Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 13, 1-9)
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: "Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Suy niệm
Sám hối là một lời mời Thiên Chúa gợi nhắc cho con người hãy thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong mùa chay, mùa của sám hối và cầu nguyện. Sám hối là nhìn vào chính con người thực của mình, để thấy những yếu đuối, những cách suy nghĩ của bản thân còn phù hợp với hành trình đức tin hiện tại, và cũng để thấy những gì cần phải thay đổi, cần phải loại trừ. Tất cả để trở nên một con người mới, một con người sống tinh thần mùa chay đúng nghĩa như lòng Chúa mong muốn. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ ba mùa chay đưa chúng ta trở lại với tâm tình sám hối theo tin thần Thánh kinh, để sự cố gắng của mỗi người không ra khỏi quỹ đạo tình yêu của Đấng Tình yêu. Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, đã nghe tiếng kêu xin của con người và đã thấy những khổ đau của con người, phần Thiên Chúa là thế, còn phần con người là gì nếu không phải là sám hối, là canh tân đức tin và thành tâm trở về với Thiên Chúa, người Cha đang đợi chờ con người từng ngày.
Khi đối diện với những bất công, những đau khổ trong đất Ai cập, người Do thái đã kêu cầu Thiên Chúa, xin Ngài đoái thương giải thoát họ. Tiếng kêu cầu đó thấu tận trời xanh, Thiên Chúa đã cúi xuống, chọn một người thay mặt Ngài, đưa dân ra khỏi cảnh lầm than nô lệ tại đất khách quê người, đó là ông Môi sen. Bài đọc 1 trích từ sách Xuất hành kể lại cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Môi sen trong sa mạc Si-nai, nơi đó Ngài nói lên nỗi niềm của Ngài cho ông ta biết, đồng thời mời ông lên đường giúp đỡ dân Ngài: “Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: "Môsê! Môsê!" Ông thưa: "Dạ con đây!" Chúa nói: "Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh". Chúa lại nói: "Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp". Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: "Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật". Một cuộc gặp gỡ rất thân tình giữa Thiên Chúa và con người, và cũng từ đây, con người thấy được tình yêu của một người Cha nơi Thiên Chúa như thế nào. Tác giả đã dùng ngôn ngữ con người làm nổi bật tình Cha yêu thương con cái và luôn sát cánh với con cái trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Sau khi xây dựng các cộng đoàn giáo hội mới, các Tông đồ luôn nhắc nhở cho các tín hữu, hãy luôn ý thức về tình thương Thiên Chúa dành cho các bậc tổ tiên, cũng như chính họ hiện tại. Trong lá thư gởi cộng đoàn giáo hội tại Cô-rin-thô, thánh Phaolo cũng nhắc nhở mọi người về những gì các bậc tổ tiên đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để hôm nay, họ đừng đi ra khỏi con đường Ngài đang đồng hành với họ: “Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa”. Lời nhắc của thánh Tông đồ gởi đến cho các tín hữu hôm nay ý thức rằng, sau khi Thiên Chúa đã chọn một dân riêng cho Ngài, để thực hiện chương trình cứu độ, Ngài đã cúi xuống, đã lắng nghe và thấy tất cả những khó khăn, những khổ đau của kiếp người, Ngài chỉ mong con người cũng nhận ra điều đó, để sám hối, để đổi thay và luôn được bên cạnh Ngài trong hành trình đức tin.
Đau khổ luôn là nỗi ám ảnh đối với con người, nào là đau khổ thể xác vì bệnh tật, chiến tranh, nào là đau khổ tinh thần vì bị bỏ rơi, vì sĩ diện, vì kiêu căng, vì tự mãn và vì đánh mất cảm thức về tội nên không biết mình có tội lỗi gì. Lời khuyên bảo của Đức Giesu trong bài tin mừng thôi thúc người tín hữu hãy cảnh tỉnh với chính mình trước, để biết dừng chân và sám hối, để biết phản tỉnh và sửa đổi bản thân: “Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". Không thiếu những lần con người phạm tội nhưng cứ nghĩ rằng lỗi đó là do người khác gây nên, mình chỉ là nạn nhân, nhưng thực chất, cái tôi ích kỷ và tự mãn, là nguồn cội gây ra những tội lỗi trong cuộc đời. Người Do thái nghĩ rằng những người bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết là do tội của họ, do chính thái độ sống của họ gây nên. Quy chụp cho người khác để trốn tránh trách nhiệm của mình là một trong những xu hướng của xã hội hôm nay, dù đó là khía cạnh nào của cuộc sống. Lầm tưởng mình luôn là người trong sạch, luôn là người công chính, luôn là người thánh thiện, tạo cho người tín hữu một chiếc áo an toàn, an phận ngay trong vũng bùn tội lỗi mình đang sống.
