Bài suy niệm Lễ Chúa Thăng Thiên của Lm. Inhatio Trần Ngà
Thể hiện: Lê Anh
Khi con người chỉ biết nhìn xuống…
Người phụ nữ có biệt danh là ‘bà Năm khòm’ đã trở thành nhân vật quá quen thuộc đối với những ai hay lui tới công viên của thành phố nầy. Đã lâu lắm rồi, từ sáng tới chiều, ngày nầy qua ngày khác, người ta thấy bà lầm lũi cúi gập người xuống để tìm nhặt những đồng tiền xu mà khách nhàn du đánh rơi đâu đó trong công viên. Hình như nghề nầy đem lại cho bà nguồn thu nhập tương đối khá, nên ngày nào bà cũng khom người xuống và căng mắt tìm kiếm miệt mài như con kiến cần cù chăm chỉ nhất.
Vì ngày nào bà cũng cúi gập người xuống, đôi mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn sát mặt đất để tìm kiếm những đồng tiền rơi nên rốt cuộc, cần cổ của bà cụp xuống, lưng còng hẳn đi đến nỗi bà không còn ngửng lên nhìn trời được nữa. Vì thế, người dân quanh đó gán cho bà biệt danh là “bà Năm khòm.”
Thế là mặc dù kiếm được khá tiền, nhưng bà đã đánh mất cuộc sống. Bà chỉ biết có mặt đất mà không biết có bầu trời. Bà chỉ biết ky cóp những đồng tiền xu mà chẳng biết gì đến thế giới bao la muôn màu muôn vẻ chung quanh!
***
Hình ảnh người đàn bà còng lưng trong mẩu chuyện trên đây là biểu tượng cho những người chỉ biết có thế giới vật chất mà không màng gì đến thế giới thiêng liêng.
Nếu không được ánh sáng phục sinh và cuộc thăng thiên vinh hiển của Chúa Giê-su soi sáng, con người chỉ có thể thấy gần mà không thể thấy xa, chỉ biết chú mục vào cuộc sống phù du đời nầy mà lãng quên cuộc sống mai sau, chỉ biết vun quén của cải vật chất tạm bợ trần gian mà không lo tích lũy cho kho tàng vĩnh cửu, chỉ biết kiếm tìm lạc thú chóng qua mà lãng quên hạnh phúc trường cửu muôn đời…
Nếu không được ánh sáng phục sinh chiếu dọi, con người dễ dàng ngoảnh mặt với Trời, quay lưng lại với Thiên Chúa, khước từ thế giới thiêng liêng!
Họ xem mặt đất nầy là quê hương duy nhất. Họ xem nấm mồ như điểm đến cuối cùng của cuộc sống, như nhận định của thi hào Nguyễn Du:
“Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”
Hãy ngước nhìn lên
Sự kiện Chúa Giê-su lên trời mở ra cho loài người một viễn tượng mới: Thế giới loài người không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ vật chất nhưng còn mở vào cõi vô biên. Cuộc đời con người không chấm dứt trong nấm mồ tối tăm nhưng vượt qua đó để tiến vào vĩnh cửu.
Như ấu trùng ve sầu chui ra khỏi những lớp đất tăm tối, lột bỏ chiếc vỏ chật hẹp để đón chào thế giới mới, cất tiếng ca vang dưới ánh nắng mặt trời, con người cũng được mời gọi vượt lên trên thế giới hữu hình, phá bỏ lớp vỏ vật chất bó chặt đời mình để vươn vai trở thành tạo vật mới, sống một đời sống mới.
Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta hãy hướng về đích xa:
“Quê hương chúng ta ở trên trời” (Phi-lip 3, 20)
Thế nên: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Col 3, 1-4) và “đừng chú tâm đến những sự vật hữu hình nhưng đến những thực tại vô hình, vì những sự vật hữu hình là phù vân, vô hình mới trường cửu” (2 Cr 4, 18 )
Sự kiện Chúa Giê-su lên trời kêu gọi chúng ta hướng về đích cao: đừng chỉ lo phần xác mà quên mất phần hồn, không chỉ biết đời nầy nhưng còn phải chuẩn bị cho đời sau.
Chỉ cúi nhìn xuống đất mà không biết ngẩng lên nhìn trời là đánh mất cuộc sống.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà