Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 16 Mùa Thường Niên
Posted by Ban Biên TậpTin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 38-42)
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".
Suy niệm
Mỗi ngày, từ sáng sớm tới hoàng hôn, con người nghe rất nhiều âm thanh từ cuộc sống, nào là sự biến động của nhiên liệu đốt, nào là sự tăng vọt của lương thực, thực phẩm, nào là sự bất đồng trong giáo dục, trong mọi lãnh vực sinh hoạt thường ngày. Tất cả những tiếng ồn ào đó, làm cho cuộc sống con người bị cuốn vào dòng chảy đầy những rủi ro đó, con người không thể nghe được tiếng nói trong chính con người của mình, hơn nữa, họ cũng không nghe nỗi tiếng nói của sự thật, của công lý. Sự ồn ào của cuộc sống kéo luôn cả người Kito hữu vào cuộc, làm cho phẩm giá của người tín hữu Kito tục hóa, vong thân giữa đời. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 16 thường niên đưa chúng ta trở lại với những cuộc thăm viếng của Thiên Chúa, qua các sứ giả, qua các nhân vật được sai đi, đặc biệt là cuộc thăm viếng của Con Thiên Chúa làm người tại ngôi nhà của chị em bà Mat-ta.
Dù rất bận rộn vì phải vật lộn với cuộc sống, nhưng tổ phụ dân Do thái là ông Ab-ra-ham vẫn biết dừng lại để đón tiếp những vị khách đặc biệt, dù ông chưa biết đó là các thiên sứ của Thiên Chúa. Câu chuyện tổ phụ dân riêng Thiên Chúa được tác giả sách Sáng thế ký ghi lại, và chúng ta nghe trong bài đọc 1, để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc sống hiện tại, về thái độ cần có, khi biết chia sẻ niềm vui cuộc sống với mọi người, đặc biệt là những vị khách quý: “Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con". Dù chưa biết là ai, nhưng thái độ niềm nở, ân cần của vị tổ phụ đáng cho chúng ta học hỏi. Chính thái độ đó mà gia đình ông đã được Thiên Chúa chúc phúc và cho một người con trai nối dõi tông đường. Phần thưởng của người khiêm tốn, của người biết tôn trọng tha nhân, tuy không lớn lao nhưng rất ý nghĩa, bởi đó là sự ân cần của Thiên Chúa dành cho con người.
Khi trình bày các mầu nhiệm cứu độ cho cộng đoàn Cô-lô-sê, thánh Phaolo nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đức Giesu Kito phục sinh, sự có mặt của Ngài không đóng khung trong vùng đất Do thái, nhưng Ngài hiện diện khắp mọi nơi, giữa các cộng đoàn Kito hữu dân ngoại. đây là lúc Thiên Chúa viếng thăm dân Người, là mọi dân tộc dưới bầu trời. Chúng ta sẽ nghe tâm tình đó trong bài đọc 2: “Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô”. Con Thiên Chúa đi vào ngôi nhà của nhân loại, viếng thăm từng con người, hỏi han mọi công việc, chia sẻ mọi nỗi niềm cuộc sống. Không biết con người có tỉnh thức để nhận ra cuộc viếng thăm đó hay không, và có đủ can đảm dừng lại, để đón tiếp Ngài, để thưa chuyện với Ngài hay không ?
Trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giesu ghé thăm gia đình cô Mat-ta. Đây là hành trình cứu độ của Con Thiên Chúa. Ngài ghé thăm một số gia đình, để thấu hiểu, để lắng nghe và để chia sẻ, đồng thời, Ngài sẽ đón nhận những khó khăn, những vất vả của con người, tất cả sẽ được Ngài đưa lên thập giá, dâng cho Chúa Cha như một của lễ hy sinh: “Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Mat-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người”. Gia đình cô Mat-ta cũng như bao gia đình khác, luôn tất bật với cuộc sống, luôn bị cuốn vào công ăn việc làm, chẳng có phút giây nghỉ ngơi, ngay cả khi Đấng Cứu Thế ghé thăm, cô chị vẫn chạy lên chạy xuống, phần thì lo chuẩn bị thiết đãi khách, phần thì lo công việc hàng ngày, chẳng dám bỏ ra một phút để đón Chúa cách tử tế, lịch lãm. Cô em là Ma-ri-a đã tận dụng cơ hội, dám phá bỏ truyền thống, ngồi lại dưới chân Đấng Cứu Thế, để lắng nghe những lời chân lý, lời hằng sống, để cuộc sống của cô ta dễ chịu hơn, đáng sống hơn và yêu đời hơn.
