20/5 Thứ Sáu trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh
Cv 15:22-31; Tv 57:8-9,10-12; Ga 15:12-17
YÊU NHƯ THẦY
Trang Tin mừng hôm nay là những lời tâm huyết, lời trăng trối của Chúa Giêsu nói với các môn đệ yêu quý nhất trong bữa ăn cuối cùng trước khi Ngài bước vào cuộc thương khó khốc liệt. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”. Giáo hội đã đón nhận lời dạy này như một “di sản thiêng liêng” và còn gọi là “điều răn mới”. Vấn đề đặt ra điều răn này “mới” ở chỗ nào, mới về thời gian, về ý nghĩa hay về một điều gì khác. Sở dĩ gọi là “điều răn mới” vì Chúa Giêsu muốn người môn đệ “yêu như Thầy”. Không phải yêu theo kiểu “đầu môi chót lưỡi”, yêu để được yêu lại, yêu vì lợi lộc, tiếng tăm hay vì bất cứ một điều gì khác.
Điều răn mới trong Tin Mừng Gioan mang đậm nét Ki-tô học vì là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu”. Nghĩa là yêu thương nhau bằng tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho các môn đệ.Thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”, hay nói cách khác tình yêu là bản chất của Thiên Chúa. Tình yêu ấy lớn hơn mọi thứ lợi lộc của cải vật chất, sâu rộng hơn mọi ước muốn, bao trùm, thắng vượt mọi yếu hèn và tội lỗi của con người. Ngài đã dùng cả cái chết của mình để định nghĩa tình yêu, để chứng minh cho “điều răn mới ấy”. Ngài không chỉ yêu người công chính mà còn yêu cả những người tội lỗi, kẻ vong ân phản bội … Ngài đã yêu và cho đi đến giọt máu cuối cùng.
Với tin mừng Thánh Gioan, chúng ta như được thưởng thức một bản tình ca tuyệt đẹp mà trong đó “tình yêu” được xem là một “chủ âm”. Vì tất cả mọi lời nói việc làm của Chúa Giêsu đều diễn tả tình yêu tự hiến vâng phục ý Chúa Cha và hiến mạng để chuộc tội cho loài người chúng ta. Ngài đã đến thế gian để yêu con người với nỗi cuồng si bất tận. Ngài luôn chạnh lòng thương, đồng cảm với niềm vui nỗi buồn của con người.
Đi đến đâu Chúa Giêsu cũng thi ân giáng phúc đến đó. Ngài đã đến để chia sẻ niềm vui trong tiệc cưới tại Cana và cũng đến đồng bàn với những người tội lỗi, bất chấp mọi tiếng đời xầm xì khinh dể. Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi cho con người, chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền về thể xác cũng như tâm hồn. Ngài làm cho người mù sáng mắt, người què đi được, xua trừ ma quỷ, tẩy sạch những gì là nhơ uế. Ngài đặc biệt quan tâm đến người góa bụa, trẻ em, người thấp cổ bé miệng…
Lòng thương cảm của Chúa Giêsu thấm đẫm từng trang Tin Mừng. Từng lời, từng chữ, từng cử chỉ hành động của Ngài đều tỏ cho con người biết tình thương của một vị Thiên Chúa bao la như một người cha nhân hậu, quảng đại như một người mục tử nhân lành dám hiến mạng vì đoàn chiên, gần gũi thiết than như một người bạn luôn chia sẻ mọi nỗi khó khăn, nhọc nhằn của con người.
Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống “điều răn mới” là “yêu như Thầy đã yêu”. Điều này không dễ thực hiện bởi lẽ con người chúng ta còn mang đầy tính ích kỷ, chỉ yêu những gì thuộc về mình, có lợi cho mình, mấy ai dám yêu kẻ thù để rồi chịu thiệt thòi mất mát. Hãy nhìn lên Chúa Giêsu là khuôn mẫu của tình yêu.
Vì thế ai yêu thương thì nên giống Thiên Chúa. Tình yêu ấy chính là động lực cho con người thêm can đảm lướt thắng mọi nỗi sợ hãi, gian nan vất vả kể cả cái chết. Yêu thương càng nồng nàn, đức mến càng rộng khắp, giống như cách nói của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintho “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu…Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (1Cr 13, 4.7).
Thiên Chúa bộc lộ cho con người biết mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa thật lớn lao, cao sâu đến nỗi hy sinh cả Người Con Một Duy Nhất. Tình yêu ấy là sự kết hợp và vâng phục ý Cha được thực hiện qua Chúa Giêsu. Vì thế ai yêu thương thì nên giống Thiên Chúa, và khi yêu thương con người được gọi là bạn hữu của Thiên Chúa.
Quả thật, đức mến là yêu thương, yêu thương bao hàm sự tin tưởng. Ở một khía cạnh khác, tình yêu có sức năng động sáng tạo. Chính Thiên Chúa đã tác tạo con người có trái tim biết yêu thương để họ xây dựng đời nhau và viên toàn thăng hoa thân phận mình. Kín múc tình yêu từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nên ai yêu thương trong Thiên Chúa thì tình yêu ấy luôn bền chặt dù có phải trải qua sóng gió, thử thách. Nếu không có Thiên Chúa là nguyên lý của tình yêu chắc chắn con người không thể yêu thương gắn bó trọn kiếp cho nhau được.
Văn sĩ Gilliéron bảo rằng “ cuộc sống vốn nhiều đau thương và u uẩn, nhưng luôn có một thứ hằng chiếu tỏa biến đổi tất cả đó là Tình Yêu Thương. Không có gì quý giá hơn tình yêu thương. Thế giới chỉ có niềm vui trọn vẹn, có sự an hòa hạnh phúc khi mọi người biết đối xử với nhau tình yêu thương.Tình yêu như không khí để con người hít thở mà tồn tại, thử hỏi cuộc sống này thiếu vắng tình yêu thì ai còn muốn sống.
Cây không có gốc thì không đứng vững, con người không biết yêu thương thì không thể tồn tại. Nếu không có tình yêu, chim chóc sẽ ngừng ca hát, hoa lá thôi không nở, sông suối thác nguồn chẳng còn tuôn chảy róc rách. Nếu không có tình yêu, các thánh chẳng còn chịu đổ máu tử vì đạo bởi tình yêu có một mãnh lực phi thường chiến thắng cả sự chết. Tất cả mọi thứ đến từ tình yêu thì luôn vững bền. Giàu sang mà không có tình yêu là thứ giàu sang phù hoa, mau qua, thành công mà vắng bóng tình yêu thì chỉ như ánh hào quang lóe lên rồi vụt tắt. Ở nơi nào đó không có tình yêu ngự trị, nơi đó có tranh chấp, thù hận và dối gian, nơi đó in dấu muộn phiền. Tình yêu làm cho trời bừng sáng, cho đất tràn trề sức sống, cho hạt nảy mầm, cho cây trổ hoa và kết trái.
Cố nhạc sĩ sĩ tài hoa họ Trịnh đã chiêm nghiệm cuộc đời trong từng giai điệu, từng lời ca nốt nhạc. Ông cho rằng “sống trên đời này, chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá của cuộc đời mỗi người”.
Huệ Minh