4.4 Thứ Hai trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Đn 13:1-9,15-17,19-30,33-62; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Ga 8:1-11
Ai sạch tội
Người Do thái có nhiều lễ trong một năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong suốt tám ngày sống ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính sau cuộc lễ này mà xảy ra câu chuyện trong bài Tin mừng.
Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ Lều Trại của người Do thái, Đức Giêsu đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.
Tình cờ người ta đem đến cùng Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Những người luật sĩ và biệt phái lợi dụng cơ hội này để thử thách Chúa Giêsu.
Hôm nay, các luật sĩ và biệt phái sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Chúa Giêsu và một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Ngài ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Ngài.
Họ đưa đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Ngài sẽ xử lý thế nào khi luật Maisen dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Đức Giêsu nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Maisen, còn nếu Ngài nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Ngài giảng dạy.
Ðối diện với Chúa Giêsu là một phụ nữ tuyệt vọng chờ chết. Tội chị rành rành ra đấy nên đối với con người thì là vô phương cứu chữa, nhưng may mắn thay cho chị, trước mặt chị Ðấng được mệnh danh là Chiên Thiên Chúa, là Ðấng xóa bỏ tội trần gian. Người xót thương số phận bi đát của chị. Người muốn cứu chị khỏi án chết trước mắt và nhất là Người muốn cứu chị khỏi án chết muôn đời trong thế giới mai sau. Người sẽ cứu chị, đồng thời Người cũng sẽ cho những kẻ muốn ám hại Người một cơ hội nhìn lại bản thân họ: “Chị ta thật xấu đấy, nhưng không chừng các ông lại còn xấu xa hơn chị bội phần.
Tội của chị thì ai cũng thấy vì chị ta không khéo che đậy; còn tội các ông thì thiên hạ ít người nhận ra bởi các ông khéo tô son trét phấn cho chúng, và đã đến lúc các ông phải nhìn lại mình rồi đấy”. Chúa Giêsu im lặng suy nghĩ. Người cúi xuống, lấy tay viết lên trên mặt đất để khỏi đưa ra lời phán quyết. Người không ngây thơ rơi vào bẫy của các kinh sư và người pharisiêu như họ tưởng. Chuyện đơn giản, hóa ra chẳng đơn giản tí nào. Họ nóng lòng thúc giục Chúa Giêsu lên tiếng: “Ðược, nếu các ông muốn tôi nói thì xin nghe đây; ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.
Các kinh sư và người pharisiêu không ngờ cục diện lại thay đổi đột ngột đến thế, từ chỗ nắm dao đằng cán, bây giờ họ lại phải nắm lấy lưỡi dao do chính mình đưa ra, không khéo lại đứt tay chảy máu, thế là hỏng bét. Họ lần lượt bỏ đi, không kèn không trống, chỉ còn lại hai người trên hiện trường: Chúa Giêsu và người phụ nữ, Ðấng có quyền tha tội và người đã lỡ lầm phạm lỗi. Chúa Giêsu nhìn lên, người phụ nữ hồi hộp chờ đợi, nhưng không có lời kết án nào cả, mà chỉ có một câu nói dịu dàng: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” và một câu nói nhẹ nhàng khác tiếp theo: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đứng phạm tội nữa.”
Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Ngài đã đặt các luật sĩ và biệt phái vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bày lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất.
Lời Chúa Giêsu đã làm cho họ thay đổi ý định, họ đã rút lui từng người một, trước tiên là những người nhiều tuổi. Trong cuộc đời, nhiều lúc chúng ta cũng cần phải rút lui. Rút lui không cho phép mình phê bình chỉ trích người khác, rút lui trước hành động xét đoán, loại trừ anh em. Vì khi làm như thế chúng ta gián tiếp cho rằng mình là người công chính.
Ta cũng cần lưu ý đến điểm tương đồng trong hai câu chuyện, đó là sự có mặt của đám đông dân chúng. Họ tụ họp nhau để theo dõi phiên toà, để hò hét ủng hộ hay nếu cần, có thể cầm đá ném người tử tội cho đến chết. Đây cũng là thái độ thường xuyên của mỗi chúng ta, nếu chúng ta thiếu lòng bao dung thông cảm đối với anh chị em. Sứ điệp Tin Mừng mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lại mình, hãy xét lại những hành vi xấu xa tội lỗi chúng ta đã làm và thành tâm ăn năn sám hối để đáng hưởng lòng xót thương của Thiên Chúa. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới là thẩm phán, tất cả chúng ta đều là những tội nhân luôn cần được Thiên Chúa thứ tha và ban ơn cứu độ.
Nếu như người phụ nữ trong câu chuyện thứ nhất được Thiên Chúa ra tay bênh đỡ vì chị vô tội thì người phụ nữ trong câu chuyện thứ hai được Chúa Giêsu cứu là vì tình thương. Chúa Giêsu thương cho số phận của người phụ nữ ngoại tình vì cứ chiếu theo luật thì cuộc đời của chị đến đây là kết thúc. Chị sẽ chết trong tội lỗi của chị. Nhưng câu chuyện thứ hai đã kết thúc tốt đẹp không kém gì câu chuyện thứ nhất. Chúa Giêsu đã mở ra cho chị một tương lai tươi sáng, từ đây, chị đã có hướng để đi, có nơi để về, cuộc đời của chị đã được hoàn toàn biến đổi. Chắc hẳn những ngày còn lại trong cuộc đời của chị là chuỗi những lời tạ ơn, chị cảm nghiệm được tình thương mà ông Giêsu nào đó đã dành cho chị, nhờ ông mà chị được sống. Chỉ khi chúng ta mang lấy tâm trạng của người thoát chết trong gang tấc, chúng ta mới nói lời tạ ơn cách chân thành tận đáy lòng.
Rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn giữa cách hành xử của những người luật sĩ, biệt phái với Đức Giêsu. Nhóm biệt phái thì muốn kết tội, còn Đức Giêsu thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy, nhóm biệt phái chỉ muốn ném đá người đàn bà này cho chết, và họ còn cảm thấy rất thích thú khi được làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi quyền lực được sử dụng để kết án. Còn Đức Giêsu, thì Ngài không muốn làm như vậy. Ngài không cảm thấy vui khi quyền lực được dùng để kết tội. Ngài muốn dùng quyền hành để tha thứ.
Qua sự kiện này, chúng ta thấy có một nghịch lý đáng buồn và cũng đáng trách: một đàng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng lại đầy lòng thương xót và khoan dung đối với người tội lỗi… Còn con người thì ai cũng mắc tội không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ lại hay xét đoán, phê bình chỉ trích và lên án người khác nhất là những kẻ tội lỗi. Do đó, nhiều khi đã vô tình xô đẩy thêm kẻ có tội vào vũng lầy không lối thoát.
Qua câu trả lời của Đức Giêsu: “Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá người phụ nữ này đi”, chúng ta tìm ra được nguyên tắc của Đức Giêsu là chỉ người vô tội mới được đoán xét những lỗi lầm của người khác.
Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa, vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án, còn chúng ta là những người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân.
Còn về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hoà với Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và lên án ai.
Huệ Minh