Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 19, 28-4)
Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con "Tại sao các ông mở dây?", thì hãy nói thế này: "Vì Chúa cần dùng đến nó". Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: "Sao các ông mở dây lừa con?" Hai ông đáp: "Vì Chúa cần đến nó". Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời". Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: "Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi". Chúa Giêsu nói: "Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên".
Suy niệm
Để chuẩn bị cho một chuyến hành trình, cần phải tìm hiểu những gì liên quan đến chuyến đi, đặc biệt là những điểm đến, cùng những gì cần thiết cho mọi sinh hoạt của bản thân. Hành trình lên đồi Can-vê theo chân Thầy Chí Thánh là một chuyến đi đầy thú vị nhưng không kém phần mạo hiểm. Thú vị bởi có người dẫn đường là Con Thiên Chúa làm người, mạo hiểm bởi trong hành trình đó, người bộ hành phải từ bỏ ý riêng, chấp nhận đi theo sự chỉ dẫn của người dẫn đường. Hành trình đó dù ngắn nhưng đòi hỏi người bộ hành phải chuẩn bị rất kỹ, suy nghĩ, chọn lựa và quyết định cho riêng mình.
Mùa chay là thời gian dành cho người tín hữu Kito suy nghĩ, chọn lựa và quyết định có nên theo Thầy Giesu, lên đỉnh Núi Sọ, cùng Thầy bước vào cuộc phiêu lưu mà Thầy đã vâng lời Chúa Cha, đi vào lịch sử nhân loại, cứu độ con người. Tuần thánh là những ngày cao điểm của chuyến đi đó, với những chặng đường thương khó, tất cả đòi hỏi người bộ hành phải dấn thân, phải từ bỏ, thậm chí phải hy sinh. Lễ Lá là một điểm mốc đặc biệt, khởi đi từ sự kiện dân thành Giê-ru-sa-lem đón Đức Giesu vào thành. Hôm nay họ tung hô Ngài với những gì trang trọng nhất, ngày mai, họ kết án Ngài với những lời sỉ vả nhục nhã nhất. Con người là thế.
Bước vào thánh lễ đặc biệt này, bài tin mừng trình bày biến cố này được thánh Luca diễn tả rất trang trọng. Dân chúng đón Ngài thật hân hoan. Thế nhưng, đi vào phần phụng vụ Lời Chúa, Mẹ Giáo hội trích từ sách tiên tri I-sa-i-a cũng như trong thư của thánh Phaolo gởi giáo đoàn Phi-lip-phê, tất cả như là những nét vẽ của bức tranh trong mầu nhiệm tử nạn của Con Thiên Chúa. Lời tiên tri đã nói: “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui”. Hình ảnh người tôi tớ can đảm và trung tín được tác giả dùng để khắc họa dung mạo Đấng Cứu Thế thật mạnh mẽ, trước sức mạnh của tội lỗi và sự chết, Ngài vẫn can đảm, trước mưu lược và sự hận thù tột độ của ma quỷ, Ngài can đảm chống lại tất cả, để rồi kết thúc cuộc chiến đấu là đón nhận vinh quang của chiến thắng trong sức mạnh của Thiên Chúa.
Để có được chiến thắng vinh quang trước sức mạnh của tội lỗi và sự chết, Đức Giesu đã từ bỏ tất cả, ngay cả ngai vàng trên trời cao, hạ mình xuống. Cảm nhận của thánh Phaolo về người Con Thiên Chúa, dám từ bỏ tất cả vì yêu, dám chết vì yêu thật sâu sắc và ý nghĩa: “Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Với thế gian thì đây là một sự điên rồ, với Thiên Chúa, đây là một niềm vinh dự, Con Thiên Chúa đã tự hạ, trở nên như con người, ngoại trừ tội lỗi, sống cho và sống cùng với con người, chết cho con người. Quả là một sự hy sinh xem ra nhảm nhí theo góc nhìn của thế gian, nhưng trước mặt Thiên Chúa, chúng ta nghe thánh Phaolo nói tiếp: “Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang”. Con Thiên Chúa đã vì yêu mà khước từ tất cả, chỉ mong sao con người được sống và sống dồi dào. Phần con người, đền đáp tình yêu là một nghĩa cử trân trọng và rất cần để được sống. Con người có đủ can đảm để đáp đền tình yêu Thiên Chúa dành cho mình không .
Bữa tiệc ly trước khi Thầy trò bước vào cuộc khổ nạn, như là hình ảnh báo trước về bàn tiệc cánh chung sau hết. Thầy trò gặp nhau, chia sẻ vui buồn, Thầy mong các trò luôn trung thành, các trò ước mơ theo Thầy đến cùng, dù có phải thế nào. Vậy mà, giữa cuộc chơi, có người rẽ ngang, có người phản bội, có người bỏ cuộc. Thầy hụt hẫng, trò bơ vơ. Chắc Thầy đau khổ rất nhiều trước những người học trò đã cất công dạy dỗ bao năm trời, từ lời ăn tiếng nói, từ cách sống đạo làm người đến những mầu nhiệm trên trời. Tất cả được Thầy chỉ dạy ân cần, thế mà đến lúc Thầy lâm nạn, kẻ trước người sau bỏ đi, khổ tâm nhất là có cả học trò chối không biết Thầy là ai. Khi chứng kiến Thầy làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều, các ông hân hoan, bởi chọn lựa theo Thầy không sai lầm. Chứng kiến Thầy cho kẻ chết sống lại, người câm nói được, người què đi được, các ông vui sướng vì quyết định từ bỏ tất cả đi theo Thầy không phải là một quyết định lệch lạc, thế mà khi Thầy đối diện với sự hận thù của thế gian, các học trò không đủ can đảm đứng bên Thầy để chống lại sức mạnh của ganh tị, thù ghét và chống đối.
Thầy yêu dấu, chúng con quyết định theo Thầy, bởi chúng con thấy trong con người Thầy, có một sức mạnh linh thiêng, từ lời dạy dỗ, đến việc làm, từ thái độ ân cần, đến việc chia sẻ những trăn trở về con người. Chúng con hiểu được phần nào chiều sâu của tình yêu đó, nhưng suy nghĩ của chúng con chưa thực sự bắt nhịp với tần số của tình yêu trong Thầy, do đó, khi Thầy đứng yên nhận chịu sự xỉ nhục của con người, chúng con không thể hiểu được nên đành tháo lui. Khi Thầy để cho người ta đánh đòn, kết án tử bất công, chúng con không thể nào hiểu được sức mạnh của tình yêu như thế nào, do đó, chúng con để mình thành kẻ phản bội. Khi Thầy để cho người ta treo trên thập tự, đau đớn, trần trụi, đói khát, chúng con chưa thấy được giá trị của sự hy sinh, nên đành thất lỗi với Thầy. Tất cả những yếu tố đó dù rất tự nhiên của một con người, nhưng tại sao Thầy là Con Thiên Chúa mà để cho con người hành hạ, kết án, đóng đanh và nhạo cười như thế. Làm sao chúng con hiểu được chiều sâu nội tâm của tình yêu tự hiến đó. Thầy ơi, muộn màng, nhưng phần nào chúng con đã hiểu đôi chút, Thầy yêu chúng con đến hy sinh chính mình, hy sinh cả con người, sự sống và giá trị của ngôi vị Con Thiên Chúa làm người.
Mùa chay đang dần khép lại, Thiên Chúa đợi chờ nơi con người một sự cố gắng chân thành, khiêm tốn đủ. Ăn chay, cầu nguyện và bố thí là những việc làm cho các tín hữu, để biết mình, biết người và biết Thiên Chúa như thế nào. Những giờ nguyện ngắm, những Thánh lễ hàng ngày, là những dịp thuận lợi, giúp con người thấy được sự trần trụi của một tạo vật, thấy được chiều sâu của tình thương nơi người Cha là Thiên Chúa. Ngài mong con người hãy thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong suy nghĩ, trong ý thức, trong đời sống đức tin, để đến gần Ngài hơn trong tâm tình thống hối, phần con người, không thiếu những lúc nghĩ suy về sự thật của tình thương khác với Thiên Chúa mong chờ. Họ áp đặt sự thật của thế gian lên những việc làm của đức tin, áp đặt toan tính theo thế gian lên những việc làm cần thiết trong mùa chay. Vì thế, niềm tin sống đạo trong mùa chay của con người vô tình dừng lại nơi hình thức, nơi những lễ hội và những lợi nhuận thế gian, chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu của tâm tình thống hối và trở về như Thiên Chúa mong muốn.
Tuần thánh là đỉnh cao trong hành trình đức tin của người tín hữu, những nghi thức trong tuần thánh không dừng lại bên ngoài, nhưng diễn tả hành động của tình yêu đến từ Thiên Chúa, đêm tối của tội lỗi nhiều lúc làm cho con người lầm lạc trong cách suy nghĩ, thứ bảy tuần thánh sẽ là lúc bức màn đen đó được thay thế bằng ánh sáng phục sinh. Ngọn nến phục sinh sẽ rọi chiếu cho người tín hữu tìm về với Đấng đã chiến thắng sự chết, nhưng để có thể bước theo ánh sáng đó, cần có một sự đổi thay tích cực và năng động, cần có một sự quyết tâm và sẵn sàng lên đường.
Lạy Chúa Giesu, vì yêu thương con người, Chúa đã đi vào ngôi nhà của nhân loại với những hố sâu tội lỗi và khổ đau, từ đó Ngài kéo con người ra khỏi tình trạng đó, tiến vào niềm vui mới của mầu nhiệm phục sinh, xin cho chúng con biết can đảm, nắm lấy bàn tay của Chúa, để được giải thoát, trở thành con người tự do trong Thiên Chúa. Chúa đã chấp nhận cái chết nhục nhã vì người mình yêu, xin cho chúng con biết sống tinh thần phục vụ, biết chấp nhận những giới hạn của tha nhân trong đời phục vụ, biết cầu nguyện cho mọi người như Chúa dạy chúng con. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh