Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 21 Tháng 12 2021 20:56

Mùa Giáng Sinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  MÙA GIÁNG SINH

TMĐP- Bước vào mùa Giáng Sinh, chúng ta xin Chúa tâm hồn đơn sơ, nghèo khó của anh em mục đồng, lòng khao khát Chân Lý của các nhà chiêm tinh, tinh thần phục vụ âm thầm, xóa mình của thánh Giuse, và trái tim khiêm hạ, vâng phục, luôn luôn và mãi mãi nồng nàn yêu mến Đức Giêsu của Đức Mẹ.

Trong suốt Mùa Giáng Sinh kéo dài ba tuần lễ, người Kitô hữu được mời gọi đi vào Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời: “Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng tôi”.

Các ngày lễ của Mùa Giáng Sinh giúp các tín hữu nhận ra và sống Mầu Nhiệm Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người. Nói cách khác, nơi Ngôi Lời nhập thể, hai bản tính Thiên Chúa và Nhân Loại cùng có mặt.

Thực vậy, lễ Giáng Sinh đã chỉ được chính thức thiết lập vào thế kỷ thứ tư, khi Công Đồng Nicée tuyên tín: “Đức Giêsu là con người thật, và là Thiên Chúa thật được sinh ra bởi Thiên Chúa thật”.

Là con người thật, Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình. Vì thế lễ Thánh Gia đã được mừng vào chúa nhật tiếp liền sau lễ Giáng Sinh từ năm 1921. Lễ này nhắc nhớ người tín hữu thực tại nhân loại của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người: Ngài sinh ra vào một thời điểm chính xác của lịch sử nhân loại, ở vào một không gian và hoàn cảnh được đánh dấu bởi biến cố “hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện dưới thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,1-7).

Bên cạnh biến cố “kiểm tra dân số ” còn một biến cố đẫm máu các hài nhi do lòng ác độc của Hêrôđê, vị vua Do Thái chư hầu do đế quốc Rôma đặt lên. Ông này khi nghe tin “Vua dân Do Thái mới sinh ra” từ ba nhà chiêm tinh đã bối rối, lo âu cho ngai vàng của mình và khi các vị không trở lại Giêrusalem để gặp ông sau khi đã gặp được Hài Nhi Giêsu ở Bêlem, ông “thấy mình bị lừa”, vì ba nhà chiêm tinh không rơi vào cạm bẫy thâm độc của ông, vì “họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2,12) “thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh”(Mt 2,16). Vì thế, chúng ta có lễ kính “Các Thánh Anh Hài” là những hài nhi vô tội đã bị sát hại bởi vua Hêrôđê.

Ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, được tôn kính như Gương Mẫu của mọi người Kitô hữu do tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ của người nữ tỳ hèn mọn luôn sẵn sàng trước Thiên Chúa và trung tín, kiên tâm thực thi Thánh Ý Ngài. Là Mẹ Thiên Chúa, vì Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đã được sinh ra bởi một người nữ là Đức Maria. Ngài là Mẹ Đức Giêsu và là Mẹ của nhân loại, vì Mẹ là Evà mới của “nhân loại mới” được Đức Giêsu cứu chuộc.

Tiếp theo là lễ Hiển Linh được dịch từ chữ “Epiphanie” tiếng Hy Lạp có nghiã là “tỏ ra”. Hiển Linh bao gồm việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, tỏ ra thiên tính của Ngài cho nhân loại, tỏ ra cho mọi người thấy “Thiên Chúa ở giữa loài người” và tỏ ra vinh quang của Ngài trước muôn dân.

Thiên Chúa “tỏ mình ra” cho các mục đồng khi sinh ra ở chuồng chiên lừa Bêlem; “tỏ mình ra” cho ba nhà chiêm tinh từ các nước xa xôi đến thờ lậy khi cho “ngôi sao Giáng Sinh” hướng dẫn họ; “tỏ mình ra” cho dân chúng khi chịu phép rửa ở sông Giôđan.

Ngài tỏ mình là Đấng Cứu Độ như lời thiên thần nói với những người canh giữ chiên ở cánh đồng Bẹlem trong đêm Giáng Sinh: “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,11); Ngài tỏ mình ra là Ánh Sáng soi đường và ơn Cứu Độ cho muôn dân (x. Lc 2, 30-32); Ngài tỏ mình là Con Thiên Chúa, khi “chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra … Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).

Như thế, các lễ mừng trong mùa Giáng Sinh vừa nói lên mầu nhiệm Nhập Thể làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa, vừa kêu gọi người Kitô hữu dấn thân sống mầu nhiệm con cái Thiên Chúa giữa mọi người, trong lòng thế giới hôm nay bằng khao khát sự thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng đổi mới mọi sự và làm cho những qủa tim bằng đá trở nên những trái tim bằng thịt; Đấng đặt trong cuộc đời người môn đệ Ánh Sáng Cứu Độ của Đức Giêsu; Đấng biến chuồng chiên tanh hôi, nhơ nhớp thành Đền Thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa, Nhà của Thiên Chúa giữa nhân loại, và chọn những “mong manh, dễ vỡ, bé nhỏ, hèn mọn” của thân phận người để bày tỏ quyền năng và vinh quang vô cùng của Thiên Chúa.

Bước vào mùa Giáng Sinh, chúng ta xin Chúa tâm hồn đơn sơ, nghèo khó của anh em mục đồng, lòng khao khát Chân Lý của các nhà chiêm tinh, tinh thần phục vụ âm thầm, xóa mình của thánh Giuse, và trái tim khiêm hạ, vâng phục, luôn luôn và mãi mãi nồng nàn yêu mến Đức Giêsu của Đức Mẹ.

Ước gì mùa Giáng Sinh là mùa Hồng Ân cho mọi người, mọi gia đình, và muôn dân muôn nước, như lời chúc của các thiên thần trong đêm hồng phúc: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình An duới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14).

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/mua-giang-sinh/

Read 418 times Last modified on Thứ tư, 22 Tháng 12 2021 12:36