19.6 Lễ Mình Máu Thánh Chúa
St 14:18-20; Tv 110:1,2,3,4; 1 Cr 11:23-26; Lc 9:11-17
Sự sống thần linh
Lễ Mình Máu Thánh Chúa là dịp để chúng ta tạ ơn về tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tình Ngài vẫn đong đầy cho chúng ta qua Thánh Thể Chúa. Tình Ngài vẫn chịu hiến tế vì chúng ta và qua đó trao ban cho chúng ta tấm bánh sự sống đời đời để: “Ai ăn bánh này sẽ không chết bao giờ”. Xin cho chúng ta luôn biết siêng năng đón nhận Thánh Thể Chúa là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Ước gì chúng ta cũng biết hiến tế đời mình kết hợp với hiến tế của Chúa để sinh ơn ích cho mình và cho muôn người.
Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha, rồi Chúa Cha thông ban Sự Sống của mình cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con) và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu xác nhận sự sống của mình từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha.” (Ga 6, 57)
Có lẽ Chúa Giêsu khi chọn tấm bánh làm nên từ hạt lúa miến là biểu tượng cho chính thân thể Ngài, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc nhở con người phải trân quý Tấm Bánh Trời Ban, vì đây cũng là dấu chỉ của một tình yêu cao cả không phải của con người làm ra mà là của Thiên Chúa ân ban. Tấm bánh biểu lộ tình yêu tự hiến hy sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Tấm bánh là thành quả của mồ hôi, của công sức, của hy tế hiến dâng để trở nên của ăn của uống cho nhân trần.
Trong Thánh Kinh ghi lại: “Trong đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu cầm bánh bẻ ra và trao cho các môn đệ.” Tại sao không phải là một đêm thanh bình hay một ngày bình an để thiết lập Bí tích Thánh Thể? Tại sao Chúa Giêsu lại chọn giữa lúc nguy nan trăm bề sợ hãi để trao ban Thánh Thể Mình cho các môn sinh? Có lẽ, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh yếu tố hy tế thập giá, là một hy tế tự hiến đầy hy sinh. Thánh Thể được làm nên trong hiến tế thập giá, trong máu và nước mắt của Chúa. Thiên Chúa đã làm tất cả điều đó vì yêu con người.
Vì yêu mà Ngài chẳng màng những hy sinh, những đắng cay muôn phần. Cũng như một người mẹ chẳng quản ngại dầm mưa giãi nắng để gieo trồng hạt gạo thì Chúa Giê-su cũng đi vào cuộc thương khó để làm thánh tấm bánh hằng sống cho nhân trần. Nếu như cha ông ta đã từng đồng cảm với bao vất vả cực nhọc thấm đẫm mồ hôi của người nông dân, chân lấm tay bùn và lên tiếng nhắc nhở mọi người: “Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.” Có lẽ Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng món quà Thánh Thể mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta. Một món quà vô giá vì được ban tặng trong hiến tế đẫm máu của Đức Kitô trên Thập giá. Một món quà mà Thiên Chúa đã vun đắp với trọn tình yêu hy sinh chết cho người mình yêu.
Mừng lễ kính Mình Máu Chúa hôm nay như là ôn lại một kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm đại gia đình Giáo Hội của chúng ta. Bí tích Thánh Thể là trung tâm trong đời sống của mỗi người chúng ta cũng như là trung tâm của sinh hoạt Giáo Hội. Mỗi người chúng ta cũng như toàn thể Giáo Hội đều được mời gọi ôn lại kinh nghiệm gia đình mà Chúa Giêsu đã thực hiện với các tông đồ ngày xưa, Ngài mời gọi các tông đồ hãy cộng tác với Ngài để cho đi, cho đi chính Ngài, cho đi chính bản thân của họ.
Mỗi người chúng ta hôm nay cử hành lễ Mình Thánh Chúa, chúng ta cũng được mời gọi cho đi chính mình như Chúa đã cho đi. Chúng ta tôn thờ sự hiện diện của Chúa không đủ, chúng ta còn phải để cho Chúa sống trong chúng ta, để Chúa cho đi trong chúng ta và chúng ta được mời gọi cho đi như Ngài. Xin Chúa củng cố đức tin cho chúng ta, để chúng ta cho đi trong tình thương bác ái, để chúng ta được sống như Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày như Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.
Kỳ lạ làm sao tình Chúa yêu nhân thế trong Bí tích Thánh Thể! Nhưng có lẽ cũng kỳ lạ không kém khi con người dửng dưng, lạnh lùng và xem thường việc rước Chúa. Không ít người cảm thấy nguội lạnh, chẳng xứng đáng được Chúa ngự vào. Nhưng những người đó hãy ghi nhớ lời Thánh Catarina Xiêna: “Kẻ nói mình nguội lạnh, không dám rước lễ cũng giống như người biết mình bị cảm lạnh mà không chịu đến lò sưởi ấm, ấy thật là dại dột.” Thế nên, càng biết mình nguội lạnh, khô khan, hay hèn yếu, ta càng phải siêng năng đến gần với lò lửa tình thương đang bừng cháy. Các thánh khuyên ta hãy siêng năng rước lễ vì “một lần rước lễ được nhiều ơn ích hơn một tuần ăn chay” (T. Vincentê Phêriê).
Nếu không thể rước Chúa cách trực tiếp thì cũng hãy rước lễ cách thiêng liêng. Với lòng ước ao rước Chúa cũng đủ để khử trừ mọi tội nhẹ và giữ gìn ta khỏi các tội trọng rồi. Nếu không thể đi dâng Lễ hàng ngày, thì hãy đọc lên lời nguyện “Rước lễ Thiêng liêng” sau đây để lửa mến Chúa được bừng cháy luôn trong tâm hồn: “Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong phép Thánh Thể, nên lòng con khát khao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ con chẳng được rước thật Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa xin hãy ngự vào lòng con”.
Huệ Minh