Ngay từ thời xa xưa ông cha ta đã sử dụng đến từ cám dỗ này, và cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng nó như một tiếp nối của truyền thống. Cám dỗ là sự lôi kéo, thúc dục, khơi gợi lòng ham muốn của con người thực hiện một điều gì đó đến mức sai trái, sa ngã vào nó. Cám dỗ cũng có thể hiểu là một hiện tượng nổi lên trong cuộc sống khiến con người chạy theo nó mà không nghĩ đến hậu quả sau này.
Vậy đấy, cám dỗ nó đến ngay từ trong sự ham muốn của chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu nổi lên một suy nghĩ muốn có được gì đó thì cám dỗ bắt đầu dần hình thành.
Cám dỗ chính là con quỷ dữ, chi phối toàn bộ cuộc sống của ta nếu như ta không biết cách kiểm soát, kiềm chế những loại cám dỗ trong đời sống. Để có thể chiến thắng được những cám dỗ ấy, ta cần xác định và gọi tên được từng loại cám dỗ mà chẳng may bản thân ta đang mắc phải, cơ chế hoạt động của những lời cám dỗ ấy.
Tác hại của cám dỗ khiến ta mất đi “lý tưởng” ban đầu của mình. Có thể trở thành những con người vì lợi ích mà bán rẻ lương tâm và khiến nhiều người không còn tôn trọng bạn nữa. Và kinh khủng nhất là cám dỗ đã đưa con người đi đến chỗ phạm tội để rồi mất ân nghĩa với Chúa và tha nhân.
Trước tiên chúng ta luôn bị những tác động xấu xa, hay những lợi ích che mờ mắt, chúng ta phải luôn biết rằng cái gì cũng có hai mặt của nó như con dao hai lưỡi, có thể hỗ trợ đắc lực cho chúng ta nhưng cũng có thể hại chúng ta. Và cám dỗ cũng vậy, nó cũng có hai mặt tốt- xấu.
Đối với những người bị cám dỗ đưa đến sa ngã thì sẽ coi nó là xấu. Cám dỗ có thể đưa chúng ta đến những con đường sai trái, bị đẩy vào làm việc xấu. Nếu ta không biết cách kiểm soát thì nó sẽ lật ngược lại kiểm soát chính ta trở thành một con “quỷ giữ” làm những điều xấu.
Những cám dỗ sẽ trở thành động lực cho cuộc sống hàng ngày của bạn nếu ta biết tiết chế và kiểm soát chúng một cách đúng nhất. Không thể cám dỗ kiểm soát chính bản thân mình, mà hãy để nó là một động lực thôi thúc bạn cố gắng làm việc và hoàn thiện bản thân mình.
Qua đây, ta đã hiểu cám dỗ là ta hay thù chưa. Cám dỗ có thể trở thành bạn của ta nhưng cũng có thể trở thành thù của ta. Điều này hoàn toàn do ta lựa chọn.
Nhắc đến cám dỗ, ta nhớ đến con người của ông Gióp, một nhân vật được nói đến trong Cựu Ước. Ông đã thốt lên rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.
Thật vậy, cám dỗ là căn bệnh trầm kha trong suốt chiều dài lịch sử con người. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo ta như đỉa đói. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.
Có những cơn cám dỗ thoáng nhẹ như gió mùa thu, nhưng không vì thế mà nó không làm cho ta mất phương hướng, không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật. Và, cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong lôi thẳng ta xuống tận cùng địa ngục.
Chúa Giêsu cũng đã hơn một lần chạm trán với cám dỗ. Và chính cuộc chạm trán này, Ngài đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc, một bài học làm thế nào để không bị sa vào chước cám dỗ. Cuộc chạm trán này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca với tiêu đề: “Chúa Giêsu chịu cám dỗ” (Lc 4, 1-13)
Chúa Giêsu đã chiến thắng những chước cám dỗ do tên-cám-dỗ đưa ra đó là nhờ Ngài thấu hiểu Kinh Thánh. Gọi là thấu hiểu vì Satan cũng dùng Kinh Thánh nhưng không thấu hiểu Kinh Thánh. Nói lên điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta hãy tự hỏi lòng mình rằng: Tôi có thẩu hiểu Lời Chúa?
Để thấu hiểu lời Chúa, không khó. Trước hết và trên hết, chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa. Và tiếp đó là cầu xin Ơn Chúa. Thánh Phao-lô có kinh nghiệm về điều này, ngài đã nói với cộng đoàn Corinto, rằng: “Đã ba lần tôi xin Chúa… Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh.” (2Cor 12, 8-9)
Ơn Chúa, chúng ta sẽ thấu hiểu Lời Chúa. Thấu hiểu Lời Chúa, chúng ta mới có thể thực hành Lời Chúa đúng lúc và đúng cách. Thực hành Lời Chúa đúng lúc và đúng cách, chúng ta sẽ khó mà sa vào chước cám dỗ của Satan. Câu chuyện “Chúa Giêsu chịu cám dỗ” được kể trên, đã cho chúng ta thấy rõ.
Phương cách Chúa Giêsu chiến đấu và chiến thắng được sự cám dỗ của Satan, đó là Ngài biết dựa vào Thánh Kinh, Ngài đã phản biện với Stan: “đã có lời chép…”
Để chiến thắng, chúng ta cũng hãy chiến đấu như Ngài. Chúng ta cũng hãy dựa vào Thánh Kinh. Chúng ta hãy dựa vào những “lời chép…”, những lời Chúa Giêsu truyền dạy được “chép…”, trong Thánh Kinh.
Thật thế ! Không quá khó để học thuộc lòng. Không quá khó để nhớ. Chỉ là ba lời truyền dạy: “hãy cầu nguyện, hãy tỉnh thức, hãy ăn chay”. Nói tắt một lời, chỉ cần “cầu nguyện, tỉnh thức, ăn chay”, đó là cách để chiến thắng chước cám dỗ.
Lm. Anmai, CSsR