Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 22 Tháng 2 2022 20:03

Hiệu ứng Giêsu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Hiệu ứng Giêsu

23.4 Thứ Tư

Thánh Polycarp, Gmtđ

Gc 4:13-17; Tv 49:14-15,15-16,17-18,19-20; Mc 9:38-40

 HIỆU ỨNG GIÊSU

          Là môn đê của Thánh Gioan Tông Đồ và là bạn của Thánh Ignatiô ở Antioch, Thánh Polycarp, Giám Mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), là một vị lãnh đạo đáng kính của Kitô Giáo trong tiền bán thế kỷ thứ hai.

           Tuy nhiên các vị lãnh đạo Giáo Hội thuộc thế hệ thứ hai đã gặp những thử thách mà thế hệ trước không đề cập đến. Họ phải làm gì khi thế hệ chứng nhân thứ nhất ấy không còn nữa? Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào? Phải trả lời thế nào với các câu hỏi chưa từng có?

           Khi các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy trang chính giáo, sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về vấn đề phụng vụ.

           Polycarp, một người thánh thiện và là giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu trả lời - trung thành với đời sống Đức Giêsu và bắt chước đời sống ấy. Thánh Ignatiô nói với Thánh Polycarp "linh đạo của anh đặt nền móng nơi Thiên Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi."

           Khi đối diện với lạc giáo, Thánh Polycarp có "bộ mặt bộc trực" đến nỗi Thánh Ignatiô phải thán phục, vì ngài đã bắt chước cách Đức Giêsu trả lời người Pharisêu. Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên, khi đối chất với Đức Polycarp đã yêu cầu ngài thừa nhận họ, "Polycarp, hãy thừa nhận chúng tôi." Đức Polycarp trả lời, "Tôi thừa nhận ngài, phải, tôi thừa nhận ngài là đứa con của Satan."

           Thánh Polycarp đối diện với sự bách hại cũng như Đức Kitô đã làm. Chính giáo đoàn của ngài phải thán phục ngài vì đã theo sát "gương phúc âm" - không tìm cách để tử đạo như một số người đã làm, nhưng trốn tránh sự bách hại cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Đức Giêsu Kitô đã làm. Họ coi đó là "một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu."

           Trong thời kỳ đẫm máu tử đạo Kitô Hữu trong đấu trường, dân chúng trở nên điên cuồng đòi phải tìm bắt Thánh Polycarp, vì ngài nổi tiếng thánh thiện. Ngài thật điềm tĩnh nhưng giáo dân thúc giục ngài đi trốn trong nông trại gần thành phố. Quân lính tìm ra ngài sau khi tra khảo hai đứa bé. Ngài thết đãi họ ăn và xin họ để ngài cầu nguyện trước khi điệu về đấu trường.

Thấy đức tin vững vàng không lay chuyển của Thánh Polycarp, quan thống đốc ra lệnh thiêu sống, và khi quân lính châm lửa, nhiều người chứng kể lại họ được nhìn thấy một phép lạ. Lửa cháy thành một vòng cung chung quanh thánh nhân, bao bọc ngài như các cánh buồm, và thay vì bị đốt cháy, ngài lại rực sáng như vàng đang chảy trong lò lửa. Khi quân lính thấy ngài không hề hấn gì, chúng đã lấy dao đâm ngài. Máu ngài chảy ra đã dập tắt ngọn lửa.

          Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông sợ họ sẽ thờ Thánh Polycarp mà không thờ tà thần của người Rôma. "Chứng từ" tử đạo của Thánh Polycarp là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Ngài chết vào khoảng năm 156.

          Trong nhiều lá thư của Thánh Polycarp, chỉ còn một lá ngài viết cho Giáo Hội Philippi, Macedonia là còn giữ được cho đến ngày nay.

          Trong hành trình đào luyện các tông đồ, Đức Giêsu đã từng bước thổi vào nhóm mười hai một hiệu ứng tinh thần Giêsu, khi Ngài nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

           Quả vậy, trẻ thơ đại diện cho thành phần thấp kém trong xã hội thời đó, bởi chúng không thể giúp được ai thăng tiến trong sự nghiệp hoặc tăng thêm uy tín, chúng là thành phần suốt ngày phải để mắt trông coi kẻo gây phiền phức. Thế nhưng khi làm với hiệu ứng Giêsu, thì hiệu ứng được nhân lên theo cấp số nhân vì “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

           Trang Tin mừng lại tiếp tục triển khai ý tưởng hiệu ứng Giêsu, khi thánh sử Marcô đã khéo léo đặt câu truyện tông đồ Gioan thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”

           Chúa Giêsu đã không khen Gioan, trái lại, theo logic của hiệu ứng Ngài đã nói: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.”

