9/10 Chúa nhật XXVIII TN
2 V 5:14-17; Tv 98:1,2-3,3-4; 2 Tm 2:8-13; Lc 17:11-19
Lòng biết ơn !
Thánh Luca thuật lại câu chuyện về 10 người phong hủi được chữa lành, nhưng chỉ duy nhất một người quay trở lại để bày tỏ lòng biết ơn. Rất bẽ bàng, đó lại là người ngoại giáo, một người Samari. Cũng vậy, cả đám đông khổng lồ đã được Chúa cho ăn no nê và chứng kiến biết bao phép lạ Ngài làm, nhưng khi Chúa oằn vai vác Thập Giá, chỉ duy nhất Simon thành Cyrênê ghé vai giúp Ngài, lại cũng là một người ngoại giáo. Sự vô ơn đạt đến cao điểm khi toàn dân quay lưng, đồng thanh đả đảo và kết án Chúa Giêsu như một tên tội phạm. Trên đỉnh cao núi sọ, chỉ duy nhất một người khám phá ra bầu trời yêu thương từ đôi mắt Chúa, và đó cũng lại là một tay ăn trộm khét tiếng.
Lịch sử dân Do Thái, một dân được Thiên Chúa ưu tuyển, được đan dệt bằng những hành vi phản bội và vô ơn. Hình tượng con bò vàng dưới chân núi Sinai rất tiêu biểu nói lên sự vô ơn này. Vết xe cũ của sự vô ơn nơi người Do Thái năm xưa, có thể vẫn đang được lặp lại nơi mỗi người chúng ta hôm nay. Mỗi tội chúng ta phạm là một sự phản bội. Mỗi điều ác chúng ta làm là một hành vi chống lại Thiên Chúa, và thể hiện sự vô ơn đối với Ngài.
Câu chuyện Naaman, người xứ Syri, đã được nhiều người biết. Thiết tưởng chẳng cần phải dài dòng thuật lại rằng: Ông là vị tướng chỉ huy toàn thể quân lực Syri, được vua Syri tín cẩn, nhưng lại mắc bệnh phong cùi. Nghe tin ở đất Giuđa có vị tiên tri nổi danh làm phép lạ. Ông xin thư vua Syri đến đất Do Thái để gặp nhà tiên tri. Êlisê bảo ông cứ xuống sông Hòa Giang tắm 7 lần thì sẽ được khỏi bệnh. Thoạt đầu ông không muốn nghe vì nghĩ sông Hòa Giang của Do Thái có gì sạch hơn sông ở Syri. Nhưng, sau nghĩ lại, ông đã vâng lời xuống sông tắm 7 lần và đã được sạch... đang khi ấy ở đất Do Thái có biết bao người bị phong cùi mà không được chữa khỏi như ông. Trường hợp của ông nói lên lòng thương - và phải nói là ưu ái nữa - của Thiên Chúa đối với lương dân.
Bài học hôm nay chỉ nhắc sơ đến việc Naaman được chữa lành. Những gì xảy ra sau đó mới là trọng tâm. Chúng ta thấy Naaman được sạch rồi đã cùng đoàn tùy tùng trở lại gặp nhà tiên tri. Ông nói: bây giờ tôi đã biết: trên khắp cả mặt đất chẳng có chúa nào khác ngoài Chúa của Israel.
Naaman đã bỏ tà thần để suy phục Thiên Chúa. Ông đã được đức tin sau khi được lành bệnh. Từ nay ông trở thành dân của Chúa. Và chắc chắn đức tin của ông dứt khoát, mạnh mẽ hơn nhiều người Do Thái. Ðể chứng tỏ niềm tin này, trước hết ông xin phép dâng chút lễ mọn cho nhà tiên tri, tức là người của Chúa, theo thông lệ thời bấy giờ. Không phải ông muốn cám ơn Êlisê vì đã chữa ông khỏi bệnh. Ý nghĩa gói ghém trong việc muốn dâng tặng lễ vật là để nói lên niềm tin Êlisê là tiên tri, tức là người của Chúa. Naaman muốn cư xử như mọi tín hữu. Những người này khi đến với các tiên tri vẫn dâng cho các ngài một chút lễ mọn để nói lên niềm tin công nhận và tôn trọng những người được Chúa chọn.
Êlisê từ chối. Có lẽ vì tế nhị, hoặc vì muốn người tân tòng hiểu đạo một cách thuần túy. Cũng có thể Êlisê muốn thử đức tin của Naaman, vì theo lời nói tiếp sau của ông này, chúng ta thấy Naaman có vẻ sợ nhà tiên tri chưa coi mình như là một tín hữu thường. Ông nói: "Nếu không, thì xin cho tôi chở về một xe đất cặp la kéo được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ cho một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa, Chúa của Israen".
