14.6 Thứ Ba trong tuần thứ Mười Một Mùa Quanh Năm
1 V 21:17-29; Tv 51:3-4,5-6,11,16; Mt 5:43-48
Yêu thương kẻ thù
Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.
“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những “anh em” được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Trong Tin Mừng thánh Mathêu hôm nay chúng ta được nghe một bài học từ Chúa Giê Su, một bài học đầy trăm ngàn khó khăn, thử thách của đức tin cho mỗi chúng ta phải học tập và thực nghiệm, “Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con”.
Đây chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ, đồng thời cũng là lời mời gọi cho những ai đang bước theo Ngài trên lộ trình cứu độ. Thật vậy, cốt lõi Đạo Công Giáo của chúng ta là đạo yêu thương, bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì bản chất của Ngài là Tình Yêu.
“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời. Khi dạy “hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là đề nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại, tha thứ.
“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài đã nêu gương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Như vậy, Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù.
Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan. Là Kitô hữu, đó không phải là một chọn lựa nhu nhược hay thụ động, nhưng một chọn lựa rất nhân lành, là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu, hơn là sức mạnh của chiến tranh và hận thù.
Giáo hội đã để lại nhiều gương sáng của lòng thứ tha vĩ đại. Cao trọng nhất là qua Các Thánh Tử Vì Đạo, hình ảnh các Ngài đối diện cái chết, không bao giờ buông một đả đảo, sỉ vả hay oán hờn các kẻ đã bách hại mình. Hình ảnh Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan PhaoLô Đệ Nhị vào tù thăm viếng và nói câu tha thứ kẻ đã dùng súng bắn hại Ngài, một hình ảnh được thế giới coi là hình ảnh đẹp nhất của thế kỷ 21. Việt Nam chúng ta cũng có gương sáng ngời của Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Ngài hoàn toàn không oán hận và luôn tha thứ các người Cộng Sản Việt Nam đã giam cầm Ngài trong 13 năm khổ sai.
Mỗi người là kẻ thù của chính mình. Mỗi khi chúng ta cưu mang thù hận, thì đó là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù tự tiêu diệt mình. Mỗi khi chúng ta khước từ tha thứ và không thi ân cho kẻ thù ghét bách hại chúng ta, đó là lúc chúng ta tự giam hãm trong thù hận để tự huỷ hoại mình.
Kẻ thù khủng khiếp nhất, kẻ thù tiếp cận với con người nhất là cõi lòng tích chứa hận thù. Nếu loại bỏ thù hận ra khỏi lòng mình, ta sẽ biến đổi kẻ thù thành bạn hữu, và lúc đó sự bình an và vui sống cũng được tái lập trong tâm hồn chúng ta.
Trong đòi hỏi yêu thương kẻ thù, giai đoạn đầu tiên là yêu thương mọi người, không trừ ai. Giai đoạn thứ hai phát xuất từ giai đoạn một: một khi đã yêu thương mọi người không trừ ai, tất phải yêu thương cả kẻ thù nghịch là những người cố ý hay vô tình làm hại ta. Nếu làm được như thế là đã cố gắng trở thành toàn thiện như Cha trên trời toàn thiện.
Chúa dạy môn đệ phải biết sống một cách cao hơn: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con” – Lý do cũng cao hơn: “các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”
Huệ Minh