TMĐP- Đường đi theo Chúa của chúng ta hôm nay, con đường đòi lòng biết ơn Chúa và được biểu lộ bằng tôn vinh, chúc tụng Ngài.
Một tình trạng mà bất cứ thời nào, và ở đâu, người ta đều không mấy khác nhau, đó là không tỏ lòng biết ơn người đã làm ơn cho mình.
Các bài đọc phụng vụ trong chúa nhât hôm nay đưa chúng ta về tình trạng xưa như trái đất của con người, nhưng không bao giờ xa lạ với chúng ta.
Bài đọc một kể lại câu chuyện biết ơn của ông Naaman, một vị tướng chỉ huy quân đội của vua Aram là kẻ thù không đội trời chung của Ítraen, đối với ngôn sứ Êlisa, người của Thiên Chúa, khi ông nghe lời ngôn sứ “dìm mình bảy lần trong sông Giođan”, là dòng sông thuộc Ítraen, lãnh thổ của kẻ thù. Lập tức “da thit ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ” (2 V 5,14), và ông được chữa lành khỏi bệnh phung hủi.
Sau khi được sạch, “cùng với đoàn tùy tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ítraen. Bây giờ, xin Ngài vui lòng nhận món qùa của tôi tớ Ngài đây”. Ông Êlisa nói: “Có Đức Chúa hằng sống là ấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả”. Ông Naaman nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối” (2 V 5,15-16).
Bài Tin Mừng tường thuật cùng một tình trạng vô ơn của nhiều người, và biết ơn của một người Samari “ngoại bang, ngoại đạo” trong số mười người phung hủi được Đức Giêsu chữa lành trên đường lên Giêrusalem, khi Ngài “đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê” (Lc 17,11). Dù bị coi là “lạc giáo”, người Samari phung hủi vẫn vâng lời Đức Giêsu “đi trình diện các tư tế” của Ítraen cùng với chín người “có đạo” kia, và “đang khi đi thì họ được sạch.” (Lc 17,14). Điều đáng nói là chỉ duy nhất một mình anh ngoại bang, lạc đạo Samari đã “quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình dưới chân Đức Gêsu mà tạ ơn” (Lc 17,15-16).
Quả thực, mười người phung hủi đều vâng lời Đức Giêsu đi trình diện các tư tế, và tất cả đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ có đức tin của người ngoại bang Samari là trọn vẹn, vì ông đã đi đến cùng của con đường đức tin là tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa, điều mà chín người có đạo kia đã bỏ không làm.
Đức Giêsu đã tuyên dương lòng tin của người phung hủi Samari được chữa lành khi nói “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19).
Nói lời này, Đức Giêsu khẳng định ơn chữa lành phần xác đã đưa anh đến ơn trở về của linh hồn và đây mới là hạnh phúc đích thực anh nhận đươc từ Đấng cứu chữa anh, khi anh tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình tạ ơn Ngài, cũng như ông Naaman, vị tướng quân thù địch của Ítraen đã phấn khởi tuyên xưng: “Trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ítraen” (2 V 5,15).
Cũng qua lời khen ngợi lòng tin ấy, Đức Giêsu mặc khải cho tất cả chúng ta: Ngài là Đấng cứu độ mọi người, là Thiên Chúa của toàn thể nhân loại, và không có bất cứ biên giới, hay vùng cấm nào trước mặt Ngài, vì Ngài kêu gọi hết mọi người đến với Ngài, làm con dân trong Vương Quốc của Ngài, như lời ca của thánh vịnh: “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, măc khải đức công chính của Người trước mặt muôn dân” (Tv 97,2).
Tóm lại, đường đi theo Chúa của chúng ta hôm nay cũng không khác con đường đức tin hôm qua của hàng hàng lớp lớp những người đã đi trước. Con đường ấy đòi lòng biết ơn Chúa và được biểu lộ bằng tôn vinh, chúc tụng Ngài, như lời thánh vịnh: “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt” (Tv 32,1-2); nếu không đường đức tin chúng ta đi sẽ dang dở, đứt đọan vì không đi đến cùng đòi hỏi của Đức Tin là biết ơn Chúa, như Đức Giêsu hằng mong đợi ở môn đệ Ngài: “Ước gì con nhận ra ơn Chúa” (Ga 4,10), và BIẾT ƠN NGÀI.
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/biet-on-chua-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xviii-thuong-nien-nam-c/