Với những chuyến xuất hành của tuần lễ thứ 2 mùa chay, hành trình đức tin của người tín hữu cần được soi chiếu cẩn thận để thấy những cố gắng của mình. Từ bỏ những đam mê thế gian, người tín hữu mong được đi trên con đường tự do, họ được mời gọi đi ngang qua mầu nhiệm thập giá đau khổ để tiến về vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, họ được mời dấn thân trong sự từ bỏ chính mình, để tiến về niềm vinh dự được chung phần hạnh phúc Nước Trời, họ đã cố gắng, họ đã quyết tâm như các Tông đồ xưa. Thế nhưng, người tín hữu quên rằng sau khi từ bỏ những gì thuộc về thế gian, họ vô tình đang trở thành nô lệ cho những nhu cầu cuộc sống tâm linh hàng ngày, đời sống tôn giáo là con đường chính bản thân tìm cho riêng mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, không thể dùng những hình thức của xã hội để bày tỏ tâm tình tôn giáo của mình, cũng như không thể biến tôn giáo thành lễ hội hay những sự kiện đặc biệt. Đời sống tôn giáo phải xuất phát từ cái tâm, từ chính trái tim của mỗi người, họ có lòng khát khao gặp gỡ Thiên Chúa hay không, họ có thực tâm mong được sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình của Thiên Chúa hay không, tất cả đến từ khát vọng của mỗi người, chứ không đến từ đám đông hay đến từ những hình thức lễ hội bên ngoài.
Bước vào mùa chay, người tín hữu được mời gọi tham dự những nghi thức đạo đức, giúp họ phản tỉnh đời sống đức tin hàng ngày, họ cố gắng vượt qua mọi trở ngại để tham dự đầy đủ và trọn vẹn, và đó là một việc làm để được hưởng hạnh phúc Thiên đàng. Quả thực là một suy nghĩ thiển cận, bởi hành trình đức tin đâu chỉ tồn tại trong mùa chay mà thôi, hành trình đức tin đâu chỉ dừng lại nơi những nghi thức đạo đức mà thôi, họ quên bổn phận hàng ngày của mình là gì, có cần đổi mới và sám hối từng ngày và trong từng hoàn cảnh không. Mẹ Giáo hội mời con cái hãy tiết kiệm chi tiêu để giúp đỡ tha nhân đang khó khăn, đó là một chút hy sinh của bản thân, nhưng tiếc thay, người tín hữu nghĩ rằng đó là bố thí, là lấy chút ít dư thừa của gia đình, trao cho một ai đó vì bổn phận, vì phải có với mọi người, vì sĩ diện của gia đình, và hơn hết là vì lòng thương hại. Lời nhắc của Đức Giesu trong bài tin mừng hôm nay mở ra một chân trời mới trong việc sống đạo, đừng nghĩ rằng một ai đó phải từ giã cuộc đời là do tội lỗi của họ hay gia đình của họ, chẳng lẽ Thiên Chúa quá nghiêm khắc với con cái Ngài thế sao. Không thiếu những lần con người đã đổ lỗi cho Thiên Chúa về những tai nạn trong cuộc sống, về những thiên tai từ môi trường, từ thiên nhiên, mà quên rằng đó là nhân tai chứ không phải thiên tai, đó là do lòng tham của con người chứ không đến từ sự ích kỷ của Thiên Chúa. Sám hối không chỉ là những lời đầu môi chóp lưỡi con người hay nói với nhau, nhưng phải xuất phát từ cái tâm, từ suy nghĩ và tâm tình sống đạo của mình. Thiên Chúa cần một tấm lòng hơn là cần của lễ, Ngài mong con người hãy sám hối, hãy phân định sự tự do đích thực của người tín hữu là gì, để giữ đạo, để sống đạo cách đúng đắn hơn.
Lạy Chúa Giesu, khi chấp nhận thân phận của một con người, Chúa đã trở nên người con đích thực trong gia đình, trở nên thành viên có trách nhiệm trong tổ ấm, bước vào đời sống công khai, Chúa đã trở thành một thành viên đúng nghĩa của cộng đoàn tôn giáo, xin cho chúng con biết noi gương Chúa, dám thay đổi cuộc đời của mình trở thành người con của Giáo hội đúng nghĩa, trở thành anh chị em trong gia đình thiêng liêng của Chúa như lòng Chúa mong ước. Chúa đã từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống, để thánh ý Chúa Cha nên trọn vẹn trong cuộc đời của Ngài, xin cho chúng con biết thay đổi con người của mình, từ suy nghĩ cho đến thái độ sống, để không phải chúng con đang sống mà là Đức Giesu Kito đang sống trong con người chúng con. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh