Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 15 Tháng 10 2022 07:43

Kiên trì trong cầu nguyện

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên, Năm C


16/10 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm

Xh 17:8-13; Tv 121:1-2,3-4,5-6,7-8; 2 Tm 3:144; Lc 18:1-8

Kiên trì trong cầu nguyện

Tin Mừng hôm nay bắt đầu: “Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng”. Dụ ngôn nói về một bà goá gây phiền hà. Để trả lời cho câu hỏi “Chúng ta phải cầu nguyện bao lâu?” Chúa Giêsu trả lời, “phải cầu nguyện luôn!” (Lc 18, 1-2).

Bà góa trong dụ ngôn tin chắc vào vụ kiện của bà, bà chứng tỏ rằng bà đáng được đền bù, nên không ngại đấu tranh vì điều đó, bà có đủ lý do để lo lắng, vì các thẩm phán hành động không theo công lý, “họ không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta”(Lc 18, 3). Chúa Giêsu không ngại gọi ông là “vị thẩm phán bất lương nói”(Lc 18, 7). Vị thẩm phán bất lương này không có ý định xử vụ bà góa kiện, ông không để ý đến vụ kiện của bà. May mắn thay, câu chuyện kết thúc tốt đẹp: khi ông từ chối mãi, cuối cùng ông mất kiên nhận vì sự quấy rầy của bà, nên xét xử cho bà, để ông có sự yên tĩnh.

Và Đức Giêsu phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương đó nói”. Cuối cùng vị thẩm phán đó cũng mang lại công lý, hơn nữa chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ nghe lời chúng ta. Chúa Giêsu tuyên bố một cách long trọng rằng: “Thầy bảo các con, Chúa lại sẽ kíp giải oan cho họ !” (Lc 18, 8).

Để chúng ta yên tâm Thánh Luca giải thích rằng “Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng”. Nguy cơ chán nản thất vọng, khiến chúng ta ngã lòng là vì Thiên Chúa nhân lành không nhận lời chúng ta ngay? Nghĩa là Thiên Chúa có thể trì hoãn đáp lời chúng ta. Đáng ngạc nhiên nhất Chúa Giêsu bảo chúng ta “phải luôn luôn cầu nguyện không ngừng”, cần phải kiên trì.

Việc cầu nguyện trong Kitô giáo khác xa với việc cầu nguyện nơi các tôn giáo khác. Sự khác biệt lớn nhất chính là đối tượng. Đấng mà chúng ta cầu khẩn không phải là một vị thần ở tít trên cao, nhưng là một người Cha rất gần gũi và thân tình. Chúa Giêsu đã nói khá nhiều về điều ấy trong cả 4 sách Tin Mừng.

Một người con đến thưa chuyện với cha của mình không cần phải nhiều lời, khi đứa con biết rằng người bố rất yêu thương nó và biêt rõ nó đang cần gì. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một vị quan tòa khó tính hay cáu gắt, nhưng là một người Cha nhân hậu lúc nào cũng dang rộng đôi tay sẵn sàng ôm đón chúng ta vào lòng.

Vì thế khi đến với Chúa, chúng ta phải loại bỏ sự sợ hãi, nhưng cần đơn thành trải lòng mình ra để đón nhận tình yêu mà Thiên Chúa hiến trao. Chúng ta cũng cần thâm tín rằng cầu nguyện không phải chỉ là xin xỏ điều này hay điều nọ. Chúa biết rõ chúng ta đang thiếu thốn những gì. Thái độ nội tâm căn bản cần phải có khi cầu nguyện là hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa là Cha nhân lành, rất quảng đại và giàu lòng thương xót. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 kể lại một kinh nghiệm mà Ngài không bao giờ quên. Lúc còn nhỏ, Ngài đi tham dự một cuộc hành hương cùng với thân phụ của Ngài. Giữa một biển người mênh mông, đứa bé đứng dưới đất không nhìn thấy gì.

Thấy vậy, thân phụ của Đức Thánh Cha đã đặt Ngài trên đôi vai mình. Ngài cảm thấy rất tuyệt vời. Cũng vậy, khi chúng ta đến với Chúa, Chúa ôm chúng ta trong vòng tay trìu mến. Chúa cũng đặt chúng ta trên đôi vai Ngài. Trong vòng tay yêu thương của Chúa, chúng ta không còn lý do để sợ hãi.

