Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 9, 11b-17)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
Suy niệm
Mỗi ngày, người tín hữu Kito được mời tham dự Thánh lễ, để từ đó, họ được hiệp thông trong lời cầu nguyện, được gắn bó với Thiên Chúa qua của lễ tiến dâng, được chung lời tạ ơn Thiên Chúa. Có thể nói bàn tiệc Thánh lễ như một bàn tiệc tạ ơn, một bàn tiệc sự sống và một bàn tiệc huynh đệ. Từ bàn tiệc thiêng liêng đó, người tín hữu được hòa mình vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, đồng thời, Thiên Chúa được đi vào trong từng nhịp sống, từng hơi thở và từng hạt máu của con người. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể là một sự hiện diện gần gũi, hiện diện để nên một, hiện diện để biến đổi con người trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Thiên Chúa, còn Thiên Chúa, khi hiện diện để biến đổi trong mỗi con người, Ngài trở thành người bạn đồng hành với con người trong mọi sinh hoạt của thường ngày, Ngài còn hiện diện trong những biến cố cuộc đời, trong từng nỗi khổ đau, thất bại và bất hạnh của phận người. Chúa nhật mừng trọng thể lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giesu, nhắc nhở cho các tín hữu Kito, mỗi ngày hãy dâng lên những của lễ cuộc đời từ lao công vất vả, từ mọi vui buồn sướng khổ, để được Thiên Chúa cảm thông, chia sẻ và đồng hành.
Sau khi được chọn làm tổ phụ một dân tộc được gọi là dân riêng của Thiên Chúa, ông Ab-ram luôn trung thành với niềm tin độc thần của mình bằng những hành vi đức tin thật khiêm tốn. Mỗi ngày ông dâng lễ đền tội và tạ ơn Thiên Chúa. Chứng kiến những hành vi đức tin của ông, vua Sa-lem là Men-ki-sê-đê và cũng là thượng tế của Thiên Chúa, đã đem bánh và rượu tới, cùng với ông Ab-ram dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, bởi Ngài đã chấp nhận những của lễ từ lao công, từ ruộng vườn của con người, để tha thứ tội lỗi, để chúc lành và giữ gìn con người mỗi ngày trong hành trình cuộc đời: “Trong những ngày ấy, Mel-ki-xê-đê là vua thành Sa-lem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Ab-ram rằng: "Xin Thiên Chúa Tối Cao và Ðấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Ab-ram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông". Và Ab-ram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm”. Lễ vật của hai ông dâng cho Thiên Chúa không phải là những thứ sang trọng hay của ngon vật lạ, nhưng là những hoa trái từ ruộng vườn, từ những hoa lợi của công ăn việc làm hàng ngày, cộng góp vào đó là tấm lòng chân thành, yêu mến và biết ơn. Thiên Chúa đã đón nhận của lễ đó, đã chúc lành cho các ông, đã giữ gìn các ông mỗi ngày, để các ông luôn đi trong sự bình an và che chở của Ngài.
Buổi đầu của Giáo hội là những phút giây cầu nguyện và bẻ bánh bên nhau trong tình huynh đệ, đó là sự sống thiêng liêng giúp nuôi dưỡng cộng đoàn cả tinh thần lẫn thể xác. Những buổi họp nhau cầu nguyện như thế, còn là một sợi dây thiêng liêng gắn kết cả những người yếu đau, những người lớn tuổi trong cộng đoàn. Thánh Phaolo đã diễn tả những buổi cầu nguyện của cộng đoàn giáo hội tại thành Corintho như là những bàn tiệc huynh đệ thiêng liêng, đem lại cho các tín hữu những của ăn thiêng liêng, đây cũng là hình ảnh của Thánh lễ ngày nay: “Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Bàn tiệc huynh đệ thiêng liêng của Giáo hội từ thưở ban đầu, đã liên kết mọi anh chị em trong gia đình của Thiên Chúa nên một thân thể mầu nhiệm. Những thức ăn trên bàn tiệc đó, là những cộng góp của mỗi người, tất cả đến từ lao động, từ mọi sinh hoạt, từ những âu lo và những thăng trầm của cuộc sống. cũng từ đây, sự sống thần linh của Con Thiên Chúa được hòa quyện vào sự sống của con người, hơn nữa, họ còn được tẩy xóa mọi tội lỗi nhờ máu giao ước tình yêu của Ngài. Con Thiên Chúa hòa mình vào trong sự sống của con người, chia sẻ với con người từ bao công khó trong cuộc sống, bên cạnh những vất vả trong lao động, con người còn được Thiên Chúa chia sẻ những lo toan, những khát mong tốt lành cho cuộc đời, Ngài giúp họ biết chọn lựa, biết buông bỏ và biết cố gắng tìm kiếm điều thiện hảo cho cuộc đời.
