8/10 Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm
Gl 3:22-29; Tv 105:2-3,4-5,6-7; Lc 11:27-28
HẠNH PHÚC THẬT
Chúa Giêsu đã đến để đem Tin Mừng cứu độ cho nhân loại. Nơi nào Ngài đặt chân đến, thì nơi đó Vương quyền và Nước Thiên Chúa xuất hiện.
Trong đoạn này, Chúa Giêsu muốn đề cao những người “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã đề cao họ bằng cách coi họ còn trọng hơn mẹ ruột của Ngài.
Nhưng nói thề không phải là Chúa Giêsu coi rẻ Đức Maria, trái lại còn gián tiếp ca tụng Người: Người vừa là mẹ ruột đã sinh ra Ngài, vừa là một người luôn lắng nghe và thực hiện lời Thiên Chúa.
Nhận thấy quyền năng và sự khôn ngoan nơi các phép lạ cũng như lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, một người phụ nữ trong đám đông không thể cầm mình được. Bà đã lên tiếng ca ngợi Chúa Giêsu cách gián tiếp bằng cách ca ngợi người mẹ đã cưu mang Ngài: “Hạnh phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Ðúng hơn phải nói rằng: “Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa”.
Một cái gì đó hụt hẫng, một cái gì đó tiếc nuối, một cái gì đó khát khao, … Rất có thể đó sẽ là tâm trạng chung của nhiều độc giả khi đọc Tin Mừng hôm nay. Chỉ vỏn vẹn hai câu ngắn, nhưng nội dung và sứ điệp Tin Mừng sẽ dài, nếu không muốn nói là rất dài. Bởi vì, đề tài Tin Mừng nói đến chạm vào vấn đề muôn thưở của đời người: hạnh phúc.
Đã là người, hẳn ai cũng khát khao hạnh phúc, ai cũng kiếm tìm hạnh phúc, ai cũng muốn sống cuộc sống hạnh phúc. Nhưng nỗi khát khao ấy, cuộc kiếm tìm ấy, ước muốn ấy cứ dai dẳng, cứ trồi sụt, cứ ẩn hiện mãi hoài, cứ trải dài trong phận người, cứ bền bỉ với dòng dời. Rất hiếm người khẳng định mình có hạnh phúc, đang hạnh phúc và mãi hạnh phúc. Thế mà Chúa Giêsu lại khẳng khái nói: hạnh phúc sẽ thuộc về người nào biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa – đây chính là cái giá phải trả để mua hạnh phúc thật, hạnh phúc Nước Trời. Nhưng làm thế nào để nghe được Lời Chúa, làm sao để kiên cường tuân giữ Lời Chúa giữa một môi trường luôn ầm ào với đủ thứ âm thanh khủng bố thính giác, với đủ thứ lo toan và mời mọc khiến lòng người không một phút lặng bình, với đủ thứ bậc thang giá trị khiến trí khôn không biết đâu mà chọn lựa ?
Có lẽ đã nhìn thấy trước những rối ren, những bóng mờ che kín hồn người, nên Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh huyết tộc để gắn kết những người đang nghe Chúa lại với Chúa và với nhau: ai có khao khát nghe Lời Chúa và can đảm tuân giữ Lời Chúa, sẽ được ở trong gia đình của Ngài, được là mẹ, là chị em, anh em với Ngài. Khẳng định ấy hẳn sẽ khích lệ và thuyết phục được nhiều tâm hồn thiện chí và khát khao Lời Chúa.
Còn tôi, bạn và anh chị, lúc này ta đang dành cho Chúa, cho tâm linh mình những phút quý báu hiện với Lời và nghe Lời, ta có thấy lòng mình khát khao hơn, kiên cường hơn, tin mến hơn, cậy trông hơn để đặt hai chân trên con đường mang tên lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa ? Ta có muốn tìm xem đâu là rào cản khiến ta không nghe được tiếng Chúa, đâu là cớ vấp ngã khiến ta mau chóng rời khỏi đường piste tuân giữ lời Chúa? Đâu là ảo ảnh khiến ta chỉ rao báo Lời trên môi miệng mà không làm chứng cho Lời bằng cuộc sống, khiến đời tác viên Tin Mừng thành tác viên của tin buồn, tin thất vọng, tin sợ hãi, tin bất hạnh ?
Thành tâm mở lòng, khiêm tốn phơi bày những góc khuất trong hồn ta, trong đời ta và để cho ánh sáng Thần Khí, ánh sáng Ngôi Lời, ánh sáng Tình yêu chỉ cho ta thấy những chỗ cần phải cắt tỉa, những chỗ cần phải sửa chữa và nhất là khơi lên trong ta sức sống mới mãnh liệt, ngõ hầu ta tìm thấy và sống trong hạnh phúc thật.
Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.
Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.
Lắng nghe và giữ lời Chúa: Trong Tin Mừng Luca, rất nhiều lần Chúa Giêsu đề cao việc lắng nghe và giữ lời Chúa (Thí dụ chuyện Mác-ta và Maria). Hôm nay một lần nữa Chúa Giêsu đề cao những kẻ lắng nghe và giữ lời Ngài, thậm chí coi họ còn trọng hơn mẹ ruột của Ngài nữa.
Diễm phúc của Đức Mẹ: “Phúc cho Mẹ không phải vì đã cho Chúa bú mớm, nhưng vì đã để lời Ngài biến thành xương thịt của mình. Trong thinh lặng, Mẹ đã nghiền ngẫm và để lời Chúa thành chính sự sống của Mẹ”
Huệ Minh