8 Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu
1 Cr 2:1-5; Tv 119:97,98,99,100,101,102; Lc 4:16-30
BỊ NGƯỢC ĐÃI NGAY QUÊ HƯƠNG
Ngày 29 tháng 8, Giáo hội kính nhớ việc thánh Gioan tẩy giả bị chặt đầu, nghĩa là cuộc tử nạn của Ngài. Vị tiền hô lừng danh này từ thiếu thời, đã lui vào sa mạc để sống khoảng 25 năm khổ hạnh. Vào tuổi 29, Ngài được lệnh từ trời cao sai đến bên bờ sông Jordanô giảng phép thống hối và loan báo việc Đấng Thiên sai sắp tới. Khắp nơi, người ta đến với Ngài.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ Galilê tới xin Ngài rửa cho. Danh tiếng Ngài lẫy lừng khiến người Do Thái sai sứ giả đến chất vấn Ngài, Ngài khiêm tốn trả lời:
- Tôi không phải là đức Kitô.
Họ hỏi lại: - Vậy thì là ai ?
Ông đáp: - Tôi là tiếng kêu trong sa mạc: hãy bạt lối Chúa đi.
Họ lại hỏi thêm: - Vậy tại sao ông dám thanh tẩy ?
Ông trả lời: - Phần tôi, tôi thanh tẩy bằng nước. Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép Ngài. (x. Ga 1,19-27)
Rất mực khiêm tốn, nhưng tiếng tăm Ngài đã thấu tai Hêrôđê. Ông vua này biết Gioan "là người công chính và lành thánh nên vẫn che chở. Nghe ông thì Hêrôđê đâm phân vân nhiều nỗi nhưng lại cứ thích nghe" (Mc 6, 20). Hêrôđê bị Gioan bắt lỗi về việc ông ta cưới Hêrôđia vợ của anh ông làm vợ mình. Gioan đã nói: - Ông không được phép lấy vợ của anh. (Mc 1, 8)
Lời nói ấy phải trả giá bằng sự tự do. Gioan bị bắt tù. Nhưng việc tù tội của Gioan không làm giảm cơn giận của người đàn bà tội lỗi. Bà ta quyết tìm cách giết Gioan. Nhân một bữa tiệc Hêrôđê thết đãi tại hoàng cung, con gái mụ Hêrôđia vào nhảy múa giúp vui, nhà vua vui thích lắm, và hứa cho bất cứ gì nó muốn, ra hỏi người mẹ, nó trở lại hoàng cung và thưa: - Thần muốn Ngài ngự ban cho ngay trên chiếc đĩa cái đầu của Gioan Tẩy giả. (Mc 625)
Buồn phiền, nhưng vì đã lỡ thề hứa trước mặt quan khách, Hêrôđê đã sai thị vệ đi chặt đầu thánh nhân. Cái chết của thánh Gioan tẩy giả xảy ra khoảng một năm trước cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.
Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay khai mở cho sứ vụ truyền giáo của Ngài. Địa điểm Ngài chọn là Nagiarét, nơi Ngài được cưu mang lớn lên và trưởng thành tại đây. Đó cũng là lý do mà Ngài gặp nhiều khó khăn trên bước đường truyền giáo.
Chúng ta cũng tìm hiểu qua Bài Tin Mừng sau đây.
“Ngài vào hội đường Nagiarét” ( c.16). Hội đường là nơi hội họp của người Do Thái ở Palestine cũng như ở các nơi khác tụ về. Trong ngày Sabát họ đọc sách luật, sách ngôn sứ và sau đó là cắt nghĩa giảng giải. Người Do Thái nào đã đến tuổi trưởng thành đều có quyền đọc sách, nhưng người ta thường chọn vị nào có hiểu biết về kinh thánh để giảng giải cho dân. Chúa Giêsu đã đến tuổi trưởng thành và Ngài đã được ông trưởng hội đường trao nhiệm vụ đọc sách cho Ngài trong ngày hôm ấy. Đó là sách ngôn sứ Isaia. Ngài không chọn lựa nhưng mở ra và bắt gặp một đoạn nói về việc khởi đầu cho công cuộc rao giảng của Ngài. Hiện tượng này không thể xem là ngẫu nhiên, nhưng có lẽ Thiên Chúa đã sắp xếp khi giới thiệu Con Ngài vào trần gian trong sứ vụ Đấng Mêsia: “ Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” ( c. 18) ý nói về hoạt động của Chúa Giêsu là do Chúa Cha xức dầu và do Thánh Thần hướng dẫn. Đây là hoạt động của cả Ba Ngôi trong công trình cứu độ. Công việc của Chúa Giêsu là : “đem Tin Mừng cho người nghèo, loan báo cho kẻ giam cầm biết họ được phóng thích, ban cho người mù được thấy ánh sáng, kẻ bị áp bức được tha bổng, tự do, công bố năm hồng ân của Chúa” (18-19).
