20.7 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Sáu Mùa Quanh Năm
Gr 1:1,4-10; Tv 71:1-2,3-4,5-6,15,17; Mt 13:1-9
Trở nên đất tốt
Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su, như một người thầy tinh tế, thường dùng các dụ ngôn qua những câu chuyện thực tế với những hình ảnh quen thuộc hằng ngày để người nghe có thể dễ dàng tiếp cận sứ điệp Tin Mừng. Thái độ đáp lại của họ thật khác biệt nhau: có người thì trầm trồ khen ngợi tài giảng thuyết của Ngài, có người lại trở nên chai đá cứng lòng. Thế nhưng các mầu nhiệm Nước Trời vẫn còn bị che khuất đối với họ. Điều đó khiến các tông đồ thắc mắc: tại sao Thầy không nói trắng ra mà lại dùng dụ ngôn? Thì đây, bí quyết được chính vị Thầy tinh tế đó tiết lộ: Hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời là một hồng ân Chúa ban; và để tiếp nhận được hồng ân đó cần có một cuộc sống thân mật gần gũi với Chúa Ki-tô. Quả thật trong những giây phút thân mật thầy và trò, Ngài mới giải thích ý nghĩa thâm sâu đích thực của các dụ ngôn đó.
Dụ ngôn là một hình thức giảng dạy dùng tỉ dụ từ phong tục trong dân chúng hay cuộc sống thường nhật để rút ra bài học, hay làm sáng tỏ một chân lý đạo đức hoặc tôn giáo. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo giống lúa tại Galilêa thời Chúa Giêsu: Galilêa là một xứ nhỏ, nhiều đồi núi, ít ruộng đất, đông dân cư, nên ruộng đất phải chia nát ra thành nhiều phần nhỏ, phần đất nào cũng có đường bờ làm cương giới. Phần nhiều đất không đủ màu mỡ, có nhiều chỗ pha trộn đá sỏi, đất đã xấu lại hỗn độn đầy cỏ, nhất là cỏ gai. Tuy nhiên cũng có nhiều chỗ đất phì nhiêu, người ta chỉ cày bừa kỹ rồi gieo vãi đợi đến mùa là gặt lúa về. Hiểu như thế giúp chúng ta dễ dàng hiểu lời Chúa hôm nay.Dụ ngôn người gieo giống cũng thuộc nhóm dụ ngôn liên hệ về Nước Trời như các dụ ngôn:
Hạt cải và nắm men ( Mt 13, 31 – 32 ).
Dụ ngôn kho báu và đá ngọc ( Mt 13, 44 – 46 )
Dụ ngôn các lưới cá ( Mt 13, 47 – 50 )
Dụ ngôn cỏ lùn ( Mt 13, 24 – 30 ).
Chúa Giêsu thường giảng bằng dụ ngôn ( Mt 13, 34 ). Với các môn đệ Ngài nói rõ sự thật, với người ngay lành, Ngài dùng dụ ngôn làm cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ các chân lý Ngài trình bày, và khám phá dần dần sự phong phú chứa đựng trong chân lý ấy. Với người không tiếp nhận thì chân lý không tỏ ra cho họ, và nếu lời giảng nhắm thẳng vào người nghe thì lời nói không làm cho họ quá đột ngột hay khó chịu, như khi Chúa muốn nói về nhóm Biệt Phái Luật sĩ.
Hàng Tư tế Dothái sẽ giết Chúa, Ngài đã dùng dụ ngôn các tá điền làm vườn nho để đến mùa nộp huê lợi cho chủ. Hơn nữa, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để thực hiện những lời tiên tri báo trước về việc dùng dụ ngôn: “mở miệng ra tôi sẽ nói dụ ngôn công bố điều huyền bí thuở xa xưa” ( Tv 78, 2 ). Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về Nước Trời, để giác ngộ người Dothái khỏi lầm lẫm về Nước Trời mà Ngài thiết lập không theo kiểu trần thế như họ tưởng nghĩ và mong muốn.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người gieo giống: người gieo giống trước tiên chính là Thiên Chúa, hạt giống là Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc thế gian, đất được gieo là nhân loại, đất khác nhau vì thái độ đón nhận khác nhau của từng người. Đồng thời người gieo giống là Chúa Giêsu, và tiếp tục là Giáo Hội qua muôn thế hệ, hạt giống là lời Chúa, đất được gieo là toàn thể nhân loại nói chung, và từng người nói riêng, đất khác nhau là thái độ đón nhận của người nghe khác nhau. Khi dùng những hình ảnh quen thuộc với thính giả Galilêa, Chúa Giêsu trình bày số phận của hạt giống tuỳ theo vùng đất tiếp nhận nó, đất sỏi, bụi gai, vệ đường, lại thêm những chướng ngại bên ngoài như chim trời, nắng gắt, nhưng có hạt rơi nhằm đất tốt thì sinh hoa kết quả nhiều, hạt được gấp trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi. Lời Chúa được giảng dạy cũng vậy, nó phát sinh hiệu quả cho người nghe tuỳ theo thái độ đón nhận của họ, và tuỳ thuộc vào cách họ sống. Chúa Giêsu đưa ra bốn loại: vệ đường, đá sỏi, bụi gai và đất tốt.
Chỉ có đất tốt mới có hiệu lực sinh hoa kết quả. Xét về hình thức thì việc rao giảng thất bại vì chỉ thành công với tỉ lệ ¼ nhưng về tính chất thì loại đất thứ tư lại gấp bội ba mươi, sáu mươi, một trăm, có nghĩa là hạt giống lời Chúa luôn là tốt có một tiềm năng hiệu lực, lúc đầu xem ra thất bại nhưng cuối cùng là vào ngày cánh chung sẽ thành công vì Nước Chúa sẽ trị đến. Hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu không áp đặt mà chỉ đề nghị và mời gọi mọi người hiểu được thái độ cần phải có để đón nghe lời Chúa cho sinh kết quả phần rỗi linh hồn mà tạo cho tâm hồn nên một mảnh đất tốt.
Chúng ta cần nhận thức giá trị thiêng liêng của lời Chúa mà tha thiết lắng nghe và chăm chú thi hành, chúng ta cần có tinh thần khao khát lời Chúa như một nhu cầu của sự sống, cần gạt bỏ những chướng ngại, nhất là các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn chúng ta, chúng ta cần từ bỏ những sự lo lắng ham mê những sự thế gian xác thịt để có một tâm hồn thanh thoát, trong sạch đón nhận lời Chúa. Chúng ta cần tu luyện cho có một tâm hồn khiêm nhường biết tin tưởng cậy trông, và yêu mến lời Chúa để cho lời Chúa biến đổi đời sống chúng ta, dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu độ, đến sự sống đời đời. Từ đó chúng ta trở nên một tông đồ đem lời Chúa đến cho mọi người cách hăng say nhiệt thành vì phần rỗi của mọi anh em chúng ta.
Chúa Ki-tô vẫn đang nói với chúng ta qua những “dụ ngôn” đời thường, những sự kiện văn hoá, xã hội, chính trị…, những biến cố xảy ra nơi giáo xứ, cộng đoàn, gia đình… Chúng mình chỉ có thể nhận ra sứ điệp của Chúa trong những giây phút cầu nguyện thân mật trầm lắng với Ngài.
Mỗi chúng ta có gắng cho tâm hồn mình trở nên đất tốt để Lời Chúa sinh hoa kết trái “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”? Khi lãnh bí tích Rửa tội, Chúa đã gieo vào lòng ta một hạt giống đức tin. Cây đức tin ấy ngày nay nó lớn đến đâu rồi? Giờ đây Chúa còn muốn chúng ta trở nên những người đi gieo giống cho Chúa nữa. Mà người gieo thì phải dầm mưa giãi nắng. Thánh kinh thì mô tả “người đi trong nước mắt đem hạt giống gieo trên nương đồng”. Chúa Giêsu đã đi gieo trong đau khổ và phải chết trên thập tự. Các thánh tông đồ đã theo gót thầy mình. Tất cả những hy sinh ấy đã làm nên đồng lúa Hội Thánh ngày nay.
Huệ Minh