Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 21 Tháng 1 2022 07:55

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Thường Niên Năm C

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA CHÚA NHẬT THỨ 3 MÙA THƯỜNG NIÊN-NĂM C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".


Suy niệm


Mỗi ngày, từ lúc ánh mặt trời bắt đầu ló dạng cho tới lúc nó chìm xuống phía tây, biết bao nhiêu câu chuyện xảy ra trên mặt đất, trong cuộc đời của mỗi người. mỗi câu chuyện, mỗi biến cố có những khó khăn, thăng trầm nhất định của nó, thế nhưng, tất cả đều có thể được giải quyết nếu con người có một niềm tin thực sự vào chính mình, đặc biệt niềm tin đó hướng về một Thiên Chúa. Bên cạnh đó, con người cần có những góc nhìn về bản thân cách khách quan, góc nhìn đó không dừng lại nơi thái độ sống, nhưng cần đi vào chiều sâu nội tâm, để thấy được mọi câu chuyện, mọi biến cố đến từ thiên tai hay nhân tai. Khi niềm tin đủ lớn và đủ mạnh, ánh sáng Lời Chúa mỗi ngày, sẽ giúp con người tìm thấy những phương thế để gỡ hết mọi âu lo, mọi trăn trở trong từng biến cố, từng câu chuyện cuộc đời.


Trở lại với hành trình của một dân tộc có tên gọi là dân riêng của Thiên Chúa, dù được chọn và được chăm sóc rất đặc biệt, họ cũng không thiếu những lần đánh mất niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu, vì thế, họ phải chấp nhận những ngày tháng lưu lạc nơi đất khách Ba-by-lon. Sau đó, họ được trở về trong niềm hân hoan, việc thờ phượng đối với họ không thể thiếu được, nhưng đền thờ không còn nữa, các nghi lễ cũng bị quên lãng. Trước những khó khăn về việc phụng tự, tư tế Esd-ras đã đứng lên kêu gọi toàn dân hãy mạnh dạn để tái thiết đền thờ, cùng nhau dâng lễ đền tội và cầu xin bình an: “Nơ-khê-mia là tổng trấn, Es-dras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: "Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc". Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: "Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!". Thảm kịch đó đến từ sự xao nhãng trong niềm tin, trong đời sống tôn giáo, vì thế, các tư tế kêu gọi họ hãy trở lại với chính mình, nhìn nhận sự yếu đuối, cố gắng đổi thay mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, nếu có được những yếu tố đó, Thiên Chúa sẽ chăm sóc, sẽ bảo vệ và đồng hành với họ mỗi ngày.


Trước sự non trẻ của các cộng đoàn Giáo hội mới được thành lập, thánh Phaolo luôn nhắc nhở họ đừng sống theo kiểu thế gian như ganh tị, ích kỷ hay kiêu căng, nhưng luôn biết tôn trọng lẫn nhau trong tình huynh đệ cộng đoàn. Giáo hội tại thành Cô-rin-tô đang bị khủng hoảng do sự ganh tị, hiềm khích lẫn nhau trong đời sống tôn giáo, thánh nhân đã nhắc họ nhớ rằng có Chúa Thánh Thần hiện diện giữa cộng đoàn, sự lớn mạnh và trưởng thành của cộng đoàn là do niềm tin và thái độ sống: “Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: "Ta không cần mi". Ðầu cũng không thể nói với chân: "Ta không cần các ngươi". Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau”. Sự lớn mạnh của cộng đoàn được quyết định từ mỗi thành viên, sự trưởng thành của mỗi thành viên đều do ý thức và niềm tin quyết định. Ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa luôn là một động lực, một nguồn sống phong phú giúp mỗi người lớn mạnh trong niềm tin và thái độ sống hàng ngày, cũng như ảnh hưởng rất nhiều tới sự trưởng thành của cộng đoàn giáo hội địa phương.


Sinh ra và lớn lên trong một cộng đoàn dân thánh, Đức Giesu đã được hướng dẫn tham dự mọi sinh hoạt tôn giáo giữa cộng đoàn, dù đến ngày ra đi thực hiện công việc của Cha trên trời, Ngài không quên bổn phận làm con giữa cộng đoàn. Một giờ cầu nguyện trong hội đường theo lời kể của thánh Luca, đầy tính linh thánh. Cùng đọc sách thánh, cùng cầu nguyện với nhau, cùng nghe giải thích Lời Chúa, chính là nguồn sống của niềm tin, nguồn sức mạnh của đời sống cộng đoàn và là động lực giúp mỗi người trưởng thành trong niềm tin: “Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng". Qua lời kể của tiên tri I-sa-i-a, Đức Giesu gợi nhắc cho mỗi người về bổn phận của mình, hãy để cho sức mạnh của Lời Chúa hôm nay hướng dẫn họ, đồng hành với họ, và đó cũng một lần Ngài hé lộ sứ mạng của Ngài khi bước vào lịch sử nhân loại.


