TMĐP- Người Kitô hữu chúng ta qua bí tích Rửa Tội được Thiên Chúa trao phó sứ mạng nói lên Lời hằng sống, lên tiếng cho những sự thật thuộc về Thiên Chúa vì hạnh phúc của con người.
Thiên Chúa là Thiên Chúa nói với con người, và Ngài muốn con người cũng nói với Ngài, nói với nhau, kể cả nói với chính mình, vì không phải ai cũng dám nói, nhất là khi nói ra để rồi chịu thiệt thòi, chống đói, bách hại, tiêu diệt như Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã bị nhiều người lên án, đóng đinh vì nói sự thật của Thiên Chúa, hay như Gioan Tẩy Giả đã bị bắt giam, chém đầu vì dám lên tiếng khiển trách, ngăn cấm vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình.
Nhưng dựa vào sức mạnh nào để dám lên tiếng?
Sách Đệ Nhi Luật của Cựu Ước dậy tín hữu dựa vào lich sử cứu độ của Dân Chúa để lên tiếng. Lịch sử cứu độ ấy được khởi đầu từ lúc Ápraham được Thiên Chúa chọn với Lời Hứa “trở thành tổ phụ một dân tộc lớn” cho đến ngày toàn dân được giải phóng khỏi ách nô lệ bên Ai Cập và vào Đất Hứa.
Sức mạnh cứu độ của cánh tay Thiên Chúa Giavê ấy đã được biểu hiện qua công trình giải phóng dân khỏi Ai Cập và ban cho dân miền đất phì nhiêu, “chảy sữa và mật ong”, vì có đất làm gia nghiệp là dấu chỉ của hồng ân Chúa ban, để được sống tự do, độc lập, hạnh phúc dưới sự hướng dẫn, che chở, phù trợ của Chúa, mà không còn phải làm thân nô lệ, tôi đòi như lời kinh của dân Do Thái trong ngày lễ dâng Thiên Chúa sản phẩm đầu mùa được ghi lại trong bài đọc thứ nhất: “Và bây giờ, lậy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất mà Ngài đã ban cho con” (Đnl 25,10).
Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma thì kêu gọi người Kitô hữu hãy dựa vào niềm tin ở Đức Giêsu Kitô, Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa đã sống lại từ cõi chết, mà lên tiếng rao giảng, lên tiếng làm chứng, lên tiếng tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ, Đấng làm cho chúng ta nên công chính, và “là Đấng qủang đại với tất cả những ai kêu cầu Người” (Rm 10,12).
Thánh nhân còn quả quyết: “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm 10,8) để thúc đẩy chúng ta lên tiếng, khuyến khích chúng ta dám nói, mà không nao núng, sợ sệt, vì Lời Thiên Chúa là sự thật, “lời khơi dậy đức tin” và luật của Ngài giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích nô lệ tội lỗi.
Và quan trọng nhất, khi chiêm ngắm Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng ta thấy: khi bị ma quỷ cám dỗ, Ngài đã không im lặng, dù là im lặng coi thường, im lặng bất cần hay im lặng thách thức, cũng không lẳng lặng bỏ đi, nhưng Ngài đã nói cho ma quỷ biết sự thật của Thiên Chúa, sự thật mà ma quỷ phải cúi đầu chân nhận và lủi thủi bỏ đi vì thua cuộc.
Như đã cám dỗ Đức Giêsu khi nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi” (Lc 4, 3), ma quỷ cũng đưa bả vật chất để quyến rũ chúng ta, nhất là giữa thời đại thực dụng và tiêu thụ, ở đó người ta chấm điểm, định giá nhau qua nhà cao cửa rộng, xe hơi đời mới, hột xoàn, kim cương; như đã cám dỗ Đức Giêsu khi nói vói Ngài: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy, nếu ông bái lậy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4, 6-7), ma quỷ cũng lấy quyền lực thống trị và vinh quang bản thân để mồi chài chúng ta; như đã cám dỗ Đức Giêsu khi nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi. Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”(Lc 4, 9-11), ma qủy cũng dụ dỗ chúng ta bỏ Thiên Chúa mà thờ ngẫu thần, làm tôi Xatan để được lợi lộc thế gian.
Và như Đức Giêsu khi bị cám dỗ đã cương quyết lên tiếng nói Lời Thiên Chúa, đã thẳng thắn cất tiếng nói sự thật đời đời của Thiên Chúa và Lời Thiên Chúa, tiếng nói của Thiên Chúa đã đánh gục Xatan và bè lũ, chúng ta cũng không thể làm khác hơn, nhưng noi gương Ngài mạnh dạn lên tiếng rao giảng Lời Thiên Chúa, qủa cảm làm chứng sự thật của Thiên Chúa, can trường tuyên xưng Sự Thật là Thiên Chúa trước mọi người trong mọi hoàn cảnh, vì chỉ có Lời Thiên Chúa mới là Lời giải thoát, chữa lành, đổi mới, như thánh Phaolô khẳng định: “Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10, 10).
Tuy vậy, trong cuộc sống đã có rất nhiều lý do chúng ta dựa vào để không lên tiếng, và có nhiều nguyên nhân cản trở việc chúng ta mở miệng làm chứng Thiên Chúa và nói lên những sự thật của Ngài.
Tất nhiên ma quỷ là nguyên nhân hàng đầu, chúng luôn rình rập cám dỗ chúng ta như đã cám dỗ Đức Giêsu để chúng ta chọn im lặng hèn nhát, im lặng đồng loã, im lặng đồng phạm. Bên cạnh ma quỷ là chính chúng ta, vì phải bảo vệ chỗ đứng quyền lực, giữ gìn các mối tương quan có sức mạnh bảo kê, củng cố các mạng lưới lợi thế, lợi nhuận, chúng ta tìm đủ lý do để im lặng, mượn đủ lý chứng để đánh lừa mình hầu không phải lên tiếng, dù việc lên tiếng là bổn phận phải làm, nghĩa vụ phải thi hành, đòi hỏi cấp bách phải kịp thời đáp ứng.
Tóm lại, người Kitô hữu chúng ta qua bí tích Rửa Tội được Thiên Chúa trao phó sứ mạng nói lên Lời hằng sống, lên tiếng cho những sự thật thuộc về Thiên Chúa vì hạnh phúc của con người. Nhưng để nói lên tiếng nói của Thiên Chúa, nói với muôn dân Lời của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, và nói thay tiếng nói bị bức tử của những người nghèo khổ, yếu đuối, bị đàn áp là anh em bé mọn của Thiên Chúa (x. Mt 25), chúng ta cần dựa vào Lịch Sử Cứu độ của Dân Thiên Chúa, mà trên dòng lịch sử này, Thiên Chúa đã tỏ lòng khoan dung và thực hiện Lời Hứa của Ngài qua biết bao điều cao cả, kỳ diệu để nhận ra Thiên Chúa là Đấng trung tín, và “mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng” (Rm 10,11); đồng thời dựa vào chính Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, bời nhờ sự chết và sống lại của Ngài, “tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa đều sẽ được cứu thoát” (Rm 10,13), nhất là khi chúng ta bị ma quỷ dồn lực tấn công.
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/dam-len-tieng-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-i-mua-chay-nam-c/