Sự cầu nguyện, như tình yêu, không chịu sự tính toán. Một người mẹ đâu có hỏi bà phải thường yêu con mình bao lâu, hay là một người bạn đâu có hỏi mình phải yêu một người bạn bao lâu? Có thể có những mức độ khác nhau trong sự cân nhắc đối với tình yêu, nhưng không có những khoảng cách nhiều hay ít điều hòa hơn trong sự yêu đương. Với sự cầu nguyện cũng vậy. Lý tưởng của sự cầu nguyện kiên trì này được thực hiện trong nhiều hình thức bên phương Đông và phương Tây. Kitô giáo phương Đông thực hành điều ấy với “Kinh cầu nguyện Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con!”

Là một người Công giáo, một thành phần của Giáo Hội, chúng ta có trách nhiệm hướng đến người khác. Aaron và Hur đã không bỏ rơi Môsê trong lúc ông mệt mỏi. Họ không nghĩ rằng Môsê cầu nguyện một mình hoặc họ phải chú ý tới những lời cầu nguyện riêng của họ. Thiên Chúa hài lòng với lời cầu nguyện đầy mạnh mẽ bởi vì chúng ta cầu nguyện với tất cả không phải như những cá nhân độc lập, nhưng là cùng nhau như những người Công giáo, những người của Giáo Hội được hợp nhất trong tinh thần và trong thân thể của Đức Kitô.

Chúa Giêsu hiểu sự yếu đuối của chúng ta. Đó là lý do vì dao Ngài đã nói với chúng ta về dụ ngôn sự cần thiết của cầu nguyện luôn luôn và đừng bao giờ mất hy vọng. Người góa phụ trong dụ ngôn là môt bằng chứng. Một bằng chứng về sự bền bỉ, bà đã bị từ chối, bị bỏ rơi. Chúa Giêsu đã không muốn chúng ta bỏ cuộc, không có vấn đề gì khó, hay mất bao lâu để chúng ta cầu nguyện cho một điều gì. Để chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong suốt Thánh Lễ.

Chúng ta đến với Thánh Lễ với nhiều lý do, và có thể mọi người trong chúng ta đều được thúc đẩy bởi lý do riêng của mỗi người mà chúng ta cho là quan trọng nhưng trên hết chúng ta phải được cảnh báo để thực hành bài học của phụng vụ trong ngày hôm nay.

Linh mục đọc Kinh nguyện trong thánh lễ với đôi tay rộng mở. Giống như Môsê, ông cầu nguyện không chỉ nhân danh ông mà nhân danh một cộng đoàn thờ phượng. Cho dù chính chúng ta không cầu nguyện giống như thế, chúng ta có thể có cùng một thái độ trước Thiên Chúa như kinh nguyện ấy gợi ý: một thái độ khiêm nhường và tín thác.

Một lời cầu nguyện được đáp lại, không phải khi chúng ta có được điều chúng ta cầu xin, nhưng khi chúng ta được ban cho cảm thức về sự cận kề của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của một bệnh nhân được đáp lại không phải bởi bì bệnh của người ấy biến mất, nhưng bởi vì người ấy có được một cảm thức về sự kề cận của Thiên Chúa, sự bảo đảm rằng căn bệnh của người ấy không phải là một hình phạt của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bỏ rơi người ấy. Cầu nguyện có thể không làm thay đổi thế giới cho chúng ta, nhưng nó có thể cho chúng ta lòng can đảm đối diện với thế giới.

Đức Giêsu khuyên chúng ta cầu nguyện luôn và không nản chí. Nếu chúng ta ngưng cầu nguyện, chúng ta hầu như mất nhiệt tình và bỏ cuộc. Nếu chúng ta cầu nguyện liên tục, chúng ta sẽ không bao giờ mất nhiệt tình. Cầu nguyện có nghĩa là đặt chính mình và số phận của mình trong đôi tay của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện có nghĩa là chúng ta trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa chứ không phải sức mạnh của chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện một thứ quyền lực khác trở thành có hiệu lực đối với chúng ta.
Huệ Minh

Read 286 times Last modified on Chủ nhật, 16 Tháng 10 2022 18:16