19.8 Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi Mùa Quanh Năm
Ed 37:1-14; Tv 107:2-3,4-5,6-7,8-9; Mt 22:34-40
Điều răn trọng nhất (Mt 22,34-40)
Người Do thái có quá nhiều luật, đến độ họ không hiểu khoản luật nào là cốt yếu. Vì thế họ đưa vấn đề ra để thử Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa Giêsu vừa gọn gàng, minh bạch, vừa súc tích. Chúa Giêsu vạch ra cho họ thấy cái mấu chốt, điều cốt lõi của lề luật, đồng thời Người nâng cao khoản luật “Yêu tha nhân” tiếp ngay sau luật “Kính Thiên Chúa”. Kính Chúa yêu người là hai giới răn phải luôn đi đôi với nhau, như thánh Gioan đã khẳng định: “Kẻ nói kính Chúa mà không yêu người là kẻ nói dối”.
“Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39). Đó là hai giới răn trọng nhất trong niềm tin được Đức Giêsu trích dẫn từ sách Đệ Nhị Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 trong 613 điều răn trong luật của Do Thái. Các thầy rabbi thường tranh luận với nhau về tầm mức quan trọng của mỗi luật để chia ra thành điều răn “lớn” và điều răn “nhỏ”. Đệ Nhị Luật 6,5 là điều răn căn bản và chính yếu của Do Thái giáo.
Điều răn này luôn được dùng để mở đầu cho mỗi buổi lễ của người Do Thái, và đây cũng là luật đầu tiên các trẻ em Do Thái phải nhớ. Lòng kính yêu Thiên Chúa phải là hoàn toàn, bao gồm mọi suy xét, cảm kích và là động lực cho cuộc sống. Đức Giêsu liên kết hai điều răn này với nhau và Ngài đặt kính yêu Thiên Chúa trước tiên, sau đó là thương người. Sự liên hệ gắn bó giữa hai giới răn này: Tình yêu tha nhân càng sâu sắc khi chúng ta kính yêu Thiên Chúa.
Tình yêu với Đấng tối cao: “Hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…” là đưa cuộc sống ta theo sự dẫn dắt của Ngài. Với người Do Thái, tình yêu tha nhân được định hướng theo sách Lêvi 19, 18 viết: “Ngươi phải yêu mến người lân cận như chính mình ngươi”. Nhãn quan Kitô giáo lại đặt tình yêu tha nhân vào địa vị trung tâm, then chốt chủ yếu trong sự gắn bó với Thiên Chúa: “Ai không yêu anh em mình là kẻ mình thấy, thì sẽ không yêu được Thiên Chúa, Ðấng mình chẳng thấy. Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta yêu mến con cái Chúa” (1Ga 4, 20; 5, 2).
Tình yêu của Thiên Chúa là mô phạm cho các hành động yêu thương nhân loại: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” (Ga 13, 34). Yêu thương nhau trong Chúa là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa: “Cứ dấu này mọi người sẽ nhận ra các con là môn đệ Thầy: Đó là tình yêu các con trao cho nhau” (Ga 13, 35). Yêu Chúa và yêu người là hai giới răn gắn bó chặt chẽ với nhau đến nỗi thánh Gioan tông đồ tuyên bố yêu Chúa mà không yêu tha nhân là kẻ nói láo ( 1Ga 4,20).
Trong bài Tin mừng hôm nay, khi trả lời cho nhà thông luật, Chúa Giêsu cũng tóm lược giáo huấn yêu thương của Ngài: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất ?” Câu nói mà người thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu vừa là cái bẫy gài Ngài, vừa phản ánh tâm thức vụ hình thức của họ. Họ tuân giữ mọi lề luật, họ phân chia bậc thang giá trị của mỗi lề luật, họ đánh giá con người theo sự trung thành của người đó đối với lề luật, họ sẵn sàng hy sinh tất cả để trung thành với từng chi tiết của lề luật, thế nhưng họ lại không màng đến cái cốt lõi của lề luật là tình yêu thương.
Trả lời cho người thông luật, Chúa Giêsu nói: “Tất cả lề luật và lời các tiên tri đều qui về hai giới răn: mến Chúa và yêu người”. Điều đó có nghĩa là nếu loại bỏ tình thương ra khỏi lề luật, thì toàn bộ lâu đài của lề luật sẽ sụp đổ. Người thông luật và những Biệt phái hẳn phải ngạc nhiên về giáo huấn của Chúa Giêsu. Đối với họ, điều quan trọng là tuân giữ lề luật, chứ không phải sống theo tinh thần của lề luật là tình thương: họ sẵn sàng loại bỏ và khước từ tình thương đối với tha nhân để trung thành với lề luật, cụ thể là giữ ngày hưu lễ. Chúa Giêsu gọi giáo huấn của Ngài là một điều răn mới: mới vì Ngài đặt tình thương vào trọng tâm của lề luật, mới vì Ngài xem tình yêu đối với tha nhân như một thể hiện của lòng mến Chúa (Mỗi ngày một tin vui).
Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi của Đạo. Đi Đạo, sống Đạo, giữ Đạo, xét cho cùng chính là yêu thương, không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm tắt tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình yêu”, và ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Đấng nó không thấy”.
Trong thực hành, chúng ta không muốn đưa ra những câu định nghĩa trừu tượng về tình yêu Chúa và tha nhân, mà chỉ muốn đi vào thực hành trong cuộc sống.
Chúng ta có thể nhận định về câu nói của Đức cha Arthur Tonne: Yêu Chúa là gì ? Yêu mến Chúa là “ao ước làm vui lòng Chúa”. Lệnh truyền của Chúa Kitô có thể đọc là: “Con hãy ao ước làm vui lòng Chúa”
Yêu tha nhân có nghĩa là “ao ước làm điều thiện hảo cho họ”. Chúng ta không thể “làm điều thiện hảo cho Chúa”, nhưng chúng ta có thể ao ước làm vui lòng Ngài. Chúng ta có thể và phải làm điều thiện hảo cho tha nhân. Một trong những cách tốt nhất để làm vui lòng Chúa là làm điều thiện hảo cho tha nhân. Đã có những lần Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng ai yêu mến Chúa thì tuân giữ giới răn của Ngài. Cách đây vài Chúa nhật, chúng ta đã thấy rằng giới răn của Chúa là bằng chứng tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Tuân giữ điều răn Chúa là bằng chứng tình yêu của chúng ta đối với Ngài
Huệ Minh