Bởi vì theo quan niệm thời bấy giờ, đất nước nào thì thần linh ấy. Naaman đã tin Chúa của Israen thì phải thờ Ngài trên đất của Ngài. Ðất cát xứ Syri không xứng đáng với Ngài nữa vì là đất của dân ngoại và đã ra nhơ nhớp vì tà thần. Nay trở về quê quán, Naaman phải đem một ít đất Do Thái về để dựng bàn thờ mới trên đất ấy mà thờ phượng Thiên Chúa. Nếu Êlisê cho phép làm như vậy, Naaman mới chắc chắn nhà tiên tri đã tin mình và coi mình như tín hữu. Và vì thế lời xin của Naaman còn là một lời tuyên xưng đức tin chân chính.
Chúng ta phải cảm phục ông, cũng như chúng ta thường cảm phục đức tin của những người mới trở lại. Chúng ta thấy họ sau khi đã nhận biết Chúa thì thành khẩn muốn theo Chúa cho đến cùng. Họ muốn là những tín hữu một trăm phần trăm, khiến chúng ta, những người "đạo cũ, đạo dòng" phải suy nghĩ.
Câu chuyện Naaman và đức tin của ông đã được Ðức Giêsu nhắc lại để nêu gương cho môn đệ của Người. Chúng ta còn phải đọc đi đọc lại cũng với nhiều gương sáng khác để thấm thía những bài học mà Chúa muốn dùng lương dân để nói với chúng ta. Cũng trong chiều hướng đó, phụng vụ hôm nay còn muốn chúng ta đọc thêm đoạn Tin Mừng Luca.
Qua trang Tin Mừng, ta chỉ thấy có một người đã nhận ra ơn của Chúa. Người ấy thấy rằng ơn cứu độ bây giờ ở nơi Ðức Giêsu. Người ấy trở lại thờ lạy Người. Ðền thờ Chúa chân thật từ nay không còn nằm nơi có tư tế đạo cũ nữa. Ðền thờ ấy bây giờ là chính Chúa Giêsu. Thành ra đã thực hiện Lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria trong sách Tin Mừng Gioan: Ơn giải thoát khơi nguồn tự Do Thái... nhưng sẽ đến giờ - và là ngay bây giờ -, những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong Thần Khí và Sự Thật.
Việc một người trong số 10 người được khỏi bệnh trở lại thờ lạy Ðức Giêsu phải chăng muốn ám chỉ những điều ấy? Và người ấy lại là một người Samaria dị chủng duy nhất. Tác giả Luca đợi đến lúc này mới nói lên quốc tịch của người ấy. Chín người kia là Do Thái. Chúa Giêsu nói: "Không phải là cả 10 người được sạch ư? Chín người kia đâu?". Có một màu sắc đau xót và phiền trách trong câu hỏi này. Nó nói lên lòng của tác giả Luca khi thấy Chúa mang ơn cứu độ đến cho cả Do Thái lẫn Hy Lạp, thế mà kìa xem dường như chỉ có dân ngoại chen vào nhà Chúa.
Chúa Giêsu bảo người kia để kết luận: "Hãy chỗi dậy mà đi. Lòng tin của ngươi đã cứu ngươi". Chúng ta tự nhiên muốn hỏi, phải chăng lời này ám chỉ rằng những người kia không được khỏi bệnh? Không chắc. Tôi dám nghĩ Chúa Giêsu đâu có hẹp hòi gì! Người chẳng cần rút lại một ơn đã ban. Nhưng có thân thể lành mạnh mà không được vào Nước Trời thì nào ích gì? Ðiều cốt yếu mà người Samaria kia đã được là "được cứu", tức là được ơn cứu độ, được tình thương của Chúa cứu thế. Người bảo anh ta: Hãy chỗi dậy mà đi đi. Những từ ngữ này gợi đến mầu nhiệm phục sinh sống lại, chỗi dậy khỏi sự chết và đời sống cũ; và nhắc chúng ta nhớ đến việc Ðức Giêsu đang đi lên Giêrusalem để được vinh hiển. Ðó là con đường mà người Samari, tức là lương dân từ nay sẽ đi để sống đạo, sống đời sống Kitô hữu để theo Ðức Kitô đến vinh quang.
Để diễn bày lòng biết ơn, chúng ta hãy học lấy thái độ của người Samari trong bài Tin mừng hôm nay. Cũng tương tự, tướng Naaman, vua nước Aram sau khi khỏi bệnh đã đến cám ơn ngôn sứ Elisa, và dâng lễ vật tạ ơn Đức Chúa. Còn chúng ta, chúng ta thực hành lòng biết ơn như thế nào.
Huệ Minh