Với vỏn vẹn trong 2 câu, Thánh sử Luca đã mượn lời ngôn sứ Isaia để nói về thân phận và sứ vụ của Đức Giêsu. Ngài đến đem bình an, sự tự do và hạnh phúc cho những người nghèo khổ. Ngài chính là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi. Ngài cởi bỏ xiềng xích, tháo gỡ gông cùm cho những người tù tội, nô lệ. Ngài công bố năm hồng ân của Chúa mà đối với người Do Thái phải 50 năm mới được hưởng một lần. Trong năm hồng ân, mọi của cải mất mát sẽ trở về, ruộng đồng được nghỉ ngơi. Đó là năm ân xá cho toàn thể dân chúng (Lc 25, 10-13). Chúa Giêsu đến, Ngài công bố năm hống ân sẽ được thực hiện, phúc lành Thiên Chúa sẽ ban dư tràn trên dân, trên những ai biết mở loøng ra đón nhận.
Sau khi đọc sách xong, Chúa Giêsu cuộn sách trả lại và ngồi xuống giảng giải. Ngài khẳng định: “ Hôm nay lời kinh thánh mà các ông vừa nghe đã ứng nghiệm” (c. 20). Như thế là một cách Chúa Giêsu giới thiệu mình chính là Đấng Mêsia, Đấng đến từ Thiên Chúa mang phúc lành cho toàn dân và hôm nay ơn cứu độ đã đến. Mọi người đều tán thành những lời ấy ( c. 22).
Họ tỏ ra hiểu được sứ điệp của lời Người vừa đọc và như sẵn sàng chuẩn bị đón chào con người của Ngài, là người vừa thốt ra lời hay ý đẹp. Đến đây, chúng ta tưởng rằng việc rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu đã thành công ngay bước khởi đầu, ngay ngày “ ra quân”, thế mà họ lại xầm xì “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Một câu hỏi như muốn lột trần Chúa Giêsu bằng con mắt tự nhiên ghen tỵ của họ.
Họ thức tỉnh chính họ rằng: con người bằng xương bằng thịt đang đứng trước họ chỉ là con người bình thường trong một gia đình lao động mà họ biết rất rõ veà thân thế và sự nghiệp. Chúa Giêsu đã đọc được điều đó trong lòng họ, trong thái độ của họ nên Ngài vạch trần tỏ tường ghen tỵ ấy bằng một lời khẳng định : “ Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” ( c. 24). “ Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” ( Ga,11).
Đó là số phận của các ngôn sứ trong thời Cựu Ước và cũng là điềm báo cho số phận sau này của Chúa Giêsu. Ngài bị chính dân Ngài chối bỏ, giết chết bằng cách đóng đinh trên Thập Giá. Sống ngôn sứ là dám chết cho lời chứng của mình và cái chết là lối chứng hương hồn và sống động nhất. Như các ngôn sứ trong Cựu ước, như Gioan Tẩy Giả và nhất là như Chúa Giêsu Đấng đã gióng lên tiếng yêu bằng cây Thập giá vinh quang. Đó là lối đường yêu thương của Thiên Chúa: Yêu đến cùng (Ga 13,1).
Từ câu 25-27, Chúa Giêsu đưa ra dẫn chứng : Trong Cựu ước, những ai thuộc đoàn dân Chúa mà từ chối ơn lành, thì Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ ấy cho dân ngoại như Êlia đã giúp bà goá Xa-rep-ta, như Êlisa đã chữa Naaman xứ Xyria. Những ví dụ này đánh động lòng chai cứng của người Do Thái, nhưng họ cứ chai lì trong sự bướng bỉnh, cố chấp nên thay vì họ thay đổi, sám hối, ăn năn thì họ lại tỏ ra phẩn nộ, điên cuồng. Họ đồng phản ứng bằng cách: dứng dậy và lôi Chúa Giêsu ra khỏi thành, đưa lên đỉnh núi để tiêu diệt một con người dám nói lên sự thật, như gai nhọn đâm vào lòng họ. Họ muốn dập tắt tiếng nói lương tâm bằng hành vi giết chết một con người tiên tri. Nhưng họ không làm được vì giờ của Ngài chưa đến, vì con dường cứu độ của Ngài chỉ kết thúc ở Giêrusalem chứ không ở Nagiaret và Đức Giêsu cứ tiếp tục con đường sứ vụ của Ngài “Ngài băng qua giữa họ mà đi” (c.30). Ngài vẫn hiên ngang ra đi loan báo Tin Mừng, dù bị chống đối, phản kháng.
Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: "Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình", đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazaréth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.
Là thân thể, là sự nối dài của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng đang tiếp tục sứ mện tiên tri của Ngài trong trần thế, do đó, Giáo Hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại. Một Giáo Hội không bị chống đối và bách hại là một Giáo Hội thỏa hiệp, nghĩa là đánh mất vai trò tiên tri của mình.
Nhờ phép Rửa, người Kitô hữu cũng được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô: bằng lời nói, và nhất là chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò tiên tri của mình trong xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào trần thế. Ước gì chúng ta luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng của Chúa dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi tiên tri.
Huệ Minh