195 Thứ Năm trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh
Cv 15:7-21; Tv 96:1-2,2-3,10; Ga 15:9-11
Ở LẠI TRONG
“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, và cũng là lời mời gọi cho bất kỳ ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài, và muốn có được niềm vui trọn vẹn. “Hãy” đó là một sự mời mọc, sự khuyến khích đầy yêu mến và tế nhị, vì Chúa Giêsu luôn tôn trọng tự do của các tông đồ, cũng như tôn trọng tự do đáp trả của mỗi chúng ta. Ngài mời gọi các tông đồ hãy “Ở lại trong”, đây quả là một điều hết sức đặc biệt được thánh sử Gioan diễn tả về mối thâm tình kết hiệp giữa thầy Giêsu và các môn đệ, giữa Thiên Chúa và con người.
“Ở lại trong” chứ không phải “ở lại với” (diễn tả một sự liên hệ gần kề, mang tính thể lý), “ở lại trong” diễn tả một sự liên kết mật thiết hơn nhiều, đó là sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha, các môn đệ ở trong Chúa Giêsu, và như thế có nghĩa rằng tất cả nên một bản vị, một Hiện hữu duy nhất không thể tách lẻ hay chia rời.
Nhưng làm sao chúng ta có thể ở lại trong Chúa Giêsu? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, nếu chúng ta không thực sự biết yêu mến với lòng khiêm tốn và khát khao Ngài.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta cảm nhận tình yêu thương của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con là tình yêu thương, nên Chúa Giê-su cũng muốn trao cho các môn đệ tình yêu mà Chúa Cha ban cho Ngài, Chúa mời gọi các ông hãy ở lại trong tình thương yêu của Người ?
Thể hiện lòng yêu thương của mỗi người lên Thiên Chúa như thế nào? Khi yêu mến người nào, có phải ta luôn quan tâm và tìm hiểu mọi vấn đề có liên quan đến người ấy và tìm cách làm vui lòng người? Kinh nghiệm của Thánh Gioan Maria Viianey: “Yêu Chúa hết tâm hồn, tức là chỉ yêu một mình Người, tức là làm cho Người hiện diện trong những gì chúng ta yêu mến. Chúng ta không thể yêu Chúa mà không chứng tỏ điều ấy”.
Điểm nổi bật của Ki-tô giáo luôn dạy các tín hữu về tình yêu thương nhau, làm sao duy trì được tình yêu thương ấy, trong Kinh Thánh, khi Chúa Giêsu còn ở thế gian, Ngài luôn cầu nguyện với Chúa Cha, lắng nghe và thực hành theo Thánh ý Chúa Cha. “Nếu anh em giữ điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”.
Vậy chúng ta sẽ làm gì? Có phải niềm vui mỗi ngày của chúng ta là được nghe Lời Chúa? Lời Chúa có tác động gì đến tâm tư tình cảm mỗi người có như lúc đọc những bức thư tình của người yêu đi xa gởi lại, mong đợi ngày trở lại là ngày trùng phùng trong hân hoan.
Đọc với tâm tình yêu thương là động lực tích lũy Lời Chúa thấm nhuần vào tâm hồn một cách dồi dào, từ đó mọi hành động của chúng ta sẽ hướng về Chúa, cũng là để hiểu được tâm sự của Người đã thổ lộ tình yêu với chúng ta và những việc Người đã làm cho mọi người được vui sống trong hạnh phúc. Thánh Tôma Aquinô chia sẻ: “Yêu mến Chúa thì cao trọng hơn nhận biết Ngài” và thánh Grêgôriô cũng nói: “Sống theo luật, là sống theo Chúa”.
Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ chìa khóa, để các ông mở cánh cửa chính đi vào mối tương quan nhiệm hiệp với Thiên Chúa (Ở lại trong), đó là giữ các điều răn của Ngài. Và chính Chúa Giêsu là một ví dụ về việc tuân giữ các điều răn ấy từ Chúa Cha. Để làm điều đó:
Trước hết, các ông cần xác tín rằng, tình yêu Chúa Giêsu dành cho từng người các ông là vô biên, là trọn hảo, là toàn vẹn, tình yêu ấy giống như tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho Ngài. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.
Sau cùng, các ông cần thực hành (tuân giữ) những điều mà Chúa Giêsu đã truyền dạy, cũng như chính Ngài đã tuân giữ các điều răn của Chúa Cha dạy. Khi thực hành như thế tức là các ông đang được ở trong tình yêu của Chúa Giêsu, cũng có nghĩa là ở trong tình yêu của Chúa Cha.
Chính khi các tông đồ thực hiện những điều ấy, thì các ông mới được ở trong niềm vui của Đức Kitô, và như vậy niềm vui của các ông mới được nên trọn vẹn.
Quả thế, niềm vui của Chúa Giêsu là yêu mến và vâng phục Chúa Cha; niềm vui của Chúa Giêsu cũng chính là niềm vui của người môn đệ, mà chính Ngài đã chia sẻ cho họ. Do vậy, niềm vui của người môn đệ chính là yêu mến và vâng phục Chúa Giêsu, và qua đó họ vâng phục Chúa Cha.
Trong xã hội ngày nay, lời mời gọi “Hãy ở lại trong tình thương của Chúa” luôn là một động lực mạnh mẽ, thúc bách người Ki-tô hữu đến gần Chúa hơn. Năm Lòng Chúa Thương xót như là một phương thế cụ thể mà Chúa Giêsu qua Giáo Hội giang rộng vòng tay đón nhận và ôm ấp bất kỳ ai đến với Ngài.
Huệ minh