Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 09 Tháng 9 2022 11:42

Hãy Tự Biết Mình

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Hãy Tự Biết Mình

Cr 9:16-19,22-27; Tv 84:3,4,5-6,8,12; Lc 6:39-42

Hãy Tự Biết Mình

          Thánh Phêrô Claver được mệnh danh là “Người nô lệ của các nô lệ”, 40 năm sống với người nô lệ, giảng giáo lý, thăm viếng, bênh vực khi họ bị đối xử bất công.

          Thánh Phêrô Claver sinh năm 1580 tại Verdu, Tây Ban Nha, trong một gia đình nghèo. Đang lúc học hành để trở nên một tu sĩ dòng Tên, Phêrô Claver cảm thấy có một khao khát mãnh liệt muốn tới vùng đất Nam Mỹ để truyền giáo. Ngài khấn lần cuối với lời khấn phụ suốt đời làm nô lệ cho người da đen: “Tôi Phêrô Claver, mãi mãi là nô lệ của những người Ethiôpi”.

          Thánh nhân đã được gởi tới hải cảng Cartagena, bắc Colombia. Ở đó, có những chiếc thuyền lớn chất đầy nô lệ từ Phi châu sang để rao bán. Vào lúc đó, việc buôn bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ tây Phi châu bị đổ về hải cảng này. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án và sau này Ðức Piô IX gọi là “hành động vô cùng ghê tởm”, nhưng nó vẫn không ngừng.

          Ngay sau khi thuyền chở người nô lệ cập bến, cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ những người đau yếu. Khi người nô lệ bị lùa ra khỏi tàu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để người ta chọn lựa, cha Claver lại luẩn quẩn trong họ để cung cấp thuốc men, thực phẩm... Người nô lệ đã được ông chủ mua, ngài thăm viếng, bênh vực khi họ bị đối xử bất công. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, ngài dạy họ học biết về Đức Giêsu và rửa tội cho những ai chấp nhận đức tin Công giáo. Trong 40 năm phục vụ, cha Claver đã giảng dạy và rửa tội cho khoảng 300.000 người nô lệ.

          Với lòng yêu mến và ao ước phục vụ Chúa Giêsu và các linh hồn, cha Phêrô Claver luôn tâm niệm bốn nguyên tắc “nỗ lực tìm kiếm và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự - hoàn toàn tuân phục bề trên - làm mọi sự cho vinh danh Thiên Chúa hơn - nỗ lực bằng mọi giá để giúp cho các linh hồn được ơn cứu độ”. Cha cũng luôn tự nhắc mình và các bạn rằng: “Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta”.

          Thánh nhân qua đời ngày 8.9.1654, được Đức Thánh Cha Lêô XIII tuyên thánh năm 1888 và được Hội Thánh biểu dương như một Phanxicô Xaviê của người da đen. Ngài được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo cho người châu Phi và xứ Colombia.

          Ngày nay, vẫn còn vang lên lời mời gọi của Thánh nhân trước hiện tượng nô lệ thời hiện đại: nạn buôn người, nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động... Tổ chức Walk Free Foundation, vào cuối tháng 5.2016, đã công bố toàn cầu hiện có gần 50 triệu “nô lệ thời hiện đại”.

          “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?” (c. 39) Đối chiếu câu này với Matthêu 15, 14 ta thấy Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến những bậc thầy trong dân Do-thái - các Kinh sư và Pha-ri-sêu. Họ là những người dẫn dắt, lãnh đạo tinh thần của dân mà lại bị thói kiêu căng, tự mãn làm cho mù lòa không còn nhận ra đâu là cốt lõi chân lý và cái gì có tính tùy phụ.

          “Mù dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” là một thực tế hiển nhiên, và hơn thế nữa nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác. Vì vậy mà người mù luôn cần có một người sáng dẫn lối cho mình. Tình trạng mù thể lý là thế. Tình trạng mù tâm linh càng cần phải lưu tâm hơn rất nhiều; bởi vì người mù tâm linh nếu không được dẫn dắt thì có thể không những gây tai họa cho chính mình mà còn cho cả xã hội, tập thể những con người dưới quyền chỉ đạo của họ.

          Tuy nhiên, thật trớ trêu, trong cuộc sống có rất nhiều những người mù tâm linh mà không biết mình mù. Căn bệnh tự mãn và tính kiêu ngạo khiến người ta thích lấy mình làm trung tâm, lấy quan điểm, ý nghĩ của mình làm chân lý, làm thước đo đánh giá người khác (giả dụ câu chuyện ngụ ngôn ‘năm người mù xem voi’), là căn cớ cho biết bao đau khổ tinh thần và thể chất.

          Hơn nữa, nếu họ là người lãnh đạo thì hậu quả càng khó lường vì có thể dẫn đến tình trạng biến chất và suy thoái đạo đức trong xã hội. Một Adolf Hitler có tài siêu hùng biện, nhưng với một đầu óc tự mãn, cực đoan bệnh hoạn, cho rằng ‘người Do-thái là nguyên nhân thất bại của nước Đức trong thế chiến thứ nhất’ đã thuyết phục được phần lớn dân Đức ‘đang trong tình trạng khó khăn về kinh tế’ chống lại người Do-thái, dẫn đến đại họa diệt chủng khủng khiếp. Hồ chủ tịch có câu: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

          Tuy nhiên, chúng ta thấy, người có tài mà không có đức không những là vô dụng mà còn tệ hơn, vì có thể trở thành các quan tham, những kẻ độc ác và phá hoại. Người có tài mà kiêu ngạo là một loại khiếm thị chỉ nhìn thấy cái bất toàn nơi tha nhân. Người đã dốt nát mà còn kiêu ngạo thì đúng là mù lòa.

          Trong suốt lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và luôn yêu thương bênh đỡ người biết khiêm nhường. Người ta định nghĩa: Khiêm nhường là sự thật. Người khiêm nhường thật sự là người có tấm lòng nhân biết yêu thương thực sự. Người khiêm nhường thật thì biết mình, biết người; biết mình có những khả năng để phát huy, biết mình có những giới hạn để biết bao dung trước những giới hạn và khiếm khuyết của người khác đồng thời biết nhìn nhận và tôn trọng những khả năng và khác biệt của tha nhân để giúp nhau cùng tiến, cùng xây dựng cuộc sống thêm tốt, thêm xinh và tràn đầy yêu thương.

          Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo rằng “những ai phán xét anh chị em mình, nói xấu anh chị em mình thì họ chính là kẻ giả hình vì họ không đủ can đảm nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân mình.” Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì nói trực tiếp vào vấn đề hơn: “Sao người nhìn thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”

          Đặt mình trước Lời Chúa hôm nay, tôi với bạn thử ngẫm lại xem, mỗi khi ta chỉ trích, phán xét người khác, thì thật sự trong lòng ta đang an vui, hạnh phúc hay lòng ta đang ấm ức, bức xúc, tị hiềm? Nếu thấy lòng ta còn ấm ức, hậm hực, thì Chúa bảo ta rằng: Con hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ con sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh chị em con!

Read 477 times Last modified on Thứ bảy, 10 Tháng 9 2022 14:23