Hồi còn ở xứ đạo nhỏ và nghèo miền Tây sông nước, hoạt cảnh Giáng Sinh xem chừng ra hấp dẫn hơn bởi tài diễn xuất của một vài bạn nhỏ.
Hoạt cảnh Giáng Sinh sẽ không trọn vẹn nếu như không có cảnh Giuse và Maria đi tìm chỗ trọ để chờ ngày sinh hạ con trai đầu lòng. Và trong hoạt cảnh ở vùng quê đó, chủ nhà trọ và những tên đầy tớ có vẻ nhập vai nhất khi ra lệnh đuổi Giuse và Maria.
Hình ảnh của chủ nhà trọ làm cho người xem thấy quả đúng là một ông chủ thật sự với quyền uy trong tay. Kèm theo đó là thái độ cũng như giọng nói khinh khi phát đi từ chủ quán trọ.
Ông chủ quán trọ ấy cứ gợi đi gợi lại mãi trong tâm trí của tôi cho đến tận bây giờ.
Mùa Giáng Sinh đang về, nhiều nơi cũng đang tập dợt để cố làm sao chuyển tải câu chuyện Giáng Sinh một cách hay nhất đến với mọi người. Sở hữu được những vai diễn nhập vai trong hoạt cảnh không phải là đơn giản. Hay nói cho cùng là có khả năng cũng như có khiếu mới lột tả được vai diễn của mình cũng như để cho câu chuyện Giáng Sinh càng thêm hấp dẫn.
Đúng như lời Chúa nói : “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.
Thật vậy, nếu như biết được Ngôi Lời đến nhà mình, chắc có lẽ chủ quán trọ sẽ không khước từ và ngược lại sẽ để dành cho khách trọ 1 phòng VIP. Tiếc thay không ai nhận ra cha mẹ của trẻ bé sắp sinh ra cũng như không nhận ra trẻ đang ở trong dạ mẹ là con Thiên Chúa.
Hình ảnh của chủ quán trọ làm cho ta suy nghĩ nhiều.
Ta thấy Thánh Gia phải tìm một nơi khác làm chỗ để Chúa Giêsu được sinh ra, nhưng về phương diện thiêng liêng, hình ảnh đơn giản này lại thúc đẩy chúng ta phải dọn chỗ cho Chúa Giêsu trong tâm hồn mình.
Đây là một suy niệm thiêng liêng đơn giản để suy gẫm trong Mùa Vọng, nhưng đó lại là một chủ đề quan trọng. Chúa Giêsu đến với chúng ta và muốn mang lại sự bình an của Người cho tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường từ chối sự bình an đó và thích sống trong lo lắng của chính mình hơn. Chúng ta xua đuổi Thánh Gia, và buộc các ngài phải tìm đến một người khác để trú ngụ bên trong.
Chúng ta dễ dàng xua đuổi vì trong lòng của ta chất đầy những ngổn ngang của cuộc đời. Chúng ta bám víu vào vật chất, danh vọng, dục tình, quyền lực để rồi chúng ta chất đầy những thứ ấy trong căn nhà của chúng ta. Và như vậy, ta tìm đâu ra chỗ để cho Thánh Gia vào trú ngụ trong nhà của ta nữa.
Có một thực tế thật phủ phàng là ngay cả khi chúng ta không đón nhận Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hiện diện như mặt trời luôn luôn chiếu sáng. Ngài cũng không cưỡng ép hay đẩy cửa để bước vào, nhưng để con người tự quyết định. Câu ‘Người đã đến nhà mình’ nói lên sự thật trần gian là nhà của Thiên Chúa. Nhân loại nhờ Người mới được hiện hữu. Con người là ‘người nhà’ nên thuộc sở hữu của Đấng tạo thành. Vì vậy, con người cần khiêm nhường đón nhận Ngài.
Ta phải đón nhận bằng đức tin. Tin là một quyết định tự do của con người. Nhờ đức tin, con người trở nên con Thiên Chúa “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Tương quan cha con là một dây liên kết rất thân tình. Là con Thiên Chúa, ta được thông dự vào sự sống của Cha trên trời. Sự sống này không theo qui luật tự nhiên, không do khí huyết, không do ước muốn của nhục thể, nhưng do Thiên Chúa (x.Ga 1,13). Có được sự sống này hay không tùy thuộc niềm tin mỗi người đặt nơi Đức Giê-su. Tin ai, ta sẽ gắn bó với người ấy. Đây cũng là thái độ căn bản cần có của ta đối với Đức Giê-su. Cánh cửa không có ổ khóa chính là tâm hồn tôi. Mở cửa để Đức Giê-su đi vào là chấp nhận từ bỏ tính hẹp hòi, tư lợi cá nhân, thay đổi lối sống hình thức, háo danh để sống chân thành hơn. Tôi có dám mở cửa ra không?
Ước gì mỗi chúng ta sẽ chú ý đến tinh thần của mùa phụng vụ này, để Chúa Giêsu có thể đến viếng thăm chúng ta và tìm ra chỗ để chào đời.
Và khi Chúa chúng ta đến, họ có thể hy vọng rằng Người sẽ không đi ngang qua họ, nhưng Người sẽ bước vào và cư ngụ bên trong họ, vì Người đã nói về tất cả những điều đó khi phán những lời này: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3, 20)
Lm. Anmai, CSsR