14.9 Tôn Vinh Thánh Giá
1 Cr 12:31; 1 Cr 13:13; Tv 33:2-3,4-5,12,22; Lc 7:31-35
Tôn vinh Thánh Giá
Phụng vụ Giáo hội hàng năm, dành ngày 14 tháng 9 để mời gọi con cái mình cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu với niềm vui vì được ơn cứu độ. Ngày này, Thánh Giá được trình bày không phải dưới khía cạnh khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để những người tin vào Chúa Giêsu tự hào và không có khóc lóc.
Giáo hội thiết lập lễ Suy tôn Thánh giá nhằm 2 mục đích chủ yếu: 1- Cổ võ sự thống hối và tôn thờ Thiên Chúa; 2- Kêu gọi yêu thương, hiệp nhất. Hiểu được như vậy, người Ki-tô hữu phải ý thức khi suy niệm mầu nhiệm Cứu Chuộc thì hãy trực diện chiêm ngắm Thánh giá để được trực diện với chính hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu Giêsu Ki-tô đang dang rộng hai tay mời gọi mọi người hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Vâng, “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3, 10-11).
Và từ đó, hiệp ý cùng toàn thể Giáo Hội suy tôn Thánh Giá, ngõ hầu đi vào Mầu nhiệm Tình Yêu bằng tất cả tâm tình con dân thảo kính Thiên Chúa là Cha.
Người Công Giáo tôn thờ Thánh Giá, điều đó mọi người đều biết. Thập tự là biểu hiệu (logo) của Thiên Chúa giáo, cũng như chữ Phạn của Phật giáo, trăng lưỡi liềm của Hồi giáo, hay búa liềm của Cộng Sản. Những biểu tượng này được những người theo tôn giáo hay học thuyết đó quí trọng và đề cao, điều đó cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng người Công Giáo suy tôn Thánh Giá, tôn thờ Thánh Giá, chắc hẳn không chỉ đơn thuần là tôn thờ một biểu tượng, càng không phải tôn thờ đau khổ và chết chóc, cũng chẳng phải tôn thờ một báu vật gợi nhớ một kỷ niệm xa xưa. Thập giá, mà họ thành kính gọi là Thánh Giá, là tất cả đối với họ, nói lên trọn vẹn niềm tin của họ và là niềm hy vọng duy nhất họ có.
Cùng với Giáo hội, chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Ki-tô, và được mời gọi suy niệm mầu nhiệm Thánh Giá Chúa Kitô trong đời sống đức tin của chúng ta. Trước hết, bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu nhắc nhở và bảo ông Ni-cô-đê-mô và tất cả mọi người chúng ta phải có một niềm tin mạnh mẽ và sâu sa. Chúng ta phải tin vào chính Chúa, là Con Thiên Chúa, và phải tin một cách vững mạnh vào Thiên Chúa Cha và kế hoạch cứu độ của Ngài. Chúa Cha, vì tình thương yêu bao la và vô bờ bến, đã ban Con Một của Ngài xuống trần, để cứu chuộc nhân loại và ban cho chúng ta sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu. Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã khiêm nhường và vâng lời hy sinh mạng sống chết một cách nhục nhã trên thập giá, biến cây thập giá trở thành Thánh giá ban ơn cứu độ và đời sống vĩnh cửu cho nhân loại. Chúa Giê-su đã giải thích với Ni-cô-đê-mô rằng Con Người phải được treo lên như Môi-sen đã treo rắn đồng lên trong sa mạc, để những ai tin vào chính Người thì được sự sống đời đời.
Thật vậy, bài đọc một hôm nay kể lại việc Thiên Chúa trừng phạt dân Do thái chóng quên phép lạ to lớn, Thiên Chúa cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai-cập, và họ đã phạm tội kêu trách Chúa và Mô-sê khi họ gặp những khó khăn trở ngại trong hoang mạc. Vì thế, Thiên Chúa đã phạt cho rắn độc cắn chết nhiều người. Nhưng sau đó, họ đã ăn năn sám hối và Thiên Chúa đã phán cùng Môi-sen: “Ngươi hãy làm một con rắn đồng và treo trên giá. Nếu ai đã bị cắn mà nhìn lên nó thì sẽ được sống.” Vâng lời Thiên Chúa, Môi-sen làm một con rắn đồng và treo lên một cái giá. Bất kỳ ai đã bị cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được sống.
Thập giá là nhịp cầu để cho ta tiến lên và chắc chắn sẽ trưởng thành hơn khi vượt qua thập giá. Hơn nữa, thập giá còn cho ta được thông phần vào sự thương khó của Chúa để cứu độ bản thân và anh em. Khi chúng ta đón nhận thập giá trong đời là dịp để chúng ta dâng đau khổ hầu xin Chúa tha thứ những hình phạt cho bản thân chúng ta. Và dâng hy sinh đau khổ để xin Chúa nguôi cơn thịnh nộ giáng xuống địa cầu vì tội lỗi nhân loại. Như vậy, chúng ta đón nhận thập giá là vì Chúa và vì nhân loại. Và phải có cái nhìn như vậy chúng ta mới có thể vui vẻ lạc quan ngay cả khi khốn khó tư bề.
Là Kitô hữu, chúng ta không xa lạ với thập giá, vì bắt đầu đủ trí khôn là chúng ta đã nghe nói tới. Thập giá là biểu tượng của sự đau khổ hoặc bất hạnh, vì đó là hình phạt tồi tệ và ghê gớm nhất thời đó, như ngày nay là án tử hình. Cuộc sống thường nhật cũng chẳng ai “mê” đau khổ, mà cố tránh như tránh quái vật hoặc ma quỷ vậy. Thế mà những người thực sự yêu mến Đức Kitô lại “khoái” đau khổ. Quá ngược đời! Với người không có niềm tin vào Đức Kitô, thậm chí có thể ngay cả một số người nhận mình là người Kitô giáo, không thể hiểu được ý nghĩa của thập giá.
Suy tôn Thánh giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày. Để ngang qua đời sống chứng nhân đó, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đến được với nhân loại đang quặn mình trong đau khổ và tội lỗi.
Dẫu biết rằng dòng đời vẫn còn đó lắm vất vả gian truân, nhưng sẽ đẹp biết mấy nếu mỗi chúng ta biết dành tình thương cho nhau. Xã hội sẽ trở nên giá trị và bình yên hơn nếu mỗi chúng ta biết tôn trọng phẩm giá con người bằng tình liên đới và sẻ chia trong cuộc sống. Và tất cả điều đó sẽ được bắt đầu khi mỗi chúng ta biết nhìn lên Thập giá Đức Kitô, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và thực hành tình yêu đó mỗi ngày trong đời.
Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Chịu-Đóng-Đinh với cái nhìn đức tin như vậy, tôi hiểu Thánh giá chính là hiến tế của Chúa Giêsu với tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và nhân loại. Đó cũng là biểu tượng ơn cứu độ mà Chúa đã hoàn thành trên thập tự giá vì nhân loại. Ngắm nhìn Thánh giá, tôi thấy một Đức Giêsu Kitô khiêm nhường thẳm sâu, đã từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, chấp nhận sống kiếp phàm nhân và vâng phục Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Chiêm ngắm Chúa chịu chết đang khi dang rộng cánh tay như thể Ngài muốn ôm trọn tôi và hết mọi người vào trái tim đầy yêu thương của Ngài. Ngài đã chịu chết như thế để nêu gương cho tôi, Ngài mời gọi tôi yêu thương đến quên mình cho tha nhân. Thánh giá cũng mời gọi tôi can đảm chịu những hy sinh, yêu mến thập giá trong đời với tình yêu dành cho đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, đối tượng tôi đang bước theo trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Đó cũng là lời mời gọi tôi sống tâm tình biết ơn bằng đời sống khiêm nhường, dấn thân vì Nước Trời giữa cuộc sống hôm nay.
Sau cùng, Thánh giá nói cho tôi biết một chân lý qua lời của Thánh Phaolô rằng: “Vì chúng ta đã được nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta sẽ nên một với Người nhờ được sống lại như Người đã sống lại (Rm 6, 3-5). Điều này nhắc nhở tôi, Chúa Kitô Phục Sinh đang sống trong tôi, Ngài đã chết, đã sống lại thì đến lượt tôi cũng phải chết đi cho tội lỗi để được sống lại như Ngài.
Huệ Minh