Trước một đám đông theo Ngài để được dạy dỗ, Đức Giesu động lòng thương, Ngài đề nghị các môn đệ cho họ ăn, dù biết các ông không thể làm gì được, nhưng Ngài muốn họ cố gắng để cộng tác trong việc nuôi dưỡng những người đang kiếm tìm sự sống đời đời. Con Thiên Chúa đã thi thố tình yêu của Thiên Chúa khi cho họ ăn no nê với những tấm bánh tình yêu: “Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Từ những tấm bánh nhỏ bé, Đức Giesu đặt vào đó chiều sâu của tình yêu trao ban, tình yêu tự hiến, Con Thiên Chúa làm người cùng chia sẻ với con người những vất vả từ cuộc sống, đồng thời, Ngài đón nhận những lời nguyện cầu con người dâng lên, để thánh hóa tất cả những cố gắng của con người. Dưới lăng kính của niềm tin, sự hiện diện của Đức Giesu nơi bàn tiệc Thánh lễ là một sự hiện diện của một Thiên Chúa trong hình hài một con người, Ngài đang lắng nghe và đối thoại với con người. Trong cuộc đối thoại đó, con người nhiều khi không đủ can đảm để lắng nghe và nói chuyện với Ngài.
Những phút giây hiệp nhau cầu nguyện và bẻ bánh của các cộng đoàn giáo hội sơ khai, là những khoảng lặng hạnh phúc và bình an nhất đối với người tín hữu Kito. Họ lắng nghe Lời Chúa từ Kinh Thánh, họ tin rằng Thiên Chúa đang nói với họ để giúp họ giải gỡ những bế tắc hàng ngày, đang hướng dẫn họ đi tìm những lối nẻo để sống có ích, sống tử tế với nhau, đặc biệt là giúp họ thực hiện ý của Chúa Cha trong mỗi ơn gọi và hoàn cảnh của họ. Dù con người không nghe được tiếng Thiên Chúa nói như người đang đối diện với mình, nhưng Ngài luôn nói chuyện với con người qua Lời hằng sống mỗi ngày, sau khi nghe dạy dỗ, con người cảm thấy đó làm niềm an ủi, là lúc cánh cửa hy vọng mở ra giúp họ bình tâm trở về với trách vụ hàng ngày. Trước lúc họ ra về, họ dâng lên Ngài những lễ vật tạ ơn, bày tỏ tấm lòng chân thành, của lễ đó đến từ những hoa trái của lao động, của lễ đó được cộng góp từ bao giọt mồ hôi sớm trưa trong cuộc sống, của lễ đó còn là những lầm lỗi, những thiếu sót, con người dâng lên để bày tỏ tấm lòng hiếu kính và biết ơn Thiên Chúa. Hiệp lễ là lúc họ được hân hoan đón nhận Thiên Chúa đi vào cuộc sống với họ, Ngài hòa vào từng nhịp sống, từ hơi thở, từng giọt máu và cả trăn trở âu lo của cuộc đời. Ngài đem sự bình an của Thiên Chúa đến cho con người, để con người có thể tự tin đi trong ân sủng, và kiến tạo niềm hạnh phúc cho bản thân và tha nhân khi biết cộng tác, biết chia sẻ và biết cảm thông với nhau.
Song hành với một xã hội ồn ào của vật chất, khoa học và kỹ thuật, con người bị cuốn vào vòng xoáy của thời đại kỹ nghệ, thời giờ đối với họ là một yếu tố xa xỉ, thinh lặng để lắng nghe lại là một yếu tố bất đắc dĩ, do đó, người tín hữu hôm nay tới nhà thờ tham dự Thánh lễ như là một gánh nặng, một sự bắt buộc của tôn giáo, vì thế, họ rất khó để có thể quảng đại đến với Chúa sớm hơn một chút, chuẩn bị tâm hồn thật thanh thản, để rồi khi nghe Chúa nói, họ đón nhận, họ thấu hiểu và tìm thấy niềm vui tin mừng cho riêng mình. Nghe được tiếng nói của Chúa trong Thánh lễ, người tín hữu sẽ biết mình làm gì để dâng cho Chúa trong của lễ hiệp thông với chủ tế, họ sẽ dâng cho Chúa con người, cuộc đời của họ, tất cả được đặt lên đĩa thánh, dâng lên cho Thiên Chúa. Bên cạnh đó, họ dám mở lòng đón Chúa Thánh Thể vào trong tâm hồn, để Ngài đồng hành với chính mỗi người. Khi Chúa Thánh Thể được con người đón chào, Ngài sẽ đem sự bình an trời cao tới như một món quà tình yêu, để từ chiều sâu của món quà đó, người tín hữu can đảm sống ơn gọi chứng nhân tin mừng tình yêu giữa đời.
Lạy Chúa Giesu, Chúa lập bí tích Thánh Thể để ở lại với con người, chung chia với con người bao nỗi trăn trở, lo toan từ cuộc sống, đồng thời, hướng dẫn con người tìm về với Chân – Thiện – Mỹ, tìm về với cội nguồn tình yêu là Thiên Chúa, xin cho chúng con mỗi khi tham dự Thánh lễ, luôn ý thức rằng Chúa đang nói chuyện với chúng con, giúp chúng con nên giống Chúa hơn mỗi ngày. Chúa đến trần gian như một của lễ dâng về Chúa Cha trong mầu nhiệm hy tế thập giá, xin hướng dẫn chúng con biết dâng về Chúa Cha hy lễ cuộc đời mỗi người, là hy sinh, là lao động, là trao ban, là cảm thông, là cộng tác cùng với những lầm lỗi và thiếu sót trong phận người, tất cả làm nên những của lễ đến từ tấm lòng, đến từ niềm tin. Xin Chúa đón nhận và chúc lành cho chúng con. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh