Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 07 Tháng 9 2022 15:55

Mừng Sinh Nhật Của “Lời Xin Vâng”

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Mừng Sinh Nhật Của “Lời Xin Vâng” Ngày sinh nhật là ngày ghi dấu ấn của một ai đó khi bước vào trần gian. Khi bước vào đời, mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên, sẽ sống cũng như sẽ mang phúc hay mang họa cho đời tùy theo cách nó sống. Ở trong cái vườn Địa Đàng, một cô gái được Thiên Chúa tạo thành. Ban đầu, chúng ta thấy tình cảm giữa Thiên Chúa và người nữ cũng như chồng của nàng rất tốt đẹp. Đọc trong Thánh Kinh, ta thấy Thiên Chúa xem họ như là bạn chứ không hề phân cấp : "Chiều chiều gió hiu hiu thổi, Thiên Chúa cùng đi dạo với hai ông bà trong vườn địa đàng !". Thế đấy ! Cứ mỗi buổi chiều, thì mối tình thắm thiết giữa Thiên Chúa và hai ông bà cứ tái diễn. Thiên Chúa cho hai ông bà được thừa hưởng tất cả những cây trái trong vườn nhưng chỉ trừ một cây biết lành biết dữ. Một ngày kia, khi Thiên Chúa chưa đến, vì tò mò, người đàn bà nguyên tổ của chúng sinh, đã mon men đến cái cây biết lành biết dữ đấy để tìm hiểu. Cay đắng thay khi bước đến, bỗng dưng con rắn trên cái cây biết lành biết dữ đã ngon ngọt dụ dỗ bà rằng : "Nếu bà ăn vào thì bà sẽ ngang bằng Thiên Chúa !". Chắc có lẽ, bà cảm thấy được hưởng trái cây trong vườn địa đàng là chưa thoả mãn, chưa bình an và phải tìm mọi cách sao cho ngang bằng Thiên Chúa. Không chỉ ăn một mình, bà còn rủ rê thêm ông chồng của mình ăn nữa. Ăn xong rồi thì quả thật quá cay đắng cho cuộc đời. Kết quả, không phải như lòng mong ước là bằng Thiên Chúa nhưng bi đát thay là bất tuân lệnh Chúa truyền. Kể từ ngày đó, hai ông bà đã vi phạm "hợp đồng" tình cảm, tương quan giữa Thiên Chúa và hai ông bà nên hai ông bà đã phải bị phạt ! Tội căn bản của sự vi phạm hợp đồng ấy chính là do tính kiêu căng, lòng ganh tỵ, ghen ghét muốn làm sao mình phải bằng Thiên Chúa mới chịu. Nếu như không bằng Thiên Chúa thì tìm đủ mọi cách cho bằng Thiên Chúa, nhưng làm sao mà bằng Thiên Chúa được khi Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá còn mình chỉ là thụ tạo nhỏ nhoi trong lòng bàn tay của Ngài. Lòng ganh tỵ ấy như là chứng bệnh di truyền, ăn vào máu của con người mỗi khi con người cất tiếng khóc chào đời. Bằng chứng là : cái tội bất tuân, cái tội ganh tỵ, cái tội kiêu ngạo ấy tưởng là bài học kinh nghiệm xương máu cho thế hệ mai sau, nhưng cứ đặt chân bước vào trần gian thì con người lại nhiễm trong mình dòng máu của ông bà nguyên tổ.  Như vậy ta thấy sự sinh ra, sự xuất hiện của Eva mang lại cái họa cho nhân loại. Nếu ở vườn Địa Đàng, Eva mang cái họa cho nhân loại thì ở cái làng quê Nagiaret nghèo, một thiếu nữ được sinh ra, được xuất hiện mang lại cái phúc cho nhân loại. Ở trình thuật truyền tin cho Maria, ta thấy ngược lại với sự bất tuân của Eva thì Maria lại ngỏ lời xin vâng. Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự Gaprien thần sứ tặng ban Chữ “Eva” Mẹ đảo vần Thành “Ave” gửi bình an cho đời (Thánh thi kinh chiều II, Lễ Đức Mẹ). Khởi đi từ sự bất tuân của Nguyên tổ loài người, nhân loại đã bị nhấn chìm trong màn đêm tăm tối triền miên của khổ đau và chết chóc. Lời xin vâng của Đức Maria đã khai sáng một bầu trời hy vọng cho nhân gian, đã làm sáng lên ý định yêu thương và trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng khai mở cho nhân loại một khung trời mới đầy ánh sáng huy hoàng, khởi xướng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hồng ân cứu độ. Và rồi ta thấy trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Bằng niềm tin và sự vâng phục, Mẹ đã tự do cộng tác vào công trình cứu độ. Từ lúc nhận lời Sứ thần truyền tin với lời “Xin vâng” đầu tiên, Mẹ đã sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Qua từng biến cố, Mẹ đã liên tục thưa những tiếng “Xin vâng”, để cùng với Chúa Giêsu tiến bước trong hành trình đức tin với lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha, để cuối cùng là lời “Xin vâng” hiệp nhất với Chúa Giêsu trên thập giá hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” Với lời “Xin vâng”, Mẹ Maria quả thực đã trở thành người đầu tiên trong nhân loại nói lên sự vâng phục trọn vẹn đối với Thiên Chúa. Trong khi thế trần vui mừng vì hy vọng được tha thứ nhờ lời “Xin vâng” của Mẹ, thì Mẹ Maria lại nghĩ đến những đòi hỏi gắt gao của lời xin vâng đó. Mẹ biết lời xin vâng ấy sẽ dẫn đưa Mẹ trên con đường hy sinh, nhưng vì yêu nhân loại và khát khao làm vimh danh Thiên Chúa, Mẹ đã đón nhận tất cả để chương trình cứu độ được nên hoàn trọn. Với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác, lời thưa “Xin vâng” của Mẹ Maria đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới, đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi. Lời “Xin vâng” của Mẹ đã trở thành mẫu mực tuân phục Thiên Chúa cho chúng ta noi theo. Lời “Xin vâng” ấy là một lời chất vấn, một thách đố hùng hồn trước thảm kịch bất tuân phục Thiên Chúa của con người trong thời đại của chúng ta hôm nay.  Ngày hôm nay, ta có thể nói là chúng ta mừng sinh nhật của “Lời xin vâng”. Nhờ lời xin vâng ấy để rồi Mẹ Maria cũng như những ai xin vâng cũng sẽ được cứu độ. Hôm nay, chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt của Mẹ, chúng ta mừng sinh nhật Mẹ, chúng ta cũng hãy noi gương của Mẹ là thưa lời xin vâng với Chúa trong mọi nẻo đường đời. Có như thế thì việc mừng sinh nhật của Mẹ đối với ta mới có ý nghĩa. Xin Mẹ thêm ơn cho chúng ta để ngày mỗi ngày chúng ta luôn thưa với Chúa lời xin vâng trong mọi nẻo đường đời. Với lời xin vâng ấy. Ta sẽ cùng Mẹ được hưởng phúc Thiên Đàng cùng với Mẹ. Lm. Anmai, CSsR
Read 371 times Last modified on Thứ bảy, 10 Tháng 9 2022 14:11