Cách kể chuyện tài tình của thánh Luca đưa người nghe thấy được tầm quan trọng của Lời Chúa hàng ngày. Hôm nay, ứng nghiệm lời các ngươi vừa nghe. Hôm nay chứ không là hôm qua, cũng không là ngày mai, nhưng là ngay lúc này, ngay hiện tại, Lời Chúa cần phải được thực thi, Lời Chúa cần phải được áp dụng vào đời sống con người. Hôm nay ơn cứu độ đến với nhà này ; hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta. Đức Giesu mong muốn sức mạnh và ánh sáng của Lời Chúa luôn là kim chỉ nam cho cuộc đời mỗi người, luôn là động lực giúp họ vượt qua những thách đố giữa cuộc sống trần thế và cũng là ánh sáng dọi chiếu giúp họ tìm thấy con đường về trời trong tương lai. Sự cần thiết của Lời Chúa hôm nay như một thứ lương thực tinh thần không thể thiếu cho người tín hữu. Âm thanh quảng cáo, tiếng ồn ào của xã hội vật chất, những mỹ từ của những hình thức bên ngoài đang lấn át sức mạnh của tiếng Chúa từ lương tâm mỗi người. Vì thế, Mẹ Giáo hội đang mời gọi con cái hãy trở về nguồn, trở về với căn tính của người tín hữu Kito, sống hiệp thông, đồng hành với nhau, chia sẻ mọi thăng trầm và cùng nhau xây dựng Giáo hội của Thiên Chúa tại trần thế.


Thiên Chúa mong muốn lời của Ngài được thẩm thấu vào cuộc đời con người, vào tới điểm cuối cùng của tâm hồn. Có đi vào tới đó, Lời Chúa mới có thể giúp con người phản tỉnh chính mình. Lời Chúa không là một bản tin hàng ngày, nhưng đó là lời Thiên Chúa đang nói với tôi về phút giây hiện tại, về bổn phận hiện tại và trách vụ của mình đang được quan tâm như thế nào. Lời của Chúa có đi vào chiều sâu nội tâm bản thân, con người mới có thể dễ dàng nhận thấy sự khiếm khuyết của mình cùng những gì đang thiếu sót với Thiên Chúa, với tha nhân. Có nhận định được sự thẩm thấu của Lời Chúa, con người sẽ không để cho hấp lực của cuộc sống đè bẹp sức mạnh nội tâm của Lời Chúa cũng như ước mong của Ngài trong cuộc đời. Sức mạnh của Lời Chúa còn giúp bản thân sớm nhận ra chính mình đang sống trong tình trạng tự do hay đang là nô lệ cho một thế lực, một thói quen, một hành động thường ngày mà bản thân cho đó là điều hay lẽ phải. Khi Lời Chúa đi vào trong tâm hồn thực sự, sẽ giúp con người nhận ra được những chiếc vòng kim cô đang trói buộc lương tâm, trói buộc niềm tin và trói buộc những hành động nhân văn của con người. Hôm nay và mỗi ngày, Lời Chúa cần được cụ thể hóa, cần được hiện tại hóa cho mỗi người, từ đây, cuộc đời người tín hữu mới thực sự sống cho, sống cùng và sống với Thiên Chúa và tha nhân.


Lạy Chúa Giesu, ước mong của Chúa khi bước vào ngôi nhà nhân loại là làm cho ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa lòng mến và ngọn lửa niềm tin bừng cháy, xin cho ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa đi sâu vào tâm hồn, vào từng hơi thở và những hành động của chúng con hàng ngày, để cuộc đời của chúng con là những nhịp cầu ngoại biên, cho Chúa ghé thăm từng nhà, đi qua từng lối xóm trong cộng đoàn. Chúa mong cho Lời của Ngài trở thành ánh sáng soi lối đưa đường cho con người khỏi lầm lạc, trở thành sức mạnh cho con người vượt qua những cạm bẩy của thế gian, xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa trong niềm tin và lòng mến, để cho Ngài được lớn lên trong con từng ngày. Amen.


Lm Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 713 times Last modified on Thứ bảy, 22 Tháng 1 2022 11:41