấy tên gọi là Phanxicô . Chúng ta biết thánh Phanxicô Assisi của thế kỷ 13 là một con người sống cho người nghèo và dấn thân vì người nghèo. Thánh nhân đã muốn “xây dựng lại Giáo Hội Công Giáo với những viên đã sống động là những người nghèo”. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô cũng đã từng sống như vậy và với những gì Ngài đã thể hiện, có lẽ Ngài sẽ tiếp tục dấn thân cho người nghèo trong cương vị chủ chăn hoàn vũ. Ngài cũng đã từng “sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của giám mục.
Dù là Hồng Y, ngài thường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, và tự mình nấu ăn cho mình.”
Hôm nay, cũng là ngày cầu cho các linh mục, chúng ta cầu xin Chúa cho Giáo hội có nhiều linh mục như lòng Chúa mong ước. Cầu xin Chúa cho có nhiều linh mục biết đến để phục vụ chứ không để người khác phục vụ. Cầu xin Chúa cho có nhiều linh mục sống cho người nghèo và vì người nghèo chứ không sống trong nhung lụa mà gạt bỏ người nghèo. Cầu xin Chúa cho có nhiều linh mục biết cử hành việc phục vụ Chúa nơi các đền thờ tâm hồn con người chứ không dừng lại nơi bàn thờ hiến lễ trong nhà thờ. Cầu xin cho có nhiều linh mục biết cúi mình phục vụ chứ không cao ngạo kiêu căng. Chớ gì các linh mục luôn là hiện thân của tình mục tử sẵn sàng hiến thân vì đàn chiên.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã cúi mình phục vụ xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn để phục vụ nhau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền