“Phép Vua – thua lệ làng !” – rất có thể đây là sự liên tưởng hoặc cảm xúc của nhiều độc giả khi đọc xong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Sự liên tưởng hoặc cảm xúc này hẳn có lý do của nó, ấy là vì câu trả lời quá xác đáng của Chúa Giêsu trước lời trách cứ của các Pharisêu và kinh sư về việc môn đệ Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa.
Tin mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Đối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch, để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng Thánh.
Quả thật đây là điều tốt, nhưng người biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
Nhưng thật ra, sứ điệp quan thiết nhất cho bạn, cho tôi, cho anh chị và cho chúng ta hôm nay lại nằm ở câu trích sách Isaia mà Chúa Giêsu dùng lại: dân này tôn kính Ta bằng môi miệng. Lời này vừa như để tố cáo cách khôn ngoan mà thẳng thắn những kẻ tự cho mình là công chính qua việc giữ luật thật tỉ mỉ ; mà cũng vừa như thể trách móc dân chúng và những ai đã nhẹ dạ cả tin đi theo thói đạo đức giả của những người lãnh đạo thiếu hẳn một tấm chân tình và lòng kính sợ Thiên Chúa thật sự.
Thành ra, dù muốn dù không, cho đến lúc này Lời Chúa Giêsu vẫn âm vọng đâu đó trong tâm trong trí ta, thư thể Ngài đang thì thầm trong ta: con tôn kính Ta bằng môi miệng ; con bỏ giới răn của Ta để giữ truyền thống của các con; ...
Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả … thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả….Những thứ ấy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mân, quả, hoa, nến, nhang, đèn giả…mức độ “giả” còn tinh vi nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu: trông thật hóa “dỏm”; trông xịn hoá “xoàng”. Vì thế mới có kẻ dở khóc dở cưòi.
Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách (Mt 23,13-29). Và thánh Gioan đã lật tẩy:
“Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Gioan 2,4);
“Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, ngưòi ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu ngưòi anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ trông thấy” (1 Ga 4,20)
Âm vọng đó có thể khiến ta tránh né hoặc dừng lại để biện hộ. Tránh né bởi chuyện lòng ta xa Chúa đã quá rõ ràng. Nếu ta đã từng rất siêng đi lễ, đọc kinh sốt sắng nhưng không thể tha thứ cho người anh chị em xúc phạm đến ta ; đã từng cảm thấy vô cùng xấu hổ và mất mặt vì người con gái trong gia đình ta lỡ mang thai ngoài hôn nhân nên đã phá thai để che chắn; đã từng hy sinh thời gian và công sức để giảng dạy rất hay về giáo lý, về Lời Chúa, nhưng đời sống ta lại không làm chứng nổi cho những lời ấy ; ....
Biện hộ vì dường như ta đã dễ dàng để ma quỷ hạ gục, dễ dàng để ma quỷ điều khiển với những lý lẽ quá ỷ lại vào lòng xót thương và quyền năng của Chúa như: Chúa biết hoàn cảnh của con, xin Chúa thông cảm cho con ; Chúa khoan dung vô cùng, Chúa sẽ tha thứ cho con; ... nhằm xoa dịu lương tâm rồi cứ vô tư làm điều mình muốn, bất chấp những giới răn của Chúa.
Càng thành tâm để Lời Chúa soi chiếu vào mọi ngõ ngách đời mình, ta sẽ nhận ra mình đã ít nhiều thiếu hẳn một tấm lòng dành cho Chúa trong mọi chọn lựa sống đạo, trong các nỗ lực thi hành giới răn Chúa, trong những giờ dành cho Chúa, ... Sự thiếu vắng ngày khiến cho các việc ta làm thiếu đi ý nghĩa của nó. Dĩ nhiên là chỉ khi nào ta dành cho Chúa trọn cả tấm lòng, trọn cả mối tình, thì các hành động của ta mới mang chở đầy đủ ý nghĩa của nó, nhờ thế, ta mới có thể lớn lên trong ơn thánh, mới có thể dấn bước mà chạm đến ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho mỗi người. Tắt một lời, khi nào sống với Chúa trọn tình, ta mới đạt vẹn nghĩa làm con.
Ngày nay thật đáng lo ngại là cho sự khủng hoảng đạo lý nơi nhiều gia đình. Có những người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những đứa con coi vật chất là trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão mà quên rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, và cầu nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời.
Đã hẳn chẳng ai trong chúng ta muốn thất nghĩa hoặc bất hiếu với Chúa. Vì thế, đây là lúc thuận tiện để tôi, bạn và anh chị, ta cùng mời Chúa Giêsu đến và ngoan ngoãn để Người vẽ bày cho ta cách sống trọn tình vẹn nghĩa với Người.
Huệ Minh