29.1.2022
Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mùa Quanh Năm
2 Sm 12:1-7,10-17; Tv 51:12-13,14-15,16-17; Mc 4:35-41
Sóng gió cuộc đời
Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ, như được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ có ý nghĩa địa lý: di chuyển từ nơi này sang nơi nọ, cũng như sóng gió nổi lên không chỉ mang ý nghĩa về khí tượng thuần tuý; nhưng các biến cố đó còn mang ý nghĩa thần học nữa. Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ miền đất Israel để đi sang phía dân ngoại, điều đó mang ý nghĩa truyền giáo; sóng gió nổi lên tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ.
Tin Mừng Máccô theo một cái khung quen thuộc để kể truyện này: một trở ngại phải vượt qua (một trận cuồng phong trên biển), hành động quyền năng của Chúa Giêsu (lệnh truyền im lặng), và sự xác nhận (sự yên lặng hoàn toàn và nỗi sợ hãi của các môn đệ). Bối cảnh của câu truyện này rất có thể là quan niệm cổ xưa của Cận Đông về biển: đây là biểu tượng của những quyền lực của hỗn mang và sự dữ đấu tranh chống lại Thiên Chúa. Các độc giả đầu tiên của Mc nắm được ý nghĩa của biểu tượng này đến mức nào, thì khó mà biết. Nhưng chắc chắn câu hỏi của các môn đệ (“người này là ai?”) cho thấy là tác giả muốn nhấn mạnh trên chân tính của Chúa Giêsu. Câu hỏi ấy trở thành một lời tung hô mặc nhiên mang tính Kitô học nhìn nhận bản tính thần linh của Chúa Giêsu, bởi vì Người làm được những việc Thiên Chúa làm.
Sáng kiến vượt hồ là sáng kiến của Chúa Giêsu. Các môn đệ luôn thinh lặng bước theo Người và tận tình thực hiện những việc Người đề nghị. Chúa Giêsu luôn tỏ ra là chủ, nắm vững mọi hướng đi.
Nguy hiểm được mô tả bằng các chi tiết về sóng to gió lớn. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tỏ ra là chúa tể, làm chủ tình hình: Người ngủ. Bình thường các môn đệ chờ đợi Chúa Giêsu phản ứng và dạy bảo rồi mới làm theo; nhưng ở đây, thấy bão táp quá nguy hiểm, các ông bị chao đảo trong đức tin, các ông đã phản ứng trước Thầy, các ông thúc bách Thầy bằng giọng hốt hoảng và trách móc. Người đã trỗi dậy, dẹp yên sóng gió. Ở đây, bão và biển được truyền lệnh như những sinh vật; chúng được yêu cầu “im đi!”, “câm mõm lại!”. Quả thật, từ vựng của bản văn là từ vựng của một truyện trừ quỷ.
Tuy nhiên, như trình thuật Tin Mừng cho thấy, lúc đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong cái chết đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi đó các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được người mà họ coi như kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức dậy, nghĩa là Ngài đã phục sinh, và sự Phục Sinh của Ngài loan báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của ma quỷ và sự dữ cũng như của bất cứ thế lực nào chống đối Giáo Hội.
Hình ảnh con thuyền trong đó các môn đệ sống chung với Chúa Giêsu là biểu tượng cho cộng đoàn gồm những môn đệ hôm nay vẫn đang muốn bước theo Người. Đó chính là một cuộc “cộng đồng sinh mệnh”, sống chết có nhau. Phản ứng của các môn đệ trong biến cố này là một tấm gương và một lời nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô hữu là đừng rơi vào một thái độ không tin như thế. Nếu chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, thì không có hoàn cảnh nào có thể tiêu diệt chúng ta, bởi vì không có hoàn cảnh nào mà Người không chế ngự được.
Ðời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Ðiều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.
Lời mời gọi “Hãy sang bờ bên kia” có nhiều ý nghĩa đối với chúng ta. Với Giáo Hội, “bờ bên kia” mang ý nghĩa là những người hiện giờ không ở trong cộng đoàn chúng ta, họ đang ở “bờ bên kia”, có thể họ là những người vừa di chuyển đến trong xã hội chúng ta, những người “bên phía kia”, là người cao niên, người tàn tật, người bệnh chờ chết, hay người di dân vì chiến tranh trong trại di cư… Đức giáo hoàng Phanxicô dạy trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đồng phải phân định đường đi nước bước mà Chúa vạch ra, nhưng tất cả chúng ta đều được yêu cầu vâng theo tiếng gọi của Người là ra đi khỏi khu vực tiện nghi của mình để đến mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (s. 20)
Lời Chúa Giêsu trách các môn đệ: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” rất đúng cho chúng ta là những người đã biết Chúa Giêsu từ lâu, đã sống với Người, đã được chứng kiến biết bao nhiêu việc kỳ diệu Người làm trong đời sống chúng ta, mà vẫn không biết phản ứng hay lấy những quyết định tương hợp với kinh nghiệm ấy. Nhận biết đúng đắn chân tính của Chúa Giêsu thì sẽ có một thái độ đúng đắn đối với bản thân Người.
Tin Mừng vừa cho thấy tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ vừa diễn tả lộ trình các môn đệ khám phá ra mầu nhiệm Chúa Giêsu: họ bước theo Người, họ chứng kiến các biến cố trong đó Người can thiệp, họ khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Chi tiết “có những thuyền khác cùng theo” chỉ được nêu ra ở câu đầu, rồi sau đó cho đến cuối, không xuất hiện nữa.
Ước gì chúng ta luôn có được xác tín của thánh Phaolô Tông đồ: Thiên Chúa không để chúng ta bị thử thách quá sức chịu đựng, Ngài sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Ngài.
Huệ Minh