           Ngài đang cổ võ cho hiệu ứng Giêsu được nhân ra. Nhân danh Đức Giêsu không để trục lợi, nhưng để nhân rộng trái tim và đôi tay Đức Giêsu hiển nhiên đó là điều Đức Giêsu mong muốn.

           Trong chuyến tông du Sri Lanka và Philippines của đức thánh cha phanxicô, từ 15-19/01/2015. Đức Hồng Y Antonio Gokim Tagle - TGM Manila dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô, bài diễn văn từ biệt đầy cảm hứng khi ngài nói: “Ngày mai ĐTC sẽ ra đi. Mọi người Phi Luật Tân cũng muốn đi theo ĐTC - không phải đến Rome - nhưng là đến những vùng ngoại vi, đến những khu ổ chuột, những nhà tù, bệnh viện, đến tới thế giới chính trị, tài chính, nghệ thuật, khoa học, văn hóa, giáo dục và truyền thông xã hội. Chúng con sẽ đi đến thế giới để mang tới ánh sáng của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là trung tâm của chuyến thăm mục vụ của ĐTC và là nền tảng của Giáo Hội. Chúng Con sẽ đi tới những nơi mà ánh sáng của Chúa Giê-su đang cần thiết ở đó. Vâng Hiệu ứng Giêsu; Hiệu ứng Phanxicô, đang được nhân ra nơi mỗi người kitô hữu.

          Hẳn ta còn nhớ thánh Giacôbê ngỏ lời với những người có lối sống tìm kiếm của cải vật chất hơn là Nước Trời, cách riêng, ngài sẽ nói cho các nhà doanh thương từ thời lưu đày ở Babylon, một số người Do Thái đã trở nên những nhà doanh thương quốc tế chuyên nghiệp: “Bây giờ, hãy nghe tôi, những kẻ nói: Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành nọ thành kia sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời”. Thánh Giacôbê không lên án nghề nghiệp của họ, nhưng ngài mang đến  cho những Kitô hữu, một soi chiếu đức tin trong nghề nghiệp của họ. Qua sự kiểm điểm đời sống cho các thương  gia, thánh nhân mời gọi mọi Kitô hữu phải suy nghĩ về cuộc sống nghề nghiệp của mình. Ngài kết luật: “Vậy kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội”. Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta không sống hiệu ứng Giêsu, chúng ta sẽ trả lời trước mặt Chúa.

           Chiều hôm ấy trong bầu không khí ấm cúng của gia đình và bạn bè thân thích, viên sĩ quan trẻ tuổi tài ba người Pháp Charle de Foucauld đang thao thao kể lại nhũng điều mắt thấy tai nghe và những chiến công của mình trong cuộc viễn chinh tại Maroc, Bắc Phi: Nào là những trận đưng độ, nào là những cuộc thám hiểm.

          Đang lúc Charle say sưa kể như thế, thì một đứa cháu gái nhỏ lân la đến bên. Cô bé đặt tay lên gối của ông cậu hào hoa phong nhã, rất thông minh, hỏi:

          - Cậu ơi cậu đã làm được biết bao nhiêu là chuyện như thế cho đất nước, thế nhưng cậu đã làm được việc gì cho Chúa chưa?

          Câu hỏi ngây thơ, nhưng thâm thúy của cô gái đã khiến cho viên sĩ quan trẽ tuổi kia giật mình suy nghĩ.

          Câu hỏi của đứa cháu gái đã làm cho Charle suy nghĩ cả một buổi chiều và một đêm. Sáng hôm sau, Charle đến gặp một người bạn học cùng lớp là cha Huvelin, chàng xin xưng tội. Với ơn soi sáng, Charle đã quyết định thay đổi cuộc đời. Chàng nhất định bỏ binh nghiệp, dù chàng thấy rõ một tương lai rạng ngời ở trước mặt, để dấn bước theo Chúa Giêsu và noi gương Ngài sống cuộc đời khó nghèo.

           Hiệu ứng Giêsu nơi công việc, nơi ngóc ngách của xã hội, đó là mong muốn của Chúa Giêsu.

Huệ Minh

Read 313 times Last modified on Thứ tư, 23 Tháng 2 2022 12:29