7.11 Thứ Hai trong tuần thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
St 1:1-9; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Lc 17:1-6
Tiêu diệt gương xấu
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh sử giới thiệu vị thầy dạy là Chúa Giêsu và các học trò là môn đệ của Ngài. Đối tượng bây giờ là các môn đệ, là cộng đoàn của các ông chứ không phải dân chúng. Chúa Giêsu khẳng định : đành rằng có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng Ngài lại chúc dữ cho kẻ làm điều ấy “ khốn cho kẻ làm cớ...” ( c1) và Ngài đưa ra hình phạt ngay : “ Cột cối đá vào cổ nó và xô xuống biển thì có lợi cho nó hơn...” (c. 2).
Một câu nói tưởng chừng như một hình phạt nhưng lại là công phúc, đem lại lợi ích cho kẻ gây ra và nhất là không gây tác hại cho kẻ khác, làm cớ cho người khác vấp ngã còn do những lời giảng dạy sai lầm, khiến người nghe, hiểu và có những hành động sai lạc. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ linh hồn người khác như : Linh mục, tu sĩ, các giáo lý viên và ngay cả mỗi người Kitô hữu... Khi chúng ta sống trái với đạo lý, ngược với Tin Mừng. Chúng ta cần phải làm chứng về Đức Kitô cho những anh em tân tòng, các anh em thuộc các tôn giáo bạn bằng cách sống hằng ngày của chúng ta.
Kế đó, Chúa Giêsu còn chỉ dạy chúng ta cách sửa lỗi nhau : “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, hãy khiển trách nó” (c .3). Chúa không muốn chúng ta phủ nhận hay xem thường lỗi của người anh em, nhưng là lấy tình bác ái mà sửa dạy lẫn nhau. Ngài muốn chúng ta chỉ rõ lỗi của anh em, nói thẳng những điều xấu của họ trong tình bác ái. Không phải để la mắng, vùi dập, tố cáo... nhưng là nâng đỡ, vạch ra hướng đi, và giúp người anh em chỗi dậy và bước tiếp : “ nếu nó hối hận, hãy tha cho nó”
Tha thứ là hành vi bác ái mà luật Chúa Kitô đòi hỏi: “Dù nó xúc phạm một ngày 7 lần và 7 lần trở lại nói : Tôi hối hận; thì cũng phải tha cho nó” (c.4). Tha thứ không giới hạn, không kể đến vì lỗi lầm người kia cứ xúc phạm, nhưng nếu không tha thứ cho người anh em là chúng ta phủ nhận Tình Yêu của Chúa đối với ta qua bí tích Hòa giải. Thiên Chúa đã tha thứ cho ta và tha thứ cho người anh em, vậy sao ta lại cố chấp nhận không tha thứ ?. Sự tha thứ cần thiết vì con người quá yếu đuối, mỏng giòn. Tha thứ còn là cảm thông với những yếu đuối của họ và truyền sinh lực cho họ bước tiếp quãng đường.
Ý thứ ba mà bài Tin Mừng : Lần này người khởi xướng đề tài là các môn đệ. Có lẽ sau khi nghe bài giảng về việc “ làm cớ” và “ sửa lỗi”, các ông nhận ra giới hạn của bản thân, nên cùng nhau thưa với Chúa rằng “ Xin thêm lòng tin cho chúng con” (c. 5). Một lời cầu đích đáng và thích hợp cho mọi người trong mọi thời. Đây là dịp Chúa Giêsu dạy các ông về sức mạnh của lòng tin “ Nếu lòng tin bằng hạt cải, cây dâu sẽ vâng lời anh em” (c. 6).
Lòng tin làm được mọi sự. Nhiều khi chúng ta yếu đức tin, vì chưa phó thác vào Tình Yêu Thiên Chúa, vì còn nương tựa vào bản thân hay sức con người. Lòng tin còn là sự đáp trả của con người trước những phép lạ hoặc những điều kỳ diệu Chúa làm như trong Tin Mừng chúng ta thường thấy.
Chúng ta thấy con người thời nay như mất hết niềm tina nơi Chúa và họ chẳng còn tin cậy lẫn nhau. Cha của kẻ dối trá là ma quỷ đã gieo vào lòng con người sự ngờ vực, ngờ vực Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa, ngờ vực lòng tốt của người anh em. Đến nỗi, chúng con không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, điều nào nên làm hay không nên làm. Xin Chúa củng cố thêm niềm tin của chúng ta, để cho dù trời đất có thay đổi, lòng chúng ta vẫn một niềm phó thác, tin cậy vào Chúa.
Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học không được làm gương xấu, xúi dục hay nên cớ cho người khác phạm tội bằng bất cứ hình thức nào. Vì đời sống của chúng ta ảnh hưởng đến anh chị em xung quanh.
Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu đã lên án gắt gao với các Luật sĩ, biệt phái: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm”. Các luật sĩ, biệt phái sống cuộc sống hai mặt: Họ dạy người khác giáo lý về Thiên Chúa, nhưng chính họ lại không thực hành điều đúng đắn và phải làm. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho những người xung quanh, những người thuộc quyền, mà đáng lý ra họ phải là những người đầu tiên làm gương tốt.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ làm gương xấu: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu.”
Gương xấu dễ lây lan ra nhanh như đại dịch, gương xấu ảnh hưởng những người xung quanh, vì “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Ngày nay chúng ta dễ nhận ra trong thế giới văn minh tiến bộ giúp con người sống đầy đủ tiện nghi, mọi phương tiện sống rất thuận tiện, mang lại nhiều lợi ích, cuộc sống con người thoải mái hơn. Song chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: con người đã lạm dụng tự do, kinh tế thị trường lôi cuốn con người chạy theo cách làm ăn phi pháp, gian dối, tham nhũng, lừa đảo; con người lạm dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật, để sống hưởng thụ, thỏa mãn các đam mê…
Trong xã hội, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Chẳng hạn, phương tiện truyền thông khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ - đã không tự làm chủ được bản thân mình, mà sống một cách buông thả theo lối sống phương Tây. Môi trường giáo dục còn khiếm khuyết trong việc giảng dạy, đặc biệt về thi cử. Trong gia đình, đạo đức gia phong, đời sống tôn giáo xuống cấp trầm trọng, vì cha mẹ chỉ lo làm ăn buôn bán, không dạy dỗ con cái nên người hữu ích; cha mẹ làm ăn gian dối, đã gây tổn hại nặng nề cho con cái của họ sau này.
Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc những kẻ làm gương xấu, vì đó là tiếp tay với ma quỉ: “vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.”
Gương xấu là thái độ và thói xấu có ở nơi chúng ta, hoặc do chính chúng ta bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Làm thế nào để diệt trừ các thói xấu?
Huệ Minh