Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 23 Tháng 6 2022 10:49

Yêu như Chúa yêu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Yêu như Chúa yêu

 

 

24.6 Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

2 V 25:1-12; Tv 137:1-2,3,4-5,6; Mt 8:1-4

Yêu như Chúa yêu

Thiên Chúa là một người cha, nhưng lại có tấm lòng của một người mẹ; vì hết mọi quả tim của người mẹ đều bắt nguồn từ Chúa. Và lòng Ngài còn mênh mông hơn lòng một người mẹ. Trong sách tiên tri Isaia (49, 15): “mẹ nào lại quên con đẻ mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi!”  Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thếá đó. Hơn nữa, Chúa còn mến thương ta với tâm tình người bạn, người anh, người chị, vì mọi tình cảm tốt đẹp của con tim đều kín múc từ Thánh Tâm Chúa.

Đức Kitô đã mang lấy thương tích vì cứu độ chúng ta. Ngài đã bị mất tất cả vì phần rỗi chúng ta. Nhưng liệu có mấy ai mạnh dạn tuyên xưng tình yêu của ngài giữa thế giới, giữa bạn bè hàng xóm láng giềng? Có mấy ai đã nhận ra rằng: Ngài đã mang lấy tất cả những đau đớn đó vì chúng ta? Có mấy ai đã đền đáp tình yêu của Ngài bằng đời sống sám hối canh tân đời sống của mình cho xứng với tình yêu của Chúa? Hay chúng ta cũng vô ơn tệ bạc như cô gái kia. Cô mặc cảm xấu hổ vì người mẹ dị hình ghê sợ. Cô đã quên rằng. Cô được như vậy là nhờ tình thương bao boc chở che của mẹ. Cô được như vậy là nhờ sự hy sinh tận tụy của người mẹ đến hao mòn vì con.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ kính toàn bộ kế hoạch cứu độ yêu thương của Chúa. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là tình yêu”. Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu diễn tả sâu xa nhất lời yêu thương của Ngài. Chết mới diễn tả tất cả, chết mới thốt nên lời. Lời của Chúa Giêsu trên thập tự: “Ta khát” là lời tình yêu.

Tình thương biểu lộ nơi lòng Đức Kitô Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ví Ngài như người Mục Tử Nhân Lành, đã bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm một con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì quên hết những nỗi vất vả cực nhọc do con chiên lạc gây ra cho mình, không trách mắng cũng không đánh đập, không cho là con chiên lạc lầm lỗi, trái lại đã vui vẻ vác chiên lên vai đưa về tận nhà. Về tới nhà, người ấy còn mời mọi người cùng chia sẻ niềm vui với ông nữa.

Hình ảnh người Mục tử Nhân Lành đã diễn tả tình yêu thương sống động và cụ thể của Chúa Giêsu. Tình yêu thương ấy có khi khó hiểu và khó chấp nhận đối với chúng ta cũng như với nhóm Biệt Phái ngày xưa. Bởi vì chúng ta thường ích kỷ, hẹp hòi, bủn xỉn… chính những người Biệt Phái xưa cũng đã từng phiền trách khi thấy Chúa Giêsu đón tiếp và cũng ăn uống với những người tội lỗi vì yêu thương họ? Quả thật, Ngài đã khẳng định một cách không thể hiểu khác hơn được : “Chỉ có bệnh nhân mới cần thầy thuốc” mà ở đây Chúa là thầy Thuốc, là Lương Y Từ Mẫu…mà các bệnh nhân đang mong đợi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã xác định mục tiêu Ngài theo đuổi trong cuộc sống : “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Ngài không đến để xét xử luận phạt, nhưng là để cứu độ, để “cho họ được sống và sống dồi dào.

Trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, thái độ của người anh cả cũng hẹp hòi, bủn xỉn trước tình thương của người cha nhân lành. Anh ta không chấp nhận cho cha yêu thương đứa em đã có một quá khứ xấu xa, tội lỗi… không chấp nhận cho nó làm lại cuộc đời. Thái độ đó không phù hợp với Tin Mừng, với Trái Tim Chúa Giêsu, người Mục Tử Nhân Lành. Từ chỗ không hiểu tình thương của Chúa đối với người khác, chúng ta cũng có thể không hiểu tình thương của Chúa đối với chính mình. Đó quả là một điều tai hại ! không hiểu thì không biết cám ơn và không biết đáp trả tình yêu của Chúa.

Mỗi khi tôn kính Trái tim Chúa Giêsu, là dịp để chúng ta tạ tội với Chúa, vì những lần chúng ta thờ ơ với tình yêu của Chúa, và còn tệ hơn nữa là những lần chúng ta quay lưng lại với tình yêu tận hiến của Chúa. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi noi gương yêu thương của Ngài để sống với tha nhân. Sống bằng tinh yêu vô vị lợi để có thể không chỉ yêu thương những kẻ thân thiết mà còn cả những người xa lạ. Một tình yêu có thể tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình. Một tình yêu có thể cứu chuộc anh em cho đến hơi thở cuối cùng mà thánh Gioan đã nói: “Ngài đã yêu thương họ đến cùng”.

Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su hôm nay, chúng ta vừa cùng nhau suy niệm một vài nét về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Đây quả là một tình yêu tuyệt vời, chúng ta không thể lấy gì để đền đáp cho cân xứng. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, chắc chắn Thiên Chúa cũng không cần chúng ta đền đáp, vì Ngài là Đấng toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Ngài không còn thiếu điều gì.

Do đó, đáp lại tình yêu của Đức Giê-su, tâm tình đầu tiên mỗi người chúng ta cần có là đến và ở lại trong tình yêu của Ngài. Và đó chính là điều làm cho Ngài vui mừng nhất. Ngài vui mừng vì một con chiên lạc giờ đây đã trở về và ở lại trong sự chăm sóc của Ngài. Chúng ta cũng có thể nhận ra điều này khi nhìn ngắm nét mặt rạng rỡ, hân hoan của người mẹ khi ôm ấp những đứa con trong vòng tay của mình. Trong vòng tay của mẹ, có thể đứa trẻ chẳng làm gì cho người mẹ, có khi em còn quấy rầy bà nữa, nhưng tự thâm tâm, người mẹ vẫn cảm thấy vui. Bà vui vì con bà đang ở với bà, đang tin tưởng và cậy trông nơi bà.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể yêu thương tới con người không giới hạn, khônh từ nan. Còn loài người chúng ta dầu có thề thốt gì với nhau đi chăng nữa cũng rất mong manh, chứa đầy bất trắc. Hoặc do lòng người thay đổi, hoặc hoàn cảnh bên ngoài cản ngăn. Tình yêu của loài người dầu mãnh liệt khiến sông sâu cũng lội núi cao cũng trèo vẫn là tương đối, có giới hạn, nhiều kẽ hở, lắm rủi ro, có lúc yếu đuối. Biết bao tình yêu tưởng chừng thách thức thời gian, nhưng lại bị thời gian làm sói mòn, phai nhạt, rồi đi tới tan vỡ.

Quả thật Thiên Chúa đã yêu thương ta như vậy. Dầu chúng ta như thếá nào, chúng ta vẫn có một chỗ an nghỉ trong trái tim của Thiên Chúa, chúng vẫn được Thiên Chúa yêu thương tối đa. Và cái tối đa của Thiên Chúa thì thật vô cùng vô tận.

Cuối cùng, để đáp lại Tình Yêu của Thánh Tâm Chúa Giê-su dành cho chúng ta, mỗi người chúng ta cũng phải biết sống yêu thương nhau. Chúng ta hãy mở rộng lòng mình, để cho tình yêu của Đức Giê-su tuôn chảy qua chúng ta đến với anh chị em của mình. Nhờ đó, tất cả chúng ta sẽ hiệp nhất nên một đoàn chiên, có cùng một chủ chiên là Đức Giê-su.

Huệ Minh

Read 345 times Last modified on Thứ sáu, 24 Tháng 6 2022 15:26