Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Phục Sinh
Posted by Ban Biên Tập
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 21, 1-19)
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".
Suy niệm
Sau khi sống lại, Đức Giesu chứng kiến sự thay đổi rất nhiều của các học trò, từ niềm tin cho đến đời sống cộng đoàn, họ hoang mang, sợ hãi, chán nản kèm theo sự thất vọng, người thì bỏ cộng đoàn về quê, người thì trở lại với công việc cũ để xóa tan những hy vọng đi theo Thầy, họ sẽ được hưởng bổng lộc và an phận cho cuộc sống. Trước nỗi niềm đó, Đức Giesu đã hiện ra nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, để củng cố niềm tin cho các học trò, để minh chứng lời tiên báo của mình trước đây là sự thật đến từ Thiên Chúa chứ không do con người. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ ba mùa phục sinh, trình bày diễn tiến những lần hiện ra của Đức Giesu phục sinh theo cách trình bày của mỗi tác giả, tất cả góp phần minh định niềm tin cho các tín hữu trong cộng đoàn Giáo hội sơ khai cũng như con cái Giáo hội ngày hôm nay.
Khởi đi từ bài đọc 1 trích từ sách Công Vụ Tông đồ, tác giả là một học trò của vị Tông đồ trưởng, người đã mạnh dạn bước qua cánh cửa của sợ hãi, để loan tin vui cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Phê-rô cũng như các Tông đồ, trong từng ngày sau biến cố phục sinh của Thầy, dù không gặp Thầy hằng ngày, nhưng các ông cảm nghiệm được sức mạnh nội tâm đến từ Thiên Chúa, đang thôi thúc họ phải nói, phải hành động, dù có bị cấm đoán, bị bắt bớ, các ông vẫn cam chịu tất cả, để tin vui cứu độ đó được gởi tới mọi người, mọi nhà: “Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: "Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?" Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Nghe tin Thầy đã sống lại, các ông nửa tin nửa ngờ, nhưng khi bước ra khỏi căn phòng sợ hãi, các ông được Chúa phục sinh biến đổi trở thành những con người mới, đầy nghị lực, can đảm và dám hy sinh, bởi các ông tin rằng việc mình đang làm là được cộng tác với Chúa phục sinh, đem ơn cứu độ cho con người. Vì thế, sợ hãi, bắt bớ, tù đày và bị loại trừ không làm các ông chùn bước, trái lại, các ông thấy tự hào vì được làm chứng cho một tình yêu tự hiến thật ý nghĩa.
Dù trong thị kiến nhưng thánh Gioan đã mượn lời của các vị trưởng lão, bộc bạch lời tuyên tín của mình hướng về Đức Giesu Kito phục sinh: “Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: "Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng". Chiên Con được tung hô trong vinh quang và quyền năng đó là Đấng đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, được Thiên Chúa Cha trọng thưởng trên Thiên quốc, đó là phần thưởng dành cho người đã chiến thắng, và cũng là điểm đến cuối cùng cho người tín hữu nào tin vào một Đấng đã chết mà nay đang sống, phần thưởng đó dành cho người có một niềm tin thực sự, một niềm tin được bộc lộ bằng chính thái độ sống của bản thân, dám sống, dám chết cho tình yêu.
Không có Thầy ở giữa, nhóm học trò như mất định hướng cho ngày mai, kẻ thì rời cộng đoàn về quê tìm kế mưu sinh, kẻ thì trở lại với công ăn việc làm hàng ngày trong tâm trạng chán nản, chính lúc thấy học trò hoang mang, Đức Giesu Kito phục sinh đến với họ trong tình Thầy – Trò, Ngài bày tỏ sự quan tâm bằng việc chăm sóc cái ăn hàng ngày là nướng cá cho họ ăn, Ngài yêu thương họ bằng cách quên quá khứ của họ, Ngài động viên họ bằng việc giao trọng trách lớn, từ nay anh em sẽ là những kẻ lưới người như lưới cá: “Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông . . . Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa". Sự ân cần của Thầy hôm nay chẳng khác gì ngày xưa khi Thầy chưa bước vào cuộc khổ nạn. Thái độ gần gũi đó giúp các ông càng tin tưởng hơn, đó là Thầy mình. Thầy trò cùng chia sẻ những nỗi niềm trống vắng, những nỗi niềm hụt hẫng khi không có Thầy đồng hành. Đó cũng là tâm trạng người tín hữu hôm nay, vắng bóng Chúa trong cuộc đời, con người dễ sa vào những lời đường mật của ma quỷ, chúng đưa con người đi trên những con đường thênh thang của hưởng thụ và tiêu thụ, chúng dẫn con người đi trên những xa lộ của chủ nghĩa cá nhân, vì thế, chằng bao lâu, con người thấy rằng cuộc đời đâu cần có sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự hiện diện phiền toái và mất tự do.
Để các học trò của mình được vững tin trên mọi nẻo đường, Đức Giesu đã trắc nghiệm niềm tin và lòng mến của các ông, giúp các ông đặt giá trị của niềm tin và lòng mến dành cho Thiên Chúa xứng hợp với giá trị của tình yêu: “Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Ba mức độ của niềm tin, ba mức độ của tình yêu, niềm tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa không thể sánh ngang với đồ vật, với phương tiện phục vụ cuộc sống được, niềm tin và tình yêu đó cũng không sánh bằng với niềm tin và tình yêu dành cho bạn bè, cho gia đình, cho người thân được, nhưng niềm tin và tình yêu đó phải trỗi vượt trên tất cả, chọn Thiên Chúa là gia nghiệp cuộc đời, thì phải sống hết tình, hết mình với Ngài, dù phải hy sinh. Đó là đỉnh cao của niềm tin và tình yêu tự hiến.
Chúa sống lại không làm thay đổi diện mạo bên ngoài của các Tông đồ, nhưng Ngài đã thay đổi suy nghĩ, thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong trái tim và tâm hồn họ, niềm tin của họ giờ đây không còn mang tính vụ lợi cho cuộc sống hiện tại, nhưng là siêu vượt lên một tầm cao mới, nơi đó niềm tin sẽ là chất xúc tác gắn bó con người với Thiên Chúa trong sự sống thiêng liêng. Chính trong sự gắn bó này, con người tìm được cho mình động lực để phục vụ, để hiến dâng và để nên một với Thiên Chúa. Khởi đi từ một thái độ quan tâm và chăm sóc trong công việc hàng ngày, Đức Giesu phục sinh đã đưa các học trò ra khỏi vòng kim cô của thế gian, trở thành những người tự do, luôn vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người, luôn lắng nghe tiếng Thiên Chúa hơn là tiếng của thế gian. Mầu nhiệm phục sinh sẽ thay đổi tất cả những bất toàn trong hành động đức tin của người tín hữu hôm nay nếu họ chấp nhận để cho Đức Giesu phục sinh uốn nắn và tái sinh.
Lạy Chúa Giesu phục sinh, sự hiện diện của Chúa bên bờ biển cùng với hình ảnh phục vụ các học trò từ miếng ăn cho đến cái mặc, diễn tả một Thiên Chúa tình yêu luôn gần gũi với con người, xin cho chúng con học được bài học cúi xuống trong tinh thần phục vụ, để được gặp Chúa giữa dòng đời. Chúa muốn con người hãy vun đắp cho mình một niềm tin thật ý nghĩa và tinh ròng, để vượt qua mọi thách đố giữa cuộc đời, xin cho chúng con biết đặt Chúa vào giữa trung tâm cuộc đời và trái tim của mình, có như thế, chúng con không bao giờ cô đơn giữa dòng đời. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh