Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 19 Tháng 5 2022 12:04

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 6 Mùa Phục Sinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 6 Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 14, 23-29)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".

Suy niệm

Giáo hội đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài đang làm việc miệt mài, Ngài đang xây dựng một gia đình của Thiên Chúa dựa trên nền tảng tình yêu, chân lý và sự sống của Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ sáu mùa phục sinh, mời gọi mỗi người luôn ý thức về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, đồng thời, mời gọi mỗi người cộng tác với Chúa Thánh Thần, để biến đổi chính mình, đem lại niềm vui và sự sống mới cho gia đình, cho cộng đoàn và cho nhân loại. Chúa Thánh Thần hiện diện để mở trí, soi sáng giúp con người hiểu được những bài giáo huấn của Con Thiên Chúa làm người, Đức Giesu đã dạy dỗ các môn đệ, dạy dỗ cộng đoàn nhưng hầu như chưa ai có thể hiểu những bài giáo lý đó, chỉ tới lúc Chúa Thánh Thần, Đấng được gọi là Thần Chân lý, là Sự thật, hiện diện cách đích thực trong gia đình Giáo hội, Ngài mới khai trí, mở lối cho con người từng ngày khám phá những giá trị của Chân lý, của Sự sống đến từ Thiên Chúa tình yêu.

Đời sống tôn giáo của các cộng đoàn giáo hội sơ khai gặp không ít khó khăn bởi rất nhiều người chưa chấp nhận mầu nhiệm phục sinh, chưa chấp nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, vì thế, sự chia rẽ giữa cộng đoàn luôn là một vấn nạn. Bài đọc 1 trích từ sách Tông đồ Công vụ kể lại cho chúng ta những khó khăn mà các Tông đồ, các anh em tín hữu Kito phải đối diện hàng ngày: “Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này”. Với lý do bảo vệ tôn giáo của tổ tiên, bảo vệ lề luật, không ít người Do thái đã nổi loạn, xúi dục các cộng đoàn chống lại các Tông đồ, và đó là chống lại Chúa Thánh Thần. Họ nại vào việc cắt bì theo truyền thống để nói về ơn cứu độ, về những ai đủ điều kiện gia nhập vào cộng đoàn dân Chúa. Những dấu chỉ bên ngoài đó không thể đem lại ơn cứu độ, nhưng phải cần đến niềm tin, cần đến thái độ chấp nhận một Thiên Chúa tình yêu, đã ban Người Con duy nhất cho nhân loại, Người Con đó đã sống giữa gia đình nhân loại, đã chết vì thái độ hung bạo của con người và nay Ngài đã và đang sống. Đây còn được coi là thái độ cố chấp của con người, phủ nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, phủ nhận những công việc Ngài đang thực hiện qua những chứng nhân là các Tông đồ.

Trước vẻ đẹp nguy nga của ngai tòa Chiên Con, thánh Gioan đã được chứng kiến và đã viết lại trong sách Khải huyền, phần nào chúng ta thấy được phần thưởng lớn lao dành cho những người tin, chứ không dành cho những người đã chịu phép cắt bì: “Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê”. Thành thánh đến từ trời là nơi dành cho những kẻ tin, những người quảng đại cộng tác với Chúa Thánh Thần, để xây dựng một gia đình cho Thiên Chúa, cũng như đã can đảm lên đường, loan báo về ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Vì thành trì đó không thuộc về thế gian, không có mặt trên thế gian, nên con người chưa thể thấy, chưa thể hiểu được như thế nào, do đó, họ còn hoài nghi về cõi phúc mai sau, còn hững hờ với những lời tiên báo của Con Thiên Chúa khi Ngài còn ở thế gian.

Trước khi rời thế gian để về trời, Đức Giesu còn nhiều trăn trở trước thái độ vô tâm của con người. Vì thế, Ngài đã thổi hơi trên các Tông đồ, ban Chúa Thánh Thần cho các ông, đặc biệt trong những buổi sinh hoạt sau đó, Chúa Thánh Thần bắt đầu hiện diện chính thức và dẫn lối cho các Tông đồ đi loan báo tin mừng: “Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. Đức Giesu dạy dỗ con người những gì Chúa Cha đã nói với Ngài, dù vậy, con người chưa thể lãnh hội tất cả, phải đợi cho tới lúc Chúa Thánh Thần hoạt động, soi lòng mở trí cho các ông, họ mới bắt đầu thấy cần phải đổi mới chính mình, đổi mới ý thức về niềm tin, về Thiên Chúa và về giá trị của con người trước mặt Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần được mệnh danh là Thần Chân lý, là Sự thật. Ngài đến giúp con người nhận ra đâu là sự thật, đâu là một nửa sự thật, và đâu là những điều mạo danh sự thật, bóp méo những giá trị thuộc về Chân lý. Chấp nhận một Đức Giesu lịch sử, đồng thời, Ngài đã chết và nay đang sống với Giáo hội cách thiêng liêng, là một sự thật hiển nhiên, nhưng ngay các Tông đồ, nếu không có Chúa Thánh Thần, sẽ mãi hoài nghi về mầu nhiệm này. Để biết đâu là sự thật, người tín hữu không thể dựa vào lý trí tự nhiên, nhưng cần có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ngài hướng dẫn con người biết và hiểu được giá trị thiêng liêng của sự thật. Biết và hiểu là những khái niệm ban đầu giúp con người tiến tới gần hơn với sự thật. Từ đây, con người có đủ can đảm, đủ khiêm tốn để chấp nhận sự thật hay không. Philato biết việc kết án Đức Giesu là không đúng sự thật vì tội nhân không có dấu hiệu phạm tội, thế mà ông vẫn để cho người Do thái kết án Đức Giesu, biết và hiểu đó là sự thật, nhưng vì những yếu tố liên quan đến quyền bính, địa vị, uy tín và của cải vật chất, nên Philato và rất nhiều người đã bẻ cong sự thật.

Chấp nhận một sự thật trong cuộc sống, đã là một sự mạo hiểm, sống sự thật và làm chứng cho sự thật, cần một thái độ sống mạo hiểm hơn rất nhiều. Đức Giesu khi đến trần gian, Ngài đã bộc bạch về sứ mạng cùng với sự điệp Ngài đem tới, Ngài vâng lời Chúa Cha đến cứu độ con người, sứ điệp Ngài đem tới là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha. vì muốn cứu tất cả, Ngài đã tranh luận với nhiều tầng lớp trong cộng đoàn, để mở trí cho họ biết sự thật về ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Thế nhưng, Ngài bị chống đội kịch liệt, bị khép vào tội chết về xúc phạm Thiên Chúa, xúc phạm đền thờ, xúc phạm lề luật. Những yếu tố đó đều quy về một Thiên Chúa, nhưng vì họ không chấp nhận sự thật nên tìm cách loại trừ Ngài. Trước sự tấn công của ma quỷ, Đức Giesu vẫn luôn bảo vệ sự thật, dùng chính sự sống mình để nói lên sự thật cứu độ mà Ngài đem tới từ trời. Cái chết của Ngài là một lời chứng cho sự thật. Cái chết đó có sự chứng giám của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Đức Giesu biết con người chưa hình dung ra sự thật đó như thế nào, nên đã kết án tử cho Ngài. Vì thế, sau khi sống lại, Đức Giesu đã ban Thần Chân lý là Chúa Thánh Thần, để Ngài soi trí mở lòng cho con người nhận biết ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa Cha, qua mầu nhiệm tử nạn của Người Con duy nhất là Đức Giesu.

Một nửa sự thật không bao giờ là một sự thật. Biết đâu là sự thật là một cố gắng của con người, biết rồi cần phải chấp nhận sự thật đó dưới ánh sáng của Lời Chúa và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Có khiêm tốn thực hiện như thế, người tín hữu mới có thể sống sự thật đó qua lời chứng là cuộc đời của chính mình. Đối diện với một xã hội thực dụng và thiên về vật chất, người tín hữu chấp nhận sự thật ở một mức độ tương đối, cũng như sống sự thật cũng như thế. Những giá trị của tôn giáo, của Thánh Kinh không thể là tương đối, không thể là nửa vời được, không thể cùng một lúc người đầy tớ làm tôi hai chủ, người tín hữu không thể vừa thờ phượng Thiên Chúa vừa thờ các thần ngoại khác. Chỉ vì họ chưa gặp gỡ được Chúa Thánh Thần, chưa một lần nghe tiếng Ngài nhắc nhở, chỉ dạy, nên họ vô tình quên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Không thể đánh đồng sự thật với gian dối, không thể đánh đồng những giá trị của Thiên Chúa với những giá trị ảo của thế gian được. Đức Giesu đã hiểu rõ bản chất hữu hạn của con người, nên Ngài đã ban Thần Chân lý cho con người. Chúng ta có đủ can đảm để đón nhận Ngài, mời Ngài đến, ở lại trong cuộc đời chúng ta, đồng thời hướng dẫn chúng ta tiến tới con đường trọn lành theo thánh ý Chúa trong cuộc đời.

Lạy Chúa Giesu, hiểu được nỗi niềm của con người, Chúa đã ban cho con người Chúa Thánh Thần, là Thần Chân lý, để dạy dỗ, hướng dẫn chúng con sống ơn gọi của mình cách vẹn toàn, xin cho chúng con luôn biết đón nhận, lắng nghe lời dạy bảo của Chúa Thánh Thần, để cuộc đời của chúng con là nhịp cầu cho Ngài đi vào giữa lòng thế giới. Chúa luôn ở với con người trong các bí tích, để cùng với Chúa Thánh Thần, ban thêm nguồn sống và nâng đỡ chúng con giữa dòng đời, xin cho chúng con luôn biết cố gắng đón nhận các bí tích trong niềm tin và lòng mến, để được ở trong vòng tay yêu thương cùng với sự chăm sóc của Thiên Chúa tình yêu. Amen.

Lm Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 471 times