11.6 Thánh Barnabas, Tông Đồ
1 V 19:19-21; Tv 16:1-2,5,7-8,9-10; Mt 5:33-37
Sống thật
Tiếp theo các bài Tin Mừng của hai ngày trước, hôm nay, Đức Giêsu nói về đề tài thứ ba trong vấn đề tương quan với người thân cận: đề tài liên quan đến sự thật.
Chúa Giêsu đến kiện toàn Lề luật và lời các tiên tri nên Ngài dạy các môn đệ: Luật xưa cấm bội thề (lỗi lời thề), nghĩa là luật xưa cho phép thề nhưng một khi đã thề thì không được bỏ lời thề, mà phải làm đúng theo lời đã thề hứa. Còn Thầy, Thầy không cho thề thốt chi hết, mà phải luôn luôn thành thật: bụng nghĩ sao, miệng nói vậy, luôn luôn phải nói đúng sự thật, mọi lời giả dối, phỉnh gạt là do “ác quỷ” bầy vẽ bịa đặt, làm cớ cho người ta lỗi phạm lề luật và mất uy tín, không tin cậy nhau.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự lương thiện và chân thật trong lời nói cũng như những hành động của con người. Ngài cho chúng ta hiểu rằng Ngài chính là cội nguồn của chân lý và chân lý của Ngài giải thoát chúng ta khỏi các ảo tưởng và sự giả dối. Chính vì thế, Chúa Giêsu lên án những kẻ làm chứng dối và luôn cả những kẻ lấy danh Thiên Chúa mà thề nguyền. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn đệ rằng: lời nói của các ông phải bắt rễ từ cội nguồn sự thật là Thiên Chúa, mà không cần tới một nghi thức, hay thủ tục rườm rà hay giả tạo nào của xã hội loài người đặt ra để bảo đảm cho lời chứng của mình.
Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra”. Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.
Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.
Chúa Giêsu nói: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,33-37).
Mỗi lần tôi xa nhà, mẹ tôi đều căn dặn: con phải sống thật thà với Chúa, với mọi người xung quanh và với chính mình. Mẹ ước mong cho tôi nên người có giá trị, luôn có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác. Để được như thế tôi không nên nghi ngờ, dối gian, mà phải sống trung thực đặc biệt trong lời nói. Chúa cũng dạy tôi như vậy “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Sở dĩ có chuyện thề thốt trong xã hội, là vì có sự thiếu chân thành giữa người với người. Sự thề thốt, tự nó, đã là một bằng chứng rõ ràng của sự trục trặc trong tương quan giữa người với người. Các kinh sư và các người Pharisêu phận biệt hai loại thề: thề nhân danh Đức Chúa và lấy sự vật mà thề. Họ cho rằng loại thứ nhất có tính ràng buộc, còn loại thứ hai thì không, tức là người ta có thể rút lại lời thế.
Trong Nước Thiên Chúa, sự chân thật là quy luật sống và “phúc thay ai tinh sạch trong lòng”. Vì thế, sự thề thốt hoàn toàn không còn giá trị. Và Đức Giêsu dạy: “Đừng thề chi cả”.
Thiên Chúa rất ghét sự gian trá, Ngài đã phạt thật nặng những người lừa đảo, thiếu thành thực. Sách Công vụ Tông đồ có thuật lại: Hồi ấy, có hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, lấy tiền dâng các tông đồ, nhưng lại lừa đảo thánh Phêrô, giữ lại một phần. Người chồng là Anania đưa tiền để dưới chân thánh Phêrô, và vì thiếu thành thực, nên thánh Phêrô đã nặng lời lên án hành vi giả trá của anh. Lập tức anh ngã lăn ra chết.
Ai trong chúng ta cũng hơn một lần hối tiếc vì những lời do miệng lưỡi chúng ta thốt ra. Và một lời lẽ xúc phạm đến người khác cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa. Một lời dối trá cũng là một lừa đảo người khác, đồng thời xúc phạm đến bản thân bởi vì đánh đổ hình ảnh của Thiên Chúa – Đấng chân thật.
Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.
Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta can đảm để làm chứng cho lời chân lý của Ngài.
Huệ Minh