Thiên Chúa đã ghé thăm dân người, đã ở lại với dân người và sống cùng với dân người, thế nhưng, có được bao nhiêu người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong ngôi nhà của nhân loại. Hàng ngày, con người cứ bận rộn, tất bật với muôn vàn công việc, từ làm ăn sinh sống, cho đến việc thư giãn và nghỉ ngơi, tất cả các nhu cầu của con người luôn lôi kéo họ vào như một cơn lốc xoáy, những gì thuộc về thế gian đã làm chủ và điều khiển con người, biến họ như một cỗ máy sinh học, như một phương tiện của cuộc sống, họ sẽ không còn thời gian để dừng lại trò chuyện với Ngài, hay lắng nghe lời chỉ dạy của Thiên Chúa, khởi đi từ tiếng lương tâm, rồi đến giáo huấn của Giáo hội. Điểm dừng chân của Thiên Chúa là ngôi nhà nhân loại, nơi đó, Ngài muốn gặp từng người và mọi người, để thấu hiểu, để cảm thông và để chung chia cuộc sống đầy ắp những áp lực, vậy mà, thay vì được lắng nghe và trò chuyện, Thiên Chúa chỉ nhận được thái độ dửng dưng và vô tâm của con người.
Phần thưởng dành cho ai biết lắng nghe Lời Chúa là được sống hạnh phúc, bình an như cô Ma-ri-a trong gia đình Mat-ta, cô em gái đã can đảm vượt qua mọi lời đàm tiếu của dư luận, dám đánh đổi luôn tình chị em, để ngồi lắng nghe Con Thiên Chúa dạy dỗ. Sự đánh đổi đó đã đem lại cho cô em gái một phần thưởng, không phải là vật chất của cải, nhưng là được sở hữu Nước Trời ngay từ hôm nay. Sống trong một thế giới nặng về vật chất và quyền bính, con người ngại ngùng khi được đề nghị đánh đổi cái này để sở hữu cái kia, đánh đổi vật chất, quyền bính, để được sở hữu Nước Trời, bởi Nước Trời vô hình, Nước Trời không có giấy tờ hồ sơ để sở hữu, để mua bán và cầm cố. Lắng nghe Lời Chúa không có nghĩa là thụ động trước những giá trị của đời sống hôm nay và mai sau, nhưng sẽ chủ động để chọn lựa và quyết định cuộc đời cho chính mình, đồng thời giúp đỡ tha nhân có một kết thúc cuộc đời viên mãn hơn và ý nghĩa hơn.
Lời Chúa là sức sống của con người, là niềm vui cuộc đời và là nguồn mạch của bình an và hạnh phúc cho con người. Thiên Chúa ghé thăm dân người, dạy dỗ và hướng dẫn con người biết sống, biết chọn lựa và biết phân định về cuộc đời, để mỗi ngày sống có ý nghĩa hơn. Tuy giá trị của Lời Chúa không đánh giá bằng vật chất, nhưng có sức mạnh vô hình, giúp con người vượt thắng những cám dỗ, những cạm bẩy và những bế tắc giữa cuộc đời. Người tín hữu Kito hôm nay, khi sống trong một thế giới nặng mùi vật chất và quyền bính, cần phải dựa vào sức mạnh của Lời Chúa, để ơn gọi Kito hữu của mình được phát huy trong mọi hoàn cảnh và khả năng của bản thân. Bạn và tôi đều là những Kito hữu, nhưng nhiều lúc chúng ta chỉ nghe Lời Chúa như một bản tin, như một câu chuyện thần thoại nào đó, chứ không phải là một lời nhắc của Đấng làm chủ vận mạng của mình và thế giới. Thiên Chúa vẫn còn hiện diện đó, để chờ, để đợi và để dạy dỗ con người, hãy can đảm vượt qua áp lực của công việc, của cuộc sống ồn ào, đặc biệt vượt qua quyền lực của vật chất, để chấp nhận ngồi xuống bên chân Chúa, lắng nghe Ngài chỉ dạy, để cuộc sống hôm nay có ý nghĩa hơn và mai ngày được ở lại trong ngôi nhà Thiên Chúa là Nước Trời.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đã bỏ ngai vàng trên trời, đi vào ngôi nhà nhân loại, viếng thăm từng góc nhỏ tâm hồn mỗi người và ở lại trong tổ ấm gia đình chúng con, Ngài ở lại đó để dạy dỗ, để hướng dẫn chúng con sống bổn phận, trách nhiệm và ơn gọi của mình có trách nhiệm hơn, xin giúp chúng con luôn ý thức Chúa đang ở đó, đợi chờ con, lắng nghe con và chia sẻ cuộc sống với con. Chúa đã viếng thăm gia đình cô Mat-ta và mong được chia sẻ cuộc sống khó khăn và thiếu thốn của gia đình, xin Chúa ghé thăm và giúp đỡ những gia đình khó khăn và bất hạnh, những gia đình có người ốm đau, bệnh tật, để giúp họ có một niềm tin và hy vọng, để đón nhận thập giá cuộc đời và sống trong niềm tin yêu và phó thác cho một Thiên Chúa